Các bác sĩ giải thích, Hà Nội đang căng thẳng dịch bệnh, BV chỉ nhận những bệnh nhân “đủ tiêu chuẩn” mà đã quá tải, nếu bệnh nhân nào cũng xin nhập viện thì BV “vỡ trận”, bác sĩ kiệt quệ sức lực.

10 người sốt xuất huyết 9 người xin nhập viện

Trưa 27/7, chị Đào Thị Cầu (29 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) được chồng đưa đến khám tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương vì SXH ngày thứ 2. Chị bị sốt cao, đau người đến mức phải nằm lưu trong phòng chờ khám nhưng sau khám, bác sĩ vẫn đề nghị bệnh nhân về tuyến dưới theo dõi.
 


Chị Cầu được chồng đưa đi 4 viện nhưng vẫn không được tiếp nhận điều trị nội trú. Ảnh: H.Hải

Chồng chị Cầu cho biết, trước đó ngày 25/7 chị bỗng nhiên bị sốt 39,7 độ nhưng đang ở Đài Loan nên không đi khám được. Sau một ngày chị về Việt Nam và đi viện khám ngay. Tại BV Đại học Y chị Cầu được chẩn đoán SXH, vì sốt cao, đau người anh muốn cho vợ nhập viện nhưng bác sĩ yêu cầu về nhà theo dõi.

Sốt ruột, anh đưa vợ đến BV Giao thông vận tải với mong muốn vợ được nằm viện cho yên tâm, sốt cao còn có bác sĩ xử trí nhưng cũng bị từ chối, bác sĩ giải thích nên cho về nhà theo dõi vì không có giường bệnh. Anh đưa vợ tiếp sang Xanh pôn bác sĩ cũng giải thích vợ anh sốt ngày 2 chỉ cần theo dõi ở nhà.

Sau một đêm ở nhà thấy vợ sốt phừng phừng, sốt cao có lúc giật, nằm đâu nằm đó, ăn uống ít, đi phải đỡ, hoảng hồn sáng nay anh đưa vợ vào BV Bệnh nhiệt đới khám, cũng mong muốn nhập viện nhưng bác sĩ cũng giải thích và giới thiệu sang BV Đống Đa.

“Giờ tôi đưa vợ sang xem có được nhập viện không đây”, chồng chị Cầu cho biết.

Theo Ths.BSCK II Nguyễn Nguyên Huyền (Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), bác sĩ ngoài căng mình khám bệnh luôn phải giải thích với bệnh nhân không thể nhập viện vì quá tải.

10 người khám thì đến 9 người mong muốn nhập viện vì sốt cao, mệt mỏi. Nhưng nếu vậy thì không biết bao nhiêu bệnh viện, giường bệnh mới đủ cho bệnh nhân nhập viện.

Như tại Khoa Khám bệnh, mỗi ngày khám khoảng 500 - 700 bệnh nhân. Đỉnh điểm ngày hôm qua 26/7 cả phòng khám nhi lên đến 700 bệnh nhân, nhưng số bệnh nhân có chỉ định nhập viện chỉ là 46 người lớn, 12 trẻ em.
 


BV Bệnh nhiệt đới dành trọn cơ sở 1 ở Phương Mai điều trị bệnh nhân SXH. Ảnh: Toàn Vũ.

Tương tự, tại khoa Nhi (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) tình trạng quá tải cục bộ cũng đang diễn ra. PGS.TS Bùi Vũ Huy, trưởng khoa Nhi cho biết, khoa có 24 giường đều đã dành cho bệnh nhân SXH nhưng hiện đang có 36 bệnh nhân bởi mới có thêm 12 bệnh nhân nhập viện.

“Bệnh nhi mắc bệnh truyền nhiễm khác đã được chuyển sang cơ sở 2, dành trọn khoa cho BV SXH. Từ sáng tới giờ, chúng tôi khám từng bé, theo dõi chặt để bé nào dấu hiệu ổn định là chuyển sang cơ sở 2 hoặc tuyến dưới. Trước mắt sẽ có một bệnh nhi viêm não đã qua thở máy sẽ được chuyển sang cơ sở 2 điều trị tiếp; một cháu suy gan do SXH đã hết sốt đanh cũng được chuyển đi. Các bệnh nhân còn lại được lọc từng bé ổn định là xuất viện”, PGS Huy cho biết.
 


Bệnh nhi SXH được điều trị tại khoa Nhi. Ảnh: Toàn Vũ.

Tại khoa Nhi, bé Nguyễn Lan Hương (9 tuổi ở Nguyễn Tuân, Thanh Xuân) đang nằm điều trị ngày SXH thứ 3. Ở ngày sốt thứ 2 bé đã bị nôn liên tục nên khi đi khám, khẳng định SXH bệnh nhi được chỉ định nhập viện.

Gần 12 giờ trưa, một em bé 10 tuổi được gia đình đưa lên khoa Nhi trong trạng thái kích thích, vật vã, lơ mơ ngay lập tức được chuyển xuống khoa Cấp cứu theo dõi nguy cơ sốc vì SXH.

Theo PGS Huy, trung bình mỗi ngày có 100 bệnh nhi đến khám, gia đình bé nào cũng lo lắng, cũng có nhu cầu nhập viện, số giường có hạn. Các bác sĩ phải cố gắng giải thích, hướng dẫn chăm sóc điều trị tại nhà, dấu hiệu nào cần đến khám, an ủi động viên bệnh viên bệnh nhân,.

Những trường hợp tiệm cận “tiêu chuẩn” nhập viện thì nằm lưu theo dõi vài tiếng đồng hồ, dạy hạ nhiệt, bù dịch, chăm sóc ổn định là về nhà theo dõi.

3 ngày đầu sốt cao nhưng không nguy hiểm

“Tình trạng bệnh nhân chạy quanh các viện xin nhập viện vì SXH là rất phổ biến. Nhưng theo tôi điều đó không cần thiết vì khi bị SXH sẽ kéo dài từ 7-10 ngày Trong 4 ngày đầu bệnh sốt cao, mệt, chán ăn, đau nhức hố mắt, đau đầu khiến người bệnh lo lắng.

Nhưng ở 3 ngày đầu dù sốt rất cao lại không nguy hiểm tính mạng (trừ với những trường hợp đặc biệt như người mắc bệnh mãn tính kèm theo, phụ nữ có thai, trẻ em) vì thế bác sĩ thường không chỉ định nhập viện, giải thích, hướng dẫn bệnh nhân về nhà hạ sốt, theo dõi và tái khám”, BS Huyền nói.
 


Ngày cao điểm bệnh viện có 700 bệnh nhân SXH đến khám, nhưng tỉ lệ "đủ tiêu chuẩn" nhập viện dưới 10% mà vẫn rất quá tải. Ảnh: Toàn Vũ.

“Mong người dân khi SXH mới bị 3 ngày đầu nên đến cơ sở y tế gần nhất để khám, test SXH rồi yên tâm điều trị theo đơn của bác sĩ và từ ngày thứ 4 thì tái khám theo chỉ định của bác sĩ. Nếu nặng có dấu hiệu cảnh báo sẽ được chuyển lên BV tuyến trên.Còn hiện giờ, nếu bệnh nhân nào cũng đòi nhập viện thì BV đáp ứng không xuể”, BS Huyền chia sẻ.

Tại BV Bệnh nhiệt đới, cơ sở 1 hiện gần như dành trọn cho bệnh nhân SXH. Các bác sĩ phải làm tăng cường với ca khám bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều mới kết thúc. Bác sĩ nào vào ca trực thì lại đi làm tiếp đó, có người đến hơn 23 giờ tối mới được ăn cơm, thức trắng đêm vì bệnh nhân ra vào liên tục. Áp lực làm việc quá căng thẳng khiến 2 điều dưỡng đến hôm nay thì đã ốm, nằm một chỗ phải xin nghỉ.

Mới tuần trước, BV đã phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về SXH nhưng nay số phòng khám SXH đã lên đến 10 phòng nhưng vẫn không đáp ứng đủ, người bệnh vẫn phải vạ vật ngồi chờ.

Trong thời điểm đang có dịch SXH, khi bỗng nhiên sốt cao đột ngột 39 – 40 độ, đừng chần chừ mà hãy đi khám ngay tại BV gần nhà nhất để được test SXH. Việc test SXH đã được phổ cập đến bệnh viện tuyến huyện. "Không phải SXH, lúc ấy mới có thể yên tâm theo dõi các sốt khác như sốt vi rút, sốt viêm họng...", PGS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới khuyến cáo.

Theo Dân Trí