Tại một thị trấn nhỏ ven biển Neskowin, quận Tillamook, tiểu bang Oregon, Mỹ, nằm giữa thành phố Lincoln và thành phố Pacific có những tàn tích sót lại của một rừng cây vân sam từ thời Sitka cổ đại. Trong suốt 300 năm, “khu rừng ma” này đã bị chôn vùi trong lòng biển cho đến khi lộ diện bất ngờ vào mùa đông năm 1997-1998.
Thời điểm đó, một cơn bão lớn quất vào bờ biển Oregon, làm xói mồn một phần bờ cát, khiến những gốc câu đã mục dần lộ ra.
Trước đó, có một truyền thuyết kỳ lạ được người dân địa phương lưu truyền, rằng “khu rừng ma” bí ẩn này cứ vài thập kỷ lại hiện ra một lần và chỉ trong thời gian ngắn. Kể từ mùa đông năm 1998, “rừng ma” Neskowin đã trở thành điểm thu hút rất nhiều khách tham quan.
Những gốc cây của “rừng ma” được ước tính đã 2.000 năm tuổi. Khi còn sống, chúng từng vươn thẳng lên trời xanh với chiều cao từ 45 – 60 mét. Lượng các bon tích tụ trong các gốc cây cho thấy chúng chết vào khoảng những năm 1680-1720. Các nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân có thể là một trận động đất lớn ở Tây bắc đã hủy hoại rừng cây và những trận sóng thần kéo theo đã chôn vùi nó xuống lòng cát.
Theo ghi chép xưa của Nhật Bản, các nhà nghiên cứu phát hiện có một cơn sóng thần khủng khiếp đã đổ bộ vào đất liền, nhấn chìm nhiều làng mạc ở Nhật vào khoảng giữa những năm 1680 và 1720. Ngày tháng cụ thể cũng được xác định, là ngày 26/1/1700. Những vòng gỗ trên thân cây cũng chỉ ra khu rừng vẫn tràn đầy sức sống cho đến cuối năm 1699 nhưng đã chết vào mùa xuân năm 1700.
Các nhà nghiên cứu cho rằng khi trận động đất lớn xảy ra ở Oregon vào năm 1700, mặt đất sụt xuống gần 10 mét, khiến khu rừng bị ngập trong bùn. Tiếp đó, một trận sóng thần ập vào, chôn vùi khu rừng xuống lòng cát.
Bùn và cát đã giúp bảo tồn những gốc cây khỏi hiện tượng phân hủy và oxy hóa nên chúng hầu như vẫn nguyên vẹn sau 300 năm. Sau trận bão lớn vào năm 1998, “khu rừng ma” trong truyền thuyết mới chính thức lộ diện.
Theo Trí Thức Trẻ