Bất lực với "căn bệnh khó chữa" của vợ

Không ngờ vợ tôi và chị chủ cửa hàng đang vừa chửi vừa đánh nhau. Khi tôi vào can ngăn, chị chủ cửa hàng hỏi: "Chú là chồng cô này à?..."

Tôi là nhân viên IT của công ty tin học, còn vợ là nhân viên văn phòng của một công ty tư nhân. Thu nhập của tôi không cao nhưng tương đối ổn định, nên đủ sức lo co vợ con cuộc sống thoải mái. Hơn nữa, sau khi chúng tôi cưới nhau, bố mẹ hai bên đã góp tiền mua cho chúng tôi một căn hộ chung cư, nên vợ chồng chúng tôi cũng đỡ phần gánh nặng.

Mỗi tháng tôi đưa cho vợ 10 triệu đồng, cộng với lương của cô ấy để chi tiêu cho gia đình, còn mình tự nhận phần mua sắm vật dụng, tiết kiệm cho những dự án lớn hơn. Tôi nghĩ, với gia đình hai vợ chồng và chưa có con, thì số tiền đó không phải là quá hạn hẹp.Vậy mà, lúc nào vợ tôi cũng làm như khổ sở, thiếu thốn lắm. Nhiều khi khiến tôi cũng phát mệt, thậm chí xấu hổ với mọi người.

Nói về vợ tôi, cô ấy khá xinh đẹp, đảm đang, tháo vát và rất mực yêu thương chồng. Còn thoải mái, hòa đồng với mọi người nữa. Tuy nhiên, vợ tôi lại mắc "bệnh khó chữa" đó là mua bất cứ thứ gì vợ tôi cũng muốn mặc cả đi mặc cả lại, thêm bớt từng chút khiến tôi đứng chờ lắm khi phát ngượng và phát cáu.

bệnh khó chữa
Mua thịt, cá vợ tôi cò kè đã đành, đến mức mua một bó rau cũng nhiệt tình trả giá.
(Ảnh minh họa)


Một lần về quê, cô ruột tôi khen, “cái T (vợ tôi) là gái thành phố mà mua bán khéo ghê. Nó đi chợ mua có khi còn được giá rẻ hơn cô nữa ấy”. Khi ấy, tôi tự hào về vợ nhiều lắm, vì cô ấy khéo léo, biết lo toan. Rồi về thành phố, tôi nằng nặc đòi chở vợ đi chợ, thứ nhất để thể hiện sự quan tâm, thứ hai để tìm hiểu xem, vợ tôi đi chợ “khéo” đến mức nào mà cô tôi khen đến vậy.

Quả thực, tôi đi chợ, người bán nói bao nhiêu thì mua bấy nhiêu. Còn vợ tôi, người bán nói 10 nghìn, cô ấy chỉ trả 5 nghìn. Rồi đôi bên, kì kèo, “kẻ hạ xuống, người nâng lên” chán chê mới ngã ngũ. Ban đầu, khi mua món thứ nhất, tôi thấy cũng hay hay, đúng là vợ tôi đáng nể thật. Đến món thứ hai, tôi mất dần sự kiên nhẫn, đến món thứ ba thực sự tôi chỉ muốn bỏ đi trước. Vợ tôi giành nửa buổi sáng để lựa chọn 3 món nấu cho bữa cơm của hai vợ chồng.

Lần đầu tiên tôi góp ý vợ chuyện hay trả giá, và trả giá quá đáng là lần nhà có khách. Tôi chở cô ấy đi cho nhanh để về còn cơm nước.

Mua thịt, cá vợ tôi cò kè đã đành, đến mức mua một bó rau cũng nhiệt tình trả giá. Bó rau có 5 nghìn đồng, của một bà cụ gần 70 tuổi, nhìn đáng thương vô cùng. Vậy mà, vợ tôi vẫn nâng lên, đặt xuống, rồi trả 2 nghìn đồng, rồi cò kè, 3 nghìn, 4 nghìn.

Mất 10 phút để mua bó rau rẻ hơn được 1 nghìn đồng. Mặc cả xong, trong túi vợ tôi không còn tiền lẻ nên quay sang hỏi tôi. Vì nhìn bà cụ thương quá nên tôi rút ví đưa cụ 10 nghìn và bảo: “Cụ không phải trả lại, con biếu cụ”. Vậy mà vợ tôi nhảy dựng lên, đòi cho bằng được 6 nghìn.

bệnh khó chữa
Tôi phải làm gì để vợ khỏi căn bệnh khó chữa này đây? (Ảnh minh họa)

Tôi xấu hổ vô cùng. Chồng đã nói biếu, vợ còn đòi lại. Ấy vậy mà lên xe về, cô ấy còn trách móc tôi hoang phí. Phương châm của vợ tôi luôn là: “Bớt được đồng nào hay đồng ấy”. Sau lần ấy, tôi nhủ lòng, không bao giờ đi chợ cùng vợ nữa.

Cách đây 2 hôm, có đám cưới bạn nên vợ tôi đi làm sớm hơn thường lệ để mua bộ cánh mới cho kịp buổi trưa đi dự lễ. Tôi thấy điều đó là bình thường và cũng không để ý lắm. khoảng 30 phút sau, khi tôi vừa ra khỏi khu nhà chừng 500 mét, thấy hai người phụ nữ đang cãi vã lùm xum. Thấy có xe máy của vợ nên tôi dừng lại xem chuyện gì xảy ra.

Không ngờ vợ tôi và chị chủ cửa hàng đang vừa chửi vừa đánh nhau. Khi tôi vào can ngăn, chị chủ cửa hàng hỏi: “Chú là chồng cô này à? Chú xem, mới sáng ra vào hàng nhà tôi, thử nửa tiếng đồng hồ cả chục chiếc mới chọn được cái váy mà trả bằng 1/3 giá niêm yết. Tôi không bán, cô ấy còn nói tôi ăn dày, hốt của thiên hạ”. Nghe thế tôi liền hiểu, cũng chỉ vì cái “bệnh khó chữa” của vợ nên mới ra cơ sự vậy. Tôi xin lỗi thay vợ rồi trả tiền chiếc váy, sau đó kéo vợ đi.

Buổi tối về, cô ấy cố thanh minh nhưng tôi chẳng buồn đáp lại. Tôi hiểu, vợ tôi muốn thu vén, lo toan gia đình, nhưng đâu cần cái gì cũng phài cò kè và trả giá triệt để như vậy. Tôi không muốn trường hợp tương tự xảy ra nữa. Tôi phải làm gì để vợ khỏi căn bệnh khó chữa này đây?

Theo Trí thức trẻ


Tin tức mới nhất