Miếu Ba Cô nằm giữa ngã ba đường Bình Trưng - Nguyễn Đôn Tiết.
Miếu Ba Cô
Đúng 12h trưa, bất chấp cái nắng như đổ lửa, anh La Quang Mẫn (42 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) tất tả hỗ trợ 2 người trẻ bày hoa trái, thắp nhang tại ngôi miếu nhỏ.
Anh Mẫn cho biết, miếu nhỏ có tên gọi là miếu Ba Cô, được xây dựng khoảng 70-80 năm trước. Trước đây, miếu được bố của anh Mẫn trông coi. Nay ông lớn tuổi, đau bệnh, anh Mẫn đến quản lý thay.
Mặc dù có diện tích khiêm tốn, miếu Ba Cô lại có nhiều điểm đặc biệt. Ngoài việc nằm giữa ngã ba đường Bình Trưng - Nguyễn Đôn Tiết (phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức), ngôi miếu còn có 4 mặt với những án thờ khác nhau.
Mặt trước của miếu nhìn từ hướng đường Bình Trưng.
Mặt phía trước, hướng về đường Bình Trưng, miếu có án thờ chư Phật, tượng Phật bà Quan Âm. Mặt bên phải, miếu thờ Phật Tổ, mặt bên trái thờ 5 mẹ Ngũ Hành.
Ở mặt sau, miếu bố trí hương án, tượng thờ Quan Công và 3 cô. Phía sau hương án thờ 3 cô có bài vị ghi rõ tên: Kim Cương, Thủy Tiên, Tuyết Hon. Ngoài ra, trên bài vị này còn ghi dòng chữ “cây da xà”.
Theo anh Mẫn, phía sau tên gọi miếu Ba Cô và bài vị ghi rõ tên: Kim Cương, Thủy Tiên, Tuyết Hon là câu chuyện bi thương. Trước đó, miếu Ba Cô rất nhỏ, nằm dưới gốc cây da hay còn gọi là cây đa cổ thụ mọc ở ven đường đất đỏ.
Phía đối diện của miếu là ao nước rộng lớn, mọc đầy hoa sen. Ao nước trong, sen nở đẹp như tranh vẽ. Xung quanh ao có nhiều cây bụi, tre gai.
Mặt bên phải của miếu theo hướng nhìn từ đường Bình Trưng.
Anh Mẫn kể: “Cách đây khoảng 40 năm, có 5 cô gái tuổi chừng 14-15 nhân lúc trưa vắng người đến khu vực ao sen mót củi. Được một lúc, có 2 cô gái ra về trước, 3 cô còn lại vẫn say sưa hái củi.
Nào ngờ, một cô gái không may rơi xuống ao sâu. Thấy vậy, 2 cô gái còn lại cố gắng cứu bạn nhưng không thành. Cuối cùng, cả 3 đuối nước, tử nạn dưới đáy ao”.
Vụ tai nạn thương tâm xảy ra được một lúc lâu, người dân địa phương mới biết tin, đến trục vớt thi thể. Sau đó, thi thể 3 cô gái được đưa lên bờ, đặt ở phía trước ngôi miếu nhỏ.
Từ đó, người dân địa phương gọi miếu nhỏ là miếu Ba Cô. Miếu nhỏ cũng thành nơi thờ vong linh 3 cô gái xấu số.
Sau khi mai táng, người thân các cô gái thỉnh 3 pho tượng bằng thạch cao về thờ trong miếu. Phía sau hương án, họ ghi rõ tên của 3 cô.
Mặt bên trái (nhìn từ hướng đường Bình Trưng) miếu thờ 5 mẹ Ngũ Hành.
Về dòng chữ “cây da xà” phía dưới tên 3 cô gái, anh Mẫn cho biết, trước kia, miếu Ba Cô được đặt dưới gốc cây da. Tuy nhiên sau này, cây già và mục ruỗng từ gốc rồi đổ gãy.
Thấy vậy, bố anh Mẫn đem hạt cây bồ đề trồng vào bên trong gốc cây da đã mục. Đến nay, hai cây bồ đề đã lớn, vươn cao, che mát ngôi miếu nhỏ.
Nổi tiếng linh thiêng?
Khi miếu có hương án thờ 3 cô gái, người thân của các cô hàng năm đều đến miếu hương khói, tưởng nhớ. Hai người còn sống cũng thường xuyên ra miếu thắp hương cho bạn của mình.
Đặc biệt, cô Kim Cương luôn được người anh trai năm nay gần 80 tuổi đến thắp nhang mỗi ngày. Ông tuổi đã cao, phải bán vé số dạo mưu sinh. Nhưng mỗi khi bán hết vé, ông lại trích ra một số tiền nhỏ để mua bánh trái đến thắp nhang cho người em gái đã khuất.
Mặt sau, miếu chia làm 2 hương án để thờ Quan Công và 3 cô.
Người dân địa phương cho biết, trước đây, ít ai để ý đến ngôi miếu nhỏ. Tuy nhiên, khi xảy ra chuyện 3 cô gái đuối nước, được đem vào thờ trong miếu, miếu Ba Cô được nhiều người chú ý, đến lo nhang khói thường xuyên.
Cũng từ đó, người dân truyền tai nhau nhiều câu chuyện tâm linh ly kỳ. Một trong số này là việc không ai dám di dời miếu nhỏ khỏi vị trí cũ.
Ngoài ra, miếu cũng được dân trong vùng, khách thập phương nhận định là rất linh thiêng. Mỗi ngày, nơi đây đều có người đến hương khói để cầu lộc và trả lễ.
Phía sau hương án có bài vị ghi tên 3 cô và cây da xà.
Anh Mẫn cho biết: “Người đến miếu nhang khói rất nhiều. Đa số là những người có cuộc sống khó khăn. Họ cầu mong tài lộc, sức khỏe, gặp may mắn trong làm ăn, cuộc sống…
Tôi không biết những người này có được thỏa nguyện hay không nhưng sau đó, họ đến cúng trả lễ rất nhiều. Thành ra, không lúc nào miếu vắng người, nguội nhang khói cả”.
Do được đồn thổi linh thiêng, một thời, miếu nhỏ thu hút nhiều tín đồ số đề, dân cờ bạc đến cúng vái cầu may, xin số. Nhiều đối tượng còn đánh cắp tượng Ba Cô được thờ trong miếu với niềm tin mê muội rằng các bức tượng sẽ giúp mình gặp may mắn.
Trong khi đó, một số đối tượng khác lại đến miếu đập phá sau khi đổ nợ, thất bại vì xin số, cầu may không thành. Sau khi chính quyền địa phương quản lý, hiện tượng đến miếu xin số, tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan không còn.
Anh Mẫn (bên trái) thay cha quản lý miếu Ba Cô nhiều năm nay.
Anh Mẫn thông tin: “Để đảm bảo trật tự, tôi đến miếu quản lý, lo nhang khói, bảo vệ các hiện vật từ sáng đến 22h mỗi ngày. Trước khi về, tôi khóa cửa miếu để đề phòng kẻ trộm lấy cắp những vật dụng, tượng thờ.
Ngoài ra, việc được chính quyền địa phương hỗ trợ, quản lý, hiện nay, tình trạng kẻ xấu đến miếu tổ chức xin số đề, hoạt động mê tín dị đoan không còn”.
Theo Vietnamnet