Hồi tháng 12 năm ngoái, Yun - một cậu bé 14 tuổi người Trung Quốc bị bán ra nước ngoài. Trước đó vài ngày, một người đàn ông đã liên hệ với Yun qua một ứng dụng video và đưa ra lời mời làm việc hấp dẫn.
Yun - một đứa trẻ mới bỏ học, bị gia đình ghẻ lạnh và hay nhảy việc từ nhà máy này sang nhà máy khác - nhận thấy mức lương được hứa hẹn quá hấp dẫn. Một vài đứa trẻ khác đã đi theo Yun. Đến khi chúng biết mình bị lừa thì đã quá muộn.
Những người đàn ông lạ mặt đưa bọn trẻ vượt biên bằng cả xe hơi, đi bộ xuyên núi, thậm chí là ẩn náu bên trong một chiếc thuyền. Rồi đột nhiên, các bảng hiệu có chữ nước ngoài hiện lên trước mặt chúng.
Tại điểm đến, 6 đứa trẻ - tất cả đều chưa đủ tuổi - bị bán vào một khu phức hợp ở thành phố Sihanoukville của Campuchia. Ở đó, chúng bị giam giữ và buộc phải tham gia vào công việc lừa đảo những người khác qua mạng.
Yun nói: “Chúng cháu kết bạn với họ trên WeChat” - ứng dụng nhắn tin - “và tiếp tục trò chuyện với họ để tạo mối quan hệ tốt đẹp”. Sau đó, bọn trẻ sẽ thuyết phục nạn nhân của mình tham gia một kế hoạch đầu tư lừa đảo. Việc mà Yun và đám bạn phải làm là một kịch bản phổ biến.
Sihanoukville, một thành phố ven biển mới nổi bởi các khoản đầu tư của Trung Quốc, đã trở thành một trong những điểm nóng lớn nhất trên toàn cầu về các hoạt động lừa đảo trực tuyến.
Các băng đảng chiêu dụ người tìm việc làm bằng những lời hứa hão huyền, sau đó giam cầm họ. Mặc dù không có số liệu thống kê chính thức, nhưng những thanh thiếu niên non nớt thường rơi vào bẫy của chúng.
Trong nhiều năm, cứu cánh cho những nạn nhân như Yun là một nhóm doanh nhân - những người tình nguyện dành thời gian, nguồn lực và mối quan hệ của họ để giành lại quyền tự do cho những người đồng hương bị lừa đảo.
"Mổ lợn"
Khu nhà nơi Yun và những người bạn của cậu bị giam giữ trông giống như một văn phòng - có rất nhiều máy tính và điện thoại. Đám quản lý thường hô to các khẩu hiệu truyền cảm hứng và đào tạo những người mới đến.
Để tránh sự theo dõi của các nhà chức trách Trung Quốc, những kẻ cầm đầu liên lạc với người của mình thông qua ứng dụng nhắn tin được mã hóa Telegram.
Ming, một cô bé 15 tuổi bị bán cùng với Yun, chia sẻ với tờ Sixth Tone rằng những kẻ bắt giữ đe dọa chúng bằng cách gửi những đoạn video đẫm máu đến các nhóm làm việc trên Telegram để nạn nhân thấy hậu quả của việc không phối hợp.
“Thật là đáng sợ” - Ming nói.
Những kẻ lừa đảo lạ mặt khiến Yun lo lắng. Cậu không hoàn toàn hiểu những gì mình đang làm và không sẵn sàng tham gia, nhưng cậu cũng không dám phản đối vì sợ bị trừng phạt.
Mới 14 tuổi, Yun là người nhỏ tuổi nhất trong số các nạn nhân, nhưng cậu đã bị đánh 2 lần vì không “câu” được ai.
Vào ban đêm, bên trong căn phòng ngủ chung mà Yun đã được chỉ định, cậu vừa khóc vừa trốn dưới lớp chăn. “Nếu bị những người đó nhìn thấy, chắc chắn cháu sẽ bị nghi ngờ là muốn bỏ trốn” - Yun nói.
Lừa đảo qua mạng là kiểu lừa đảo mà nhiều thanh thiếu niên bị mắc bẫy và ngày càng trở nên phổ biến. Ở Sihanoukville, các băng nhóm người Trung Quốc chiếm ưu thế, nhưng các hoạt động nhằm vào các công dân nước khác đang gia tăng.
Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành trấn áp các vụ lừa đảo công dân từ Campuchia. Cụ thể, vào năm 2019, họ đã thiết lập một văn phòng thực thi chung với các cơ quan chức năng Campuchia tại thủ đô Phnom Penh.
Năm ngoái, hơn 610 công dân Trung Quốc được cho là bị lừa đảo qua mạng đã được hồi hương. Tuy nhiên, các mạng lưới này vẫn phát triển mạnh mẽ và đang mở rộng hoạt động của chúng sang Myanmar, Dubai...
Một trò lừa đảo phổ biến khác còn được gọi là "kế hoạch mổ lợn". Kẻ lừa đảo đóng giả là một người hấp dẫn và thành công để phát triển một mối quan hệ yêu đương qua mạng trước khi "giết thịt" nạn nhân.
Cụ thể, kẻ lừa đảo sẽ dụ dỗ nạn nhân trả tiền cho các âm mưu liên quan đến tiền điện tử, cổ phiếu và các loại tài sản khác.
Theo Tổ chức Chống Lừa đảo Toàn cầu (GASO), một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào tháng 6/2021 bởi một phụ nữ Singapore sau khi cô trở thành nạn nhân của vụ lừa đảo này, những trò lừa đảo như vậy thường nhắm vào người thất tình và đang trở thành hiện tượng phổ biến trên khắp thế giới.
Ủy ban Thương mại Liên bang (Mỹ) cho biết, kể từ khi đại dịch bắt đầu, lừa đảo trực tuyến đã bùng nổ. Năm 2021, báo cáo từ các nạn nhân cho thấy số tiền bị lừa lên đến 547 triệu USD, tăng gần 80% so với năm 2020.
Ở Sihanoukville, đám trẻ nhanh chóng biết rằng chúng phải chạy trốn. Với hy vọng thoát nạn, chúng đã liên lạc với gia đình.
Ming đã chuyển đổi giữa hai tài khoản WeChat để có thể che giấu việc này với những kẻ bắt giữ mình. Tuy nhiên, không một người thân nào của đám trẻ có động thái gì về việc đưa con mình thoát ra khỏi nơi đó.
Sau khoảng 1 tuần, cuối cùng Ming cũng tìm được người giúp đỡ. Theo gợi ý của một người bạn cũng bị giam giữ, cô đã liên hệ với Chen Baorong, một doanh nhân ở Phnom Penh và là người tổ chức Đội Từ thiện Trung Quốc - Campuchia - nhóm tình nguyện viên giải cứu nạn nhân buôn người.
Chen - người sáng lập Đội Từ thiện đã trấn an đám trẻ và nói với chúng rằng hãy đề nghị cha mẹ báo cáo tình hình của chúng cho cảnh sát địa phương.
Thông qua các mối quan hệ của mình, Chen đã liên lạc được với kẻ bắt giữ. Ban đầu hắn ta yêu cầu trả tiền chuộc, nhưng sau đó đồng ý thả bọn trẻ với điều kiện chúng phải xóa mọi thứ liên quan đến công ty khỏi điện thoại của mình.
Chúng được gửi đến khách sạn Changcheng ở Phnom Penh, một ngôi nhà an toàn cho các nạn nhân bị buôn bán do Li Jie, một thành viên của Đội Từ thiện làm chủ. Một phần do hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch, phải mất vài tháng sau đám trẻ mới có thể về nhà.
Chen giúp chúng xin được giấy phép chính thức tại Đại sứ quán Trung Quốc trong trường hợp chúng không có hộ chiếu và thị thực. Và đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã giúp thu xếp hành trình trở về của các em. (Trung Quốc và Campuchia không có chung đường biên giới.)
Yun và các bạn là những người may mắn. Một nạn nhân khác, 17 tuổi, từng là thợ xăm ở Trung Quốc trước khi bị dụ vào một khu nhà ở Sihanoukville.
Bọn lừa đảo đã gọi video cho mẹ cậu và quay cảnh đánh đập cậu để đòi khoản tiền chuộc hơn 500.000 nhân dân tệ (khoảng 1,7 tỷ đồng) nếu muốn đưa cậu và bạn gái ra ngoài.
Mặc dù gia đình đã trả tiền, nhưng cuối cùng cậu lại bị bán cho một công ty khác, trước khi được Chen giải cứu.
Theo Vietnamnet