Bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 có nguy hiểm?

Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh.

Chưa đầy 1 tháng sau khi khỏi Covid-19, bé N.Đ.C (2 tuổi), ở quận Thanh Xuân, Hà Nội có biểu hiện sốt cao, họng khó chịu, xét nghiệm PCR có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Anh N.A.Đ (29 tuổi), ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, ngày 19/1, bé N.Đ.C có biểu hiện ho có đờm, sốt 38-39 độ C, xét nghiệm kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Khoảng 8 ngày sau, cháu N.Đ.C có kết quả âm tính.

Đến ngày 18/2, bé C. có triệu chứng nôn, họng khó chịu, test PCR dương tính với SARS-CoV-2. Anh N.A.Đ chia sẻ, lần này các triệu chứng của bé nhẹ hơn lần trước, bé chỉ bị sốt 1 ngày và khoảng 5 ngày đã có kết quả âm tính.

Bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 có nguy hiểm?-1

BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các bệnh nhân tái nhiễm Covid-19 sau khoảng một tháng khỏi bệnh, triệu chứng nhẹ hơn lần đầu và được tư vấn tự cách ly điều trị tại nhà, không cần nhập viện.

BS Phúc giải thích, sau khi khỏi Covid-19, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2. Mặc dù vậy, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền...

Nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm. Lần đầu tiên, người bệnh nhiễm chủng Delta, lần thứ hai có thể nhiễm chủng Omicron. 

Số ca tái nhiễm tăng đột biến trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron

Theo Nature, các nghiên cứu chỉ ra rằng, biến thể Omicron có thể vượt qua hàng rào miễn dịch tạo ra bởi vaccine. Giờ đây các nhà khoa học đang nghiên cứu xem biến thể rất dễ lây lan này của virus SARS-CoV-2 có thể né tránh các kháng thể sản sinh từ các lần nhiễm trước đó như thế nào.

Ngay từ tháng 11/2021, khi những ca nhiễm Omicron đầu tiên xuất hiện, dữ liệu thu thập được từ Nam Phi đã cho thấy đặc tính tấn công hệ miễn dịch của Omicron, với tỷ lệ tái nhiễm cao hơn so với những làn sóng dịch trước đó.

Tương tự tại Anh, hơn 650.000 người tại nước này có thể đã mắc Covid-19 tới 2 lần và phần lớn xảy ra kể từ khi biến thể Omicron được phát hiện.

Theo Cơ quan An ninh Y tế Anh, một người bị coi là tái nhiễm nếu như lần mắc sau cách lần mắc trước đó ít nhất 3 tháng. Tuy nhiên cơ quan này không khẳng định được liệu đây có thể chỉ là khoảng thời gian ngừng nghỉ gián đoạn của lần mắc đầu thông qua giải trình tự gen của virus hay không.

Cho đến giữa tháng 11/2021, tỷ lệ tái nhiễm chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số các ca mắc, nhưng tỷ lệ này hiện nay là 10%.

Văn phòng Thống kê quốc gia Anh tại Newport cũng báo cáo sự gia tăng mạnh mẽ trong những tháng gần đây về số ca tái nhiễm sau khi lấy mẫu ngẫu nhiên các hộ gia đình trên khắp đất nước.

Cụ thể, nguy cơ tái nhiễm cao hơn 16 lần trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến đầu tháng 1 năm nay khi Omicron trở thành chủng thống trị so với biến thể Delta. Tuy nhiên, con số khảo sát này có thể còn thấp hơn con số tái mắc Covid-19 trên thực tế.

Bởi nhiều trường hợp không xét nghiệm, không chẩn đoán và có thể tái mắc còn sớm hơn so với thời hạn 3-4 tháng kể từ lần mắc trước, nhất là ở các quốc gia mà Omicron chiếm chủ đạo.

Trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học New England tháng 2 này, chuyên gia dịch tễ học Abu-Raddad tại Doha đã đánh giá mức độ mà Omicron có thể tránh được khả năng miễn dịch.

Kết quả cho thấy, mặc dù miễn dịch tạo ra từ lần nhiễm bệnh trước đó có hiệu quả ngăn ngừa tới 90% đối với các biến thể Alpha, Beta hay Delta, nhưng với Omicron chỉ khoảng 56%.

Tuy nhiên một điều đáng khích lệ là phần lớn các ca tái nhiễm xảy ra cách nhau 1 năm. Điều này cho thấy miễn dịch từ vaccine hay lần mắc trước đó khá hiệu quả và mức độ bảo vệ chống lại Covid-19 nghiêm trọng cũng rất cao (88%).

Các nghiên cứu đến nay chỉ ra, những đợt tái nhiễm sẽ nhẹ hơn so với lần mắc bệnh đầu tiên, dù F0 gặp bất cứ biến chủng nào. Ngay cả khi kháng thể không đủ mạnh để bảo vệ một người khỏi lần lây nhiễm thứ hai, các tế bào T (tế bào miễn dịch sát thủ) cũng ngăn ngừa chuyển nặng và tử vong.

F0 hiếm khi gặp triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ nhỏ bệnh nhân gặp biến chứng nghiêm trọng sau tái nhiễm SARS-CoV-2, điều này phụ thuộc vào thời điểm mắc bệnh.

Để ngăn chặn Covid-19, bao gồm cả tình trạng tái nhiễm các biến chủng mới, bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ cao, Việt Nam và nhiều nước trên thế giới triển khai tiêm mũi vaccine thứ ba.

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo người dân cần tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, ngay cả khi đã khỏi bệnh.

Bộ Y tế cho biết tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này.

Theo VOV

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vov.vn/xa-hoi/benh-nhan-tai-nhiem-covid-19-co-nguy-hiem-post927264.vov

SARS-CoV-2 COVID-19

Tin tức mới nhất