Chiều 9/4, Sở Y tế Quảng Ninh cho biết, hiện Quảng Ninh đang điều trị cho hai bệnh nhân mắc COVID-19 (bệnh nhân số 50 nữ, 24 tuổi, địa chỉ tại TP Hạ Long và bệnh nhân số 149, nam, 40 tuổi, địa chỉ tại thành phố Hà Nội).

Sau thời gian cách ly, theo dõi điều trị tại Bệnh viện số 2 của tỉnh, hiện sức khỏe của cả hai bệnh nhân đều ổn định. Thế nhưng kết quả xét nghiệm của BN50 đang có những diễn biến phức tạp, khó lường.

Bệnh nhân số 50 ở Quảng Ninh dương tính Covid-19 trở lại sau nhiều ngày âm tính-1
Bệnh nhân số 50 đang điều trị tại Bệnh viện số 2 ở Quảng Ninh

Cụ thể, BN50 xét nghiệm phát hiện dương tính ngày 13/3, 18/3 và 23/3, sau quá trình điều trị đã có hai lần xét nghiệm âm tính vào ngày 26 và 28/3 nhưng dương tính trở lại vào các ngày 30/3, 2/4 và 5/4.

Chia sẻ trên Báo Quảng Ninh, đại diện Sở Y tế cũng cho biết qua nghiên cứu của nhiều nhà khoa học trên thế giới, nhất là các công bố gần đây của các nhà khoa học Hàn Quốc, Trung Quốc, có những trường hợp bệnh nhân Covid-19 điều trị thành công, xét nghiệm nhiều lần cho kết quả âm tính với Sars-Cov-2 nhưng khi về cộng đồng một thời gian, khi xét nghiệm sàng lọc lại “tái dương tính” với Sars-Cov-2.

Với tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số ca mắc và tử vong không ngừng tăng nhanh và chưa có dấu hiệu khả quan.

Nhận định về diễn biến dịch và thời điểm “đỉnh dịch” vẫn là câu hỏi lớn và tranh cãi của các nhà khoa học trên thế giới song họ đều có nhận định chung: Đỉnh dịch thực tế có thể thay đổi dựa vào tính hiệu quả của các biện pháp quốc gia kiểm soát dịch bệnh và hành động của người dân.

Do vậy, các biện pháp tổng thể của nhà nước và mỗi địa phương cùng với sự hưởng ứng của người dân sẽ là lời giải cho câu hỏi về diễn biến dịch và thời điểm “đỉnh dịch”.

Bệnh nhân số 50 ở Quảng Ninh dương tính Covid-19 trở lại sau nhiều ngày âm tính-2
Sở Y tế khuyến cáo người dân cần phải thực hiện cách ly xã hội thật tốt.

Tại nhiều địa phương của Việt Nam, việc xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng nhưng không tìm ra nguồn lây ban đầu tại một số ổ dịch lớn vừa qua (chuyên môn gọi là “mất dấu F0”) đặt ra thách thức rất lớn trong việc kiểm soát, phát hiện, quản lý nguồn lây bệnh.

Nguy cơ lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế, lây bệnh cho nhân viên y tế cũng đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định và đáp ứng của hệ thống y tế. Thực tế bài học của một số nước lớn trên thế giới đã mất kiểm soát tình hình  dịch bệnh khi hệ thống y tế bị “sụp đổ”.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tiếp tục nâng cao ý thức phòng chống dịch, không được lơ là chủ quan mất cảnh giác; thực hiện nghiêm túc và tự giác các quy định của Chính phủ, của tỉnh và của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; luôn thực hiện vệ sinh, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân theo hướng dẫn của Ngành Y tế.

Hàn Quốc: 51 bệnh nhân Covid-19 tái dương tính sau hồi phục

Ngày 8/4, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) thông báo vào ngày 6.4 rằng có 51 bệnh nhân Covid-19 vừa được chữa khỏi lại dương tính với virus (SARS-CoV-2) gây bệnh.

Giám đốc KCDC Jeong Eun-kyeong cho rằng nguyên nhân có thể là do virus hoạt động trở lại chứ không phải do bệnh nhân bị tái nhiễm, theo Yonhap.

“Có trường hợp mức độ virus giảm xuống sau đó tăng lên lại. Đội điều tra nên tìm hiểu kỹ liệu mức độ virus có đủ thấp để xác định là âm tính hay không”, chuyên gia bệnh truyền nhiễm Jegal Dong-wook tại Đại học Công giáo Hàn Quốc nhận định.

Một số chuyên gia về virus học và dịch tễ học cũng cho rằng kết quả xét nghiệm dương tính của các bệnh nhân là do virus hoạt động trở lại và không phải là do chẩn đoán sai. Các chuyên gia cảnh báo virus có thể trú ẩn trong một số tế bào và tấn công các cơ quan hô hấp sau khi hoạt động trở lại.

Tờ South China Morning Post hồi tháng 3 dẫn lời các bác sĩ ở Vũ Hán (Trung Quốc) cho biết khoảng 10% bệnh nhân Covid-19 tái dương tính với SARS-CoV-2 sau khi hồi phục.

Những bệnh nhân Covid-19 hồi phục này không có triệu chứng và những người tiếp xúc gần với họ cũng không bị nhiễm.

Khoảng 80-90% những người hồi phục này không còn SARS-CoV-2 trong cơ thể 1 tháng sau khi xuất viện. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết mẫu khảo sát của nghiên cứu này là rất nhỏ và có thể cho kết quả chênh lệch.

MT (tổng hợp)
Theo Vietnamnet