Năm 1647, những công nhân xây dựng tiến hành sửa chữa nhà thờ Saint Andrew ở thành phố nhỏ Venzone, tỉnh Udine, Italia, vô tình làm vỡ một ngôi mộ nằm trong khuôn viên nhà thờ. Khi đó, người ta giật mình phát hiện thấy thi thể của một người đàn ông còn khá nguyên vẹn. Thi thể này đã bị khô cứng, nặng chừng 15kg. Nhưng đáng ngạc nhiên là nó không bị phân hủy.
4 thế kỷ tiếp theo, người ta tìm thấy tại các khu mộ bên trong nhà thờ tổng cộng có 42 thi thể. Tất cả những thi thể này đều được ướp xác một cách tự nhiên sau khi được chôn cất.
Quá trình kiểm nghiệm cho thấy, da của thi thể chuyển sang màu vàng nâu. Một số cơ quan nội tạng của người chết gần như còn nguyên vẹn, nhưng thận và tuyến tụy không còn. Não bộ chỉ còn trọng lượng khoảng một phần ba. Đa phần trọng lượng của thi thể vào khoảng 10-20kg.
Chi tiết thú vị ở chỗ, những thi thể được bảo quản nguyên vẹn đều nằm tại các ngôi mộ gần bàn thờ lớn. Điều khiến các nhà khoa học ngạc nhiên ở chỗ, các xác ướp Venzone chưa từng bị phân hủy. Họ tiến hành nghiên cứu để xác định điều gì khiến chúng có thể đi ngược lại quy luật tự nhiên như vậy.
Trong một bài báo xuất bản năm 1906, học giả F. Savorgnan de Brazza thảo luận về một số giả thuyết liên quan tới xác ướp. Ông cho rằng, sự có mặt của muối KNO3, muối nhôm Al2O3 hoặc vôi khiến các thi thể khô quắt lại và giữ được nguyên vẹn. Tuy nhiên, người ta không tìm thấy bất cứ loại muối nào dưới hầm mộ.
Brazza cũng nhận định, quá trình ướp xác tự nhiên có thể không dựa vào phản ứng hóa học, mà nhờ quá trình sinh học. Ông tin rằng Hypha tombicina – một loại nấm ký sinh có thể liên tục khử nước bên trong thi thể làm chặn lại quá trình phân hủy.
Một trận động đất trong vùng xảy ra năm 1976 khiến số lượng xác ướp tại đây giảm từ 42 xuống 15.
Các nhà nghiên cứu hiện đại cũng phân tích, nấm ký sinh Hypha tombicina xuất hiện tại một số thi thể và mọc trong những cỗ quan tài bằng gỗ. Nhờ chúng, các thi thể được khử nước trong thời gian dài khiến phần da khô héo lại.
Năm 1983, Giáo sư Arthur C. Aufderheide của trường Đại học Minnesota tới thăm khu vực này và lưu giữ mẫu nấm, thu thập mẫu đất, gỗ và gạch để phân tích. Giáo sư Aufderheide mô tả về nấm ký sinh Hypha tombicina chưa đủ là nguyên nhân khiến các thi thể được bảo quản tốt như vậy. Có thể, các xác ướp ở Venzone nguyên vẹn còn đến từ phần đất đá vôi và sự bảo vệ ngôi mộ nhờ nhà thờ phía trên.
Các xác ướp ở Venzone thu hút sự chú ý của các nhà khoa học và khách du lịch tới thăm với số lượng lớn. Hiện một số xác ướp còn có thể nhìn thấy tại nghĩa trang nhà thờ Saint Michael.
Theo Dân Trí