Bên trong lễ hội khiến bao cao su đắt hàng ở Ấn Độ-1
Lễ hội Navratri kéo dài từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2022. Ảnh: The Economic Times.

Lễ hội Navratri (trong tiếng Phạn "nava" nghĩa là 9 và "ratri" nghĩa là đêm) của người Hindu diễn ra vào mùa thu hàng năm để tôn vinh nữ thần Durga, theo VICE.

Các nghi lễ khác nhau giữa mỗi bang ở Ấn Độ, nhưng Navratri thường tập trung thờ cúng Navdurgas (9 hình đại diện của nữ thần).

Lễ hội còn tái hiện lại cuộc chiến giữa thiện và ác bằng cách nhảy múa với những cây gậy đầy màu sắc trong một hình thức khiêu vũ được gọi là dandiya, hoặc Sword Dance. Lễ hội cũng bao gồm nghi lễ garba, trong đó các tín đồ nhảy múa trong một vòng tròn với vị thần ở giữa, tượng trưng cho quan điểm của người Hindu về thời gian, sự sống, cái chết và sự tái sinh.

Như hầu hết lễ hội, Navratri cũng là thời điểm mà mọi người cùng nhau "hòa mình", mà đối với một số người, có thể bao gồm cả tình dục, hoạt động đã phần nào bị gián đoạn trong hơn hai năm đại dịch.

Bùng nổ doanh số bao cao su

ỞẤn Độ, nơi mà quan hệ tình dục trước hôn nhân vẫn bị đánh giá khắt khe, Navratri thể hiện cả cơ hội và khả năng tiếp cận.

Ở bang Gujarat, trung tâm của Navratri, lễ hội đưa đến cơ hội hòa nhập và giao tiếp xã hội cho rất nhiều người trẻ. Ngay cả trong những gia đình có giờ giới nghiêm, bố mẹ cũng không thể cấm con cái đi chơi muộn trong những dịp như thế này.

Trong nhiều năm, Navratri được cho dẫn đến sự gia tăng doanh số bán bao cao su tại Gujarat nói riêng và Ấn Độ nói chung.

Một báo cáo năm 2016 của The Economic Times cho thấy doanh số bán bao cao su tăng trung bình 25-50%, đặc biệt là ở các hiệu thuốc gần những địa điểm khiêu vũ Navratri.

Bên trong lễ hội khiến bao cao su đắt hàng ở Ấn Độ-2
Navratri, nghĩa là 9 đêm trong tiếng Phạn, là một trong những lễ hội quan trọng của người Ấn. Ảnh: The Times.

Tương tự, khảo sát mới đây của VICE với hàng chục hiệu thuốc ở nhiều thành phố khác nhau trên khắp Gujarat cũng cho thấy nhu cầu đối với bao cao su và thuốc tránh thai thực sự gia tăng trong thời gian diễn ra lễ hội.

Bharat Soni, đại diện của Staywell Pharmacy ở Ahmedabad, cho biết: "Việc bán bao cao su và các biện pháp tránh thai rõ ràng là tăng vì đang là 'mùa cao điểm'. Ở cửa hàng của chúng tôi, doanh số bán hàng bao cao su đã tăng 20-30 phần trăm trong thời gian diễn ra Navratri".

Apollo Pharmacy ở Memnagar, Ahmedabad cho biết doanh số bán bao cao su tăng 15-20% trong những ngày Navaratri, trong khi một hiệu thuốc ở Vadodara nói rằng doanh số bán hàng đã tăng 60% trong đợt này.

Để phục vụ nhu cầu tăng mạnh, một số cửa hàng, hiệu thuốc đóng cửa trễ hơn và tích trữ hàng trước lễ hội Navaratri.

Câu chuyện giáo dục giới tính

Theo Gaurang Jani, nhà xã hội học từng là giáo sư tại Đại học Gujarat, doanh số bán bao cao su tăng lên thường là dấu hiệu tích cực khi nói đến thực hành tình dục an toàn ở giới trẻ, nhưng vấn đề này ở Ấn Độ có thể phức tạp hơn nhiều.

"Giáo dục giới tính ở Gujarat không tồn tại vì nó đã bị cấm từ năm 2007. Thậm chí ngày nay, bạn sẽ không tìm thấy một bảng quảng cáo nào nói về tình dục an toàn và giáo dục công dân về các biện pháp tránh thai. Chính quyền cũng chỉ đạo các kênh truyền hình không được chạy quảng cáo về HIV, tình dục an toàn và các biện pháp tránh thai".

Giáo dục giới tính tiếp tục bị cấm trong các trường học của Gujarat, với ưu tiên dành cho các học phần về yoga và y học thay thế.

Bên trong lễ hội khiến bao cao su đắt hàng ở Ấn Độ-3
Giáo dục giới tính là điều cấm kỵ tại bang Gujarat, Ấn Độ. Ảnh: Reuters.

Jani giải thích rằng giáo dục giới tính không chỉ đơn giản là biết cách đeo bao cao su mà còn vượt xa hơn thế để hiểu về quan hệ giới, thực hành quan hệ an toàn, phá bỏ định kiến ​​giới...

"Nhiều người trong độ tuổi 18-25 hiểu việc sử dụng bao cao su thông qua mạng xã hội. Nhưng mạng xã hội có thể thay thế giáo dục giới tính toàn diện, phù hợp với lứa tuổi không? Có những khoảng trống trong nhận thức của họ về tình dục mà không thể khỏa lấp bằng một bài đăng trên Instagram", nhà xã hội học nhận định.

Bác sĩ phụ khoa Esha Chainani tại Mumbai cho biết nhiều phụ nữ hỏi về các loại thuốc làm chậm ngày có kinh nguyệt trước Navratri. Ngoài lý do tôn giáo (phụ nữ có kinh thường không được khuyến khích tham gia các nghi lễ hoặc thờ cúng), ngày kinh còn ảnh hưởng đến việc vui chơi của họ.

Ruchi Ruuh, cố vấn về các mối quan hệ, nói rằng lệnh cấm giáo dục giới tính ở Gujarat càng cho thấy rõ tác hại trong những ngày Navratri.

"Nếu bạn có 9 đêm, rõ ràng là sẽ có rất nhiều người quan hệ tình dục, gia tăng các rủi ro. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội Navratri, tôi nhận được nhiều câu hỏi. Mọi người dường như không biết phải làm gì sau khi quan hệ tình dục, nhất là khi nói đến các bệnh lây qua đường tình dục hoặc mang thai ngoài ý muốn".

Theo Zing