Nini Ye đã khóc hàng giờ liền nghe tin ngôi sao nhạc Pop người Canada gốc Hoa Ngô Diệc Phàm (Kris Wu) bị cảnh sát Bắc Kinh tạm giữ vì cáo buộc hiếp dâm.
"10 năm tuổi trẻ của tôi đã trôi qua vô nghĩa. Tôi sẽ không bao giờ thích hoặc thần tượng một ngôi sao nào khác trong quãng đời còn lại", cô gái 17 tuổi người Thâm Quyến nghẹn ngào.
Nini là một trong những người hâm mộ Ngô Diệc Phàm ở Trung Quốc kể từ khi anh ra mắt với tư cách thành viên nhóm nhạc đình đám EXO vào năm 2012. Từ đó, cô dành vô số thời gian để theo dõi thần tượng trên mạng, nghe album và bỏ tiền ra mua các sản phẩm ủng hộ idol.
Rồi bê bối của Ngô Diệc Phàm nổ ra, tạo thành cơn chấn động trong cộng đồng người hâm mộ nói riêng và cả ngành công nghiệp giải trí nói chung.
Ngô Diệc Phàm.
Những người trong cuộc nói rằng, vụ việc của Ngô Diệc Phàm là một bước ngoặt trong cuộc "dọn dẹp" được phát động hồi tháng 6 nhằm kiềm chế các ngôi sao, câu lạc bộ người hâm mộ và các nền tảng truyền thông xã hội có mức ảnh hưởng lớn với giới trẻ trong những năm gần đây.
Nhưng các nhà phân tích cho biết, fandom (nhóm người luôn yêu quý, ủng hộ thần tượng) là một trong số ít tổ chức hội tụ đông đảo công chúng và có thể khiến cuộc đàn áp không thể mang lại hiệu quả như mong muốn.
Kể từ khi phát động chiến dịch cách đây hai tháng, cơ quan giám sát Internet, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã xoá hơn 150.000 tin nhắn độc hại, ngưng hoạt động của hơn 4.000 tài khoản mạng xã hội và đưa ít nhất 39 ứng dụng di động vào chế độ ngoại tuyến.
Thứ sáu tuần này (6/8), Weibo - nền tảng truyền thông xã hội giống Twitter của Trung Quốc - đã thông báo loại bỏ "Danh sách xếp hạng các ngôi sao quyền lực". Đây được coi là một trong những "chiến trường" ảo để người hâm mộ Trung Quốc được thể hiện tình yêu và sự ủng hộ với thần tượng.
Việc xoá danh sách xếp hạng nhằm đảm bảo sự phát triển có trật tự của cộng đồng và các kênh, để người hâm mộ được thể hiện tình cảm với các ngôi sao một cách đúng đắn nhất. Các động thái của cơ quan chức năng trong hai tháng qua là một phần nỗ lực để kiềm chế nền văn hoá hâm mộ có phần thái quá của nước này.
Nhiều người hâm mộ Ngô Diệc Phàm gần như sốc nặng khi nhận tin anh dính vào bê bối. Ảnh: AP.
Đó là nơi mà Melody Zhou, 16 tuổi, học sinh trung học ở Quảng Châu dành hàng nghìn giờ đồng hồ để đăng các bình luận khen ngợi thần tượng và đôi khi công kích đối thủ của anh - đây là cách mà cô và nhiều người hâm mô khác vẫn làm để cố nâng tầm thần tượng mình yêu thích.
Chính cách "gây war", cố gắng bảo vệ thần tượng đã khiến Weibo và các nền tảng xã hội khác có lượng truy cập khổng lồ.
Những bài đăng thể hiện tình cảm với đất nước từ các tổ chức như Đoàn Thanh niên Cộng sản và các cơ quan ngôn luận của chính phủ... có thể thu hút hàng triệu lượt bình luận từ người hâm mộ nếu được người nổi tiếng đăng lại.
Nhưng, hành động của người hâm mộ cuồng nhiệt như Nini và Melody không phải bột phát, họ thường làm theo những gì mà các trưởng câu lạc bộ người hâm mộ (người đứng đầu fan) yêu cầu.
Summer Song, người điều hành một "doanh nghiệp" chăm sóc người hâm mộ ở Bắc Kinh, cho biết nhiều người đứng đầu các nhóm fan được trả công một cách hậu hĩnh.
"Chúng tôi biết những người đứng đầu nhóm fan của các ngôi sao hàng đầu. Chúng tôi làm việc với các thương hiệu để tạo tiếng vang cho các ngôi sao thông qua các sự kiện.
Đây là những 'phi vụ kinh doanh tốt', trưởng nhóm fan có thể kiếm đến 200.000 nhân dân tệ (30.0840 USD) ngay cả với sự kiện nhỏ", Song nói và cho biết thêm: "Đôi khi tôi sẽ trả cho họ hơn 100.000 nhân dân tệ chỉ để hỗ trợ một sự kiện".
Việc của người đứng đầu là khuyến khích các thành viên trong nhóm đăng nhận xét, tăng tương tác, hỗ trợ lưu lượng truy cập và hoạt động của các thương hiệu trên các trang web và nền tảng khác nhau, cũng như làm tăng sự nổi tiếng của các ngôi sao.
Theo Song, nếu người hâm mộ của các ngôi sao tranh luận trên web, điều đó thật tuyệt vời vì bạn không cần lo lắng về lưu lượng truy cập. Thậm chí các thương hiệu còn trả nhiều tiền hơn.
Người điều hành cho rằng, việc tôn thờ ngôi sao sẽ tạo ra thứ "như một nhà tù" vì fan (người trong cuộc) không thể nhìn thấy những điều đang xảy ra bên ngoài.
Những gì người nổi tiếng nói trước công chúng khác xa với những gì họ thật sự tin tưởng. Còn trong mắt người hâm mộ, thần tượng của họ là hoàn hảo. Họ sẽ không chấp nhận các lời chỉ trích chống lại thần tượng.
"Những người đứng đầu hội nhóm fan đang sử dụng thành viên như những lao động tự do và kiếm lợi nhuận. Nhưng người hâm mộ lại nghĩ mình đang làm điều có ích, giúp thần tượng tăng danh tiếng. Sự sụp đổ của Ngô Diệc Phàm có thể là điềm báo kết thúc kỷ nguyên vàng của những ngôi sao có lượng truy cập hàng đầu".
Nhưng, Melody lại cho rằng việc đuổi theo thần tượng khiến cô trở thành một người tốt hơn. Nó tác động tích cực và khiến cô gái trẻ hiểu rằng "thành công đến từ sự làm việc chăm chỉ và kỷ luật".
Chen Chung, nhà nghiên cứu tại Đại học Trung Sơn (Quảng Châu), cho biết văn hoá hâm mộ ngày nay có thể bắt nguồn từ năm 2004 và từ cuộc thi hát Super Girl (phiên bản Trung Quốc của show truyền hình Pop Idol từng trở thành hiện tượng nổi tiếng toàn quốc chỉ như sau một đêm).
Sau đó hiện tượng "săn đuổi, thần tượng các ngôi sao" trỗi dậy từ các nhóm nhạc nam ở Hàn Quốc, Nhật Bản, các chương trình truyền hình thực tế và sự bùng nổ internet tại Trung Quốc.
"Vụ bê bối của Ngô Diệc Phàm chỉ là cái cớ để nhà chức trách tiếp tục dẹp bỏ các fandom", Chen nói.
Theo cô, văn hoá hâm mộ có liên quan đến việc giám sát các không gian văn hóa và kiểm duyệt văn hóa đã trở nên phổ biến kể từ năm 2012. "Với những người trẻ tuổi và tràn đầy đam mê, khi không có nơi nào để phát triển sở thích, họ sẽ theo đuổi các ngôi sao", ông Chen nói.
Theo ione