Đảo Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) cách đất liền khoảng 20km. Muốn ra thăm đảo bắt buộc du khách phải đi bằng xuồng hoặc thuyền. Một điểm đến không thể bỏ qua khi khám phá đảo Cù Lao Chàm chính là giếng cổ Chăm pa, nơi được người dân trên đảo truyền tai nhau về sự thần kỳ của nước giếng. Những ai đi biển bị say sóng hoặc đang mệt mỏi chỉ cần uống nước giếng là thấy tỉnh táo.
Giếng cổ Chăm pa chưa bao giờ bị nhiễm mặn, ai đến cũng muốn uống thử.
Giếng đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 2006. Đây là 1 trong 3 giếng nước ngọt trên đảo và cũng là giếng cổ nhất, có mực nước ổn định nhất cung cấp cho dân đảo. Giếng cổ Chăm pa được đào cách đây khoảng 200 năm, thời điểm mà giao thương trên biển khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng rất phát triển.
Đây có thể là một nguyên nhân để người dân trên đảo đào giếng sinh sống lâu dài cũng như hình thành trạm dừng chân cho các thương thuyền.
Cấu trúc của giếng cơ bản giống với các giếng Chăm khác ở Hội An, đều có hình ống tròn, nền giếng hình vuông, diện tích tổng khuôn viên giếng khoảng 15m2, miệng giếng khoảng 1,2m. Lòng giếng được xếp bằng gạch theo kiểu vành khăn, sâu khoảng 5m.
Điều đặc biệt là giếng chưa bao giờ bị nhiễm mặn cho dù chỉ cách nước biển khoảng 100m. Theo đại diện Ban Quản lý các di sản Hội An, giếng cổ lúc nào cũng có mực nước trên dưới 2m, chưa bao giờ nhiễm mặn, nước giếng trong mát.
Những ai đi biển bị say sóng hoặc đang mệt mỏi chỉ cần uống nước giếng là thấy tỉnh táo. Vì vậy, đối với người dân trên đảo, giếng cổ Chăm pa còn là biểu tượng của sức khỏe.
Giếng chưa bao giờ bị cạn nước.
Du khách đến đảo được người dân mách rằng, chỉ cần hai người cùng uống một gáo nước ở giếng và cùng ước sinh con thì sẽ được như ý muốn. Còn với người chưa có người yêu, trai thì uống 7 ngụm, gái uống 9 ngụm, sau khi trở về đất liền sẽ có người yêu ngay lập tức.
Một hướng dẫn viên du lịch cho biết, không có sự tích hay câu chuyện cụ thể nào nói về việc uống nước giếng sẽ giúp tăng khả năng sinh con mà là do niềm tin nên mọi người truyền tai nhau như vậy.
Theo các cụ cao niên sinh sống trên đảo, Cù Lao Chàm xưa chủ yếu là người Chăm. Họ rất giỏi tìm mạch nước ngầm. Gạch được họ xếp chồng khít lên nhau mà không cần dùng vữa, thể hiện trình độ kỹ thuật cao. Chưa bao giờ nước mặn xâm nhập được giếng vì thế mà người dân ra đảo sinh sống ngày càng nhiều.
Có thể nói, Cù Lao Chàm quanh năm đều là mùa xuân, thời tiết lúc nào cũng dễ chịu và có nắng. Các xuồng cao tốc muốn đưa khách ra đảo đều phải đăng ký tour với bộ đội biên phòng để xác định thời tiết rồi mới cấp phép vào đảo.
Thông thường, xuồng sẽ xuất phát từ biển Cửa Đại. Còn nếu di chuyển bằng thuyền gỗ của ngư dân bạn phải mất 2 tiếng đồng hồ mới có thể ra đến đảo.
Theo Dân Việt