Nữ du khách người Mỹ Fran Bak cảm thấy vô cùng may mắn khi trở thành khách du lịch duy nhất tại Bhutan hiện nay. Bhutan vẫn đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020 và Fran Bak là một trường hợp đặc cách.

Đến Bhutan lần đầu tiên tháng 11/2019, Fran Bak cho biết bà “nghiện” quốc gia này nên đã lưu lại 3 tháng, lâu hơn so với 1 tháng như dự định. Sau khi rời Bhutan vào tháng 2/2020, bà tiếp tục lên kế hoạch để quay lại đây. "Bhutan giống như một loại thuốc gây nghiện. Khi đã bắt đầu thì bạn luôn khao khát đến đó” – nữ du khách cho biết.

Bhutan đón duy nhất 1 khách du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19-1
Bà Fran Bak được tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Bhutan. Nguồn: Thebhutanese.bt

Khi Covid-19 càn quét khắp thế giới, bà Bak không tin mình có thể sớm quay lại Bhutan, tuy nhiên bà vẫn giữ liên lạc với công ty du lịch trước đây và bày tỏ mong muốn quay trở lại. Công ty này đã đề xuất chính phủ xem xét để đặc cách cho Bak nhập cảnh. Bất ngờ là Hội đồng Du lịch và các cơ quan chính phủ của Bhutan, bao gồm Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia Covid-19 đã chấp thuận.


"Tôi nhận được một cuộc gọi từ công ty My Bhutan nói rằng 'Chúng tôi có thể đưa bạn vào Bhutan, nhưng bạn sẽ phải thực hiện ba tuần cách ly', dĩ nhiên tôi rất vui khi làm điều đó. Tôi đoán họ đã phải trải qua rất nhiều thủ tục để đưa tôi đến đây” - bà Bak nói.

Tính đến ngày 4/10, Bhutan đã ghi nhận 2.596 ca mắc Covid-19 và chỉ 3 ca tử vong. Trở lại “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” sau Covid-19, Fran Bak thấy cuộc sống tại đây vẫn không có gì thay đổi. Hướng dẫn viên Gembo và tài xế Tashi được Fran Bak thuê để đồng hành cho chuyến đi lần này.

Gembo và Tashi đưa tôi về làng của họ. Ban đầu tôi là một người bạn, sau đó trở thành một thành viên trong gia đình họ. Vào lúc rảnh rỗi, Gembo còn đi nhặt rác bị bỏ lại trên các con đường”, bà Bak nói, "Đất nước này rất đẹp, mọi người thể hiện tình yêu và lòng nhân ái. Nơi này có cách sống và cách yêu thương rất khác so với thế giới".

Bhutan đón duy nhất 1 khách du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19-2
Fran Bak đi khắp nơi với những bộ cồng chiêng và phát triển một hình thức trị liệu tinh thần bằng âm thanh. Nguồn: Sonam Tschering

Fran Bak thường đi khắp nơi với những bộ cồng chiêng và phát triển một hình thức trị liệu tinh thần bằng âm thanh. Ở Bhutan, Fran Bak tìm đến những khu vực ít khách du lịch và chọn ở lại nhà dân để được "thấy người dân thắp đèn đốt bằng bơ (loại bơ làm từ sữa bò Tây Tạng - PV) trên bàn thờ tổ tiên".

Bà cho biết những buổi trình diễn cồng chiêng tại Bhutan giúp bà cảm thấy kết nối hơn với người dân địa phương: “Khi biểu diễn, tôi quan sát mọi người và thấy mình đã mang đến những điều khác biệt, cũng giống như họ đã tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của tôi”.

Sau hơn 1 năm không có du khách nước ngoài, sự xuất hiện của Fran Bak như một dấu hiệu cho sự phục hồi của ngành du lịch Bhutan. Nước này dự kiến hoàn thành tiêm chủng cho 80% người trưởng thành trong tháng 10, sau đó đón khách vào mùa xuân năm 2022 – vốn là mùa du lịch cao điểm.

Theo VOV