Bật khóc khi nhận kỷ vật cuối cùng của người thân qua đời vì Covid-19

"Nếu ai còn cha mẹ, xin hãy nói nhiều hơn lời quan tâm, yêu thương lúc họ còn sống...", anh Đức nức nở khi nhận kỷ vật cuối cùng của bố.

Theo VnEpxress đưa tin, từ ngày 8/8, khi trung tâm ICU hoạt động, những đồ đạc của người tử vong tại đây sẽ được giữ lại. Tất cả đều được kiểm kê kỹ với sự chứng kiến của công an và quân đội trước khi mang xuống nhà kho.

Nhà kho cất giữ những đồ đạc của người qua đời vì Covid-19 rộng khoảng 30 m2, để khoảng 300 túi đồ được sắp xếp gọn trên các kệ.

"Những người mất trong dịch này rất tội nghiệp, không có người thân bên cạnh, không được làm đám tang. Vì vậy chúng tôi có trách nhiệm phải giữ đầy đủ những kỷ vật để trả lại gia đình, như một phần an ủi tới họ", bác sĩ Trần Thái Sơn, Phó phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện cho biết.

Bật khóc khi nhận kỷ vật cuối cùng của người thân qua đời vì Covid-19-1
Đồ đạc của bệnh nhân qua đời vì Covid-19 được cất gọn gàng trên các kệ trong nhà kho rộng 30 m2. Ảnh VnExpress

Theo đó, suốt 3 ngày qua, các bác sĩ tại Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 (ICU) - Bệnh viện Bạch Mai tại TPHCM đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 (đường Đào Trí, quận 7) đã nỗ lực tìm lại những kỷ vật còn sót lại để trao cho người thân của bệnh nhân Covid-19 đã qua đời. 

"Khi bệnh nhân được đưa vào điều trị tại Trung tâm hồi sức, chúng tôi có trách nhiệm bảo quản toàn bộ đồ dùng cá nhân, để khi người bệnh ra viện chúng tôi sẽ trả lại. Còn với người không may tử vong, chúng tôi sẽ trực tiếp trao lại cho người thân của họ", bác sĩ Trần Thái Sơn chia sẻ.

Quy trình trao trả lại các kỷ vật cho người thân nạn nhân Covid-19 được đại diện lãnh đạo Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 (Bệnh viện Bạch Mai) trực tiếp giám sát và trao tận tay cho người nhà nạn nhân.

Tại trung tâm có một nhà kho riêng để lưu giữ đồ dùng, kỷ vật của các nạn nhân mất vì Covid-19. Nhân viên y tế sẽ phân loại, sắp xếp lại để khi người nhà nạn nhân đến tìm dễ dàng hơn.

Bật khóc khi nhận kỷ vật cuối cùng của người thân qua đời vì Covid-19-2
Chiều 21/9, TP.HCM mưa cả buổi nên phải dời thời gian nhận đồ lại muộn hơn.  Ảnh VietNamNet

Trước khi đồ dùng của họ được mang từ phòng ICU (phòng hồi sức tích cực) ra ngoài, nhân viên y tế sẽ phun khử khuẩn lần một. Sau đó khi đưa về kho lưu trữ, họ sẽ khử khuẩn lại thường xuyên trước khi trao trả cho gia đình.

Chiều 21/9, hàng chục thân nhân đến Trung tâm Hồi sức Tích cực Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai để làm thủ tục nhận lại kỷ vật.

ThS.BS Trần Thái Sơn - Phó Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Trung tâm hồi sức cho biết, đây là việc làm mang tính nhân văn và cần thiết, nó an ủi một phần nào đó cho người thân của các nạn nhân.

Cũng theo lời ThS.BS Trần Thái Sơn được biết, buổi sáng trung tâm gọi cho 100 gia đình, nhưng chỉ có 20 gia đình báo sẽ đến nhận. "Các trường hợp còn lại, do gia đình trong khu vực giãn cách nên họ chưa đến được. Bệnh viện mong việc này sẽ làm vơi đi nỗi đau của người nhà bệnh nhân", bác sĩ Sơn chia sẻ.

Ghi nhận của VietNamNet, chị Nguyễn Thị Ngọc Linh, cư trú ở quận 8 mặc áo mưa đến Trung tâm Hồi sức Covid-19 xếp hàng chờ nhận lại các món đồ của mẹ. Chị Linh cho biết, mẹ chị năm nay 59 tuổi, ngoài Covid-19, bà có bệnh nền tiểu đường và bệnh tim. Bà mất ngày 8/9.

"Mọi người trong nhà tôi ai cũng nhiễm bệnh, cách ly tại nhà. Chỉ có mẹ đưa vào bệnh viện và qua đời", giọng chị xúc động.

Bật khóc khi nhận kỷ vật cuối cùng của người thân qua đời vì Covid-19-3
Đồ dùng của các bệnh nhân Covid-19 đã mất được để cẩn thận trong ba lô, bệnh viện có ghi tên người bệnh đầy đủ. Ảnh VietNamNet

Đến nhận lại kỷ vật người thân,ông Vũ Ngọc Ninh (ngụ phường 9, Quận 10, TPHCM) mất gần 30 phút loay hoay tìm lại đồ của cha mình nhưng chưa thấy. Sực nhớ có một tấm hình mà gia đình ông đã chụp lại trước đó, ông lấy ra cho nhân viên y tế nhận diện.

Sau vài phút soát lại kho đồ, ông Ninh đã tìm được đồ dùng của cha mình để lại.

"Thật sự cảm ơn bệnh viện, cảm ơn các y bác sĩ, không ngờ những kỷ vật cuối cùng, những đồ dùng quen thuộc của cha lại được bệnh viện lưu giữ lại cẩn thận và đầy đủ vậy. Tuy nó không có giá trị nhiều về vật chất, nhưng đối với gia đình nó có giá trị rất lớn về mặt tinh thần", Dân Trí dẫn lời ông Ninh. 

Cũng có mặt trong buổi nhận kỷ vật, anh  Huỳnh Đức Minh Đức (38 tuổi) chỉ tìm lại được một số đồ dùng các nhân của cha. Anh úp mặt vào túi kỷ vật của cha khóc nghẹn.

Bật khóc khi nhận kỷ vật cuối cùng của người thân qua đời vì Covid-19-4
Bật khóc khi nhận kỷ vật cuối cùng của người thân qua đời vì Covid-19-5
Anh Đức khóc nghẹn khi ôm di vật của cha. Ảnh VietNamNet

"Tôi không nghĩ là cha mình lại ra đi nhanh như vậy, giờ nhìn thấy những kỷ vật này tôi cảm thấy rất hối hận, vì còn nhiều điều chưa thể nói với cha, nhiều thứ chưa làm được cho cha. Nếu ai còn cha mẹ, khi họ còn sống thì xin hãy nói nhiều hơn lời quan tâm, yêu thương...

Nếu không thấy những kỷ vật này, có lẽ tôi đã nhẹ lòng hơn, nhưng khi thấy rồi, thấy buồn lắm", anh Đức nức nở.

Một người khác đến nhận đồ của anh trai mất ngày 30/8 chia sẻ: "Người thân của tôi là anh lớn trong gia đình không qua khỏi là đau buồn, mất mát rất lớn. Bệnh viện đã nhiệt tình giúp đỡ gia đình.

Chuyện đau buồn cũng đã xảy ra. Thay mặt gia đình, tôi gửi lời cảm ơn đến các nhân viên y tế. Chúc các y bác sĩ có nhiều sức khỏe có nhiều sức khỏe để giúp TP nhanh dập được dịch".

Bật khóc khi nhận kỷ vật cuối cùng của người thân qua đời vì Covid-19-6
Bật khóc khi nhận kỷ vật cuối cùng của người thân qua đời vì Covid-19-7
Khi nhận đồ, người thân của người quá cố sẽ kiểm tra cẩn thận. Ảnh VietNamNet

Ghi nhận của Dân Trí, có rất nhiều đồ dùng mà nhiều bệnh nhân Covid-19 ở đây để lại, nhưng nhiều nhất là điện thoại, ví có giấy tờ tùy thân, tiền mặt, áo quần... Những chiếc điện thoại đa số đều hết pin, được các bác sĩ sạc lại và chờ người nhà của họ tới nhận diện bằng việc gọi điện vào số máy đó.

Nhiều kỷ vật không có tên tuổi, không có số điện thoại, người nhà không thể tìm được ngay, những trường hợp này bệnh viện sẽ lưu lại thông tin của người nhà, thông tin món đồ theo mô tả của họ và sẽ tiếp tục tìm sau đó, nếu tìm thấy sẽ báo cho họ tới nhận lại.

Bật khóc khi nhận kỷ vật cuối cùng của người thân qua đời vì Covid-19-8
Đồ dùng của bệnh nhân Covid-19 qua đời dơn giản chỉ là chiếc điện thoại, ví tiền,..   Ảnh VietNamNet

Đến 16h30, còn gần chục người đợi ở cổng chờ tới lượt vào làm thủ tục nhận đồ của người nhà.

Bật khóc khi nhận kỷ vật cuối cùng của người thân qua đời vì Covid-19-9
Đến chiều muộn, người nhà vẫn đứng chờ đến lượt vào nhận kỷ vật. Ảnh VnExpress

ThS.BS Hoàng Thị Phú Bằng - Phó Trưởng phòng Công tác Xã hội Trung tâm Hồi sức Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những ngày qua trung tâm đã tìm lại và lưu giữ được khoảng 300 túi đồ của các nạn nhân mất do Covid-19.

Trong 3 ngày triển khai việc trao trả kỷ vật, có khoảng 60 trường hợp đến nhận lại đồ của người thân mình. 

Ở một số bệnh viện dã chiến khác, khi bệnh nhân mất nếu có người nhà ở đó sẽ giao luôn kỷ vật. Trường hợp nguời nhà chưa tới được, đồ đạc của người mất cũng sẽ được giữ lại và chờ thân nhân.

Dịch bệnh hoành hành, người thân mất đi không ở bên cạnh đã là nỗi đau rất lớn với nhiều người. Ngày vào viện họ còn được nhìn thấy nhau, đến khi trở về nhà chỉ còn là hũ tro, đến nhìn mặt lần cuối cũng không thể. Thật đau xót biết bao!

Chính vì thế, những kỷ vật tuy chỉ là chiếc điện thoại, quần áo, chiếc ví tiền,...nhưng cũng thật sự ý nghĩa đối với người ở lại, nhìn vật như nhìn thấy người!

HT (t/h)
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/bat-khoc-khi-nhan-ky-vat-cuoi-cung-cua-nguoi-than-qua-doi-vi-covid19-n-278312.html

SARS-CoV-2 COVID-19

Tin tức mới nhất

Hay nhất 2sao