Ngày 25/7, PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM cho biết, tại đây đã điều trị thành công cho một trường hợp trẻ bị sốc sốt xuất huyết, nguy kịch tính mạng.
Bệnh nhi là bé trai T.N.K.A (8 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TPHCM) nhập viện ngày 25/4 sau 4 ngày sốt cao liên tục 39 đến 40 độ C, uống thuốc hạ sốt nhưng không khỏi .
Sang ngày thứ 4, bé bớt sốt nhưng than mệt, nhức đầu nhiều nên gia đình đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu trong tình trạng tụt huyết áp, máu bị cô đặc. Bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, được truyền dịch chống sốc và chuyển đến bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục hồi sức.
Bệnh nhi đã may mắn được điều trị tích cực vượt qua tình trạng nguy kịch
Thời điểm nhập viện, bác sĩ nhận định trẻ nguy kịch tính mạng bởi tình trạng sốc nặng trên cơ địa béo phì (bệnh nhi có cân nặng 53kg, trẻ bình thường khoảng 26kg). Ngay lập tức, bệnh nhi được hỗ trợ hô hấp, truyền dịch chống sốc và hồi sức tích cực. Tuy nhiên, tình trạng diễn tiến nặng khiến bé bị tổn thương gan, thận, chức năng đông máu và tăng áp lực ổ bụng nặng.
Cùng với các biện pháp điều trị nội khoa tích cực, ê kíp bác sĩ đã phải áp dụng phương pháp lọc máu liên tục suốt 1 tháng để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy gan, suy thận cho bé. Sau 2 tháng thở máy, gần 3 tháng điều trị liên tục, các bác sĩ mới giúp bệnh nhi “vượt qua cửa tử”.
Từ trường hợp trên, PGS Phạm Văn Quang khuyến cáo, dịch sốt xuất huyết đang tăng cao và có nhiều trường hợp nặng. Một số bệnh nhi không chỉ nhập viện trong tình trạng trụy tim mạch mà còn có tổn thương đa cơ quan, có thể dẫn đến tử vong. Cộng đồng cần nâng cao ý thức phòng chống bệnh sốt xuất huyết bằng biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi, phòng tránh muỗi bằng kem chống muỗi, nhang muỗi, ngủ mùng thường xuyên.
Khi thấy trẻ có biểu hiện sốt cao từ 2 đến 3 ngày trở lên, phụ huynh phải đưa đến khám tại cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị sớm trong trường hợp mắc sốt xuất huyết, tránh các biến chứng nguy hiểm xảy ra.
Theo Tiền Phong