Ngày 25/8, sau phản ánh combo "đi chợ hộ" của phường Phú Trung (quận Tân Phú) không hề có thịt, cá, đại diện siêu thị Topsmarket Âu Cơ đã làm việc với lãnh đạo phường để kịp thời chỉnh sửa.
Theo đó, thay vì 6 combo với mức giá từ 350.000-1,05 triệu đồng không có thịt, cá tươi sống. Siêu thị đã chỉnh sửa thành 12 combo. Trong đó, có 3 combo thịt, cá với mức giá 250.000 và 300.000 đồng; 5 combo rau củ, thịt cá với mức giá 150.000-350.000 đồng. Ngoài ra, siêu thị còn xây dựng 1 combo gia vị và 3 combo thực phẩm khô như mì gói, bún, phở...
Như vậy, theo combo mới này, với 150.000 đồng người dân có thể mua được thịt vai heo, đùi tỏi gà, bí đỏ, cải ngọt và khoai lang.
"Chúng tôi xây dựng các gói combo dựa trên sự tư vấn và yêu cầu của các cơ quan chính quyền địa phương. Trong quá trình triển khai, chúng tôi luôn lắng nghe phản hồi của người tiêu dùng và tiếp tục trao đổi để có những điều chỉnh phù hợp với nhu cầu của người dân", đại diện siêu thị cho biết.
Nhiều người phản ánh combo "đi chợ hộ" đang có mức giá chưa phù hợp, gây khó khăn cho người có thu nhập hạn chế, số khác cho rằng cần bổ sung thêm một số mặt hàng thiết yếu như bỉm, sữa, giấy vệ sinh,... Ảnh: Phương Lâm.
Chia nhỏ combo
Tương tự, ngày 25/8, đại diện Aeon Việt Nam cho biết bên cạnh 4 combo tổng hợp với mức giá từ 450.000-500.000 đồng/combo, siêu thị này cũng thiết kế thêm 11 combo nhỏ đa dạng với nhu cầu người dân TP.HCM.
Theo đó, ngoài 4 combo tổng hợp rau củ, thịt, cá, siêu thị có combo mức giá thấp nhất 3 loại bánh mì 100.000 đồng; 2 combo thịt; 4 combo rau; 4 combo trái cây với mức giá dao động trong khoảng 130.000-500.000 đồng, đáp ứng đa dạng nhu cầu hàng ngày của người dân.
Theo thống kê, trong buổi sáng ngày 25/8, siêu thị Aeon Tân Phú đã chuẩn bị và giao khoảng 500 combo hàng theo đơn đặt hàng của các hộ dân tại phường Tân Quý (quận Tân Phú). Bà Huỳnh Thị Kim Thanh, giám đốc siêu thị chia sẻ, với nguồn nhân lực như hiện tại, siêu thị có thể chuẩn bị và giao từ 1.000-2.000 combo/ngày.
"Ngoài ra đối với nhiều trường hợp đặc biệt như một số hộ gia đình có F0 trong khu phong tỏa chưa mua hàng được trong nhiều ngày, gia đình có trẻ em và người lớn tuổi, siêu thị cũng nhận thông tin từ các phường và tổ dân phố để hỗ trợ thêm một số mặt hàng ngoài combo", bà nói.
Thiết kế các combo hàng thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân, hạn chế mỗi người dân đặt một đơn hàng khác nhau gây chậm trễ xử lý. Ảnh: Phương Lâm.
Ngày 25/8, MM Mega Market cũng vừa cập nhật thêm 2 combo so với 4 gói combo như trước đó. Theo đó, siêu thị này có các combo kết hợp rau củ, thịt cá với mức giá từ 150.000-500.000 đồng. Ngoài ra, mỗi siêu thị còn cung cấp thêm danh sách hàng hóa cho mỗi phường nhằm tạo đa dạng trong việc lựa chọn cho người dân. Danh sách hàng hóa sẽ thay đổi và được cập nhật cho chính quyền địa phương theo ngày.
Đại diện siêu thị Satra cũng cho biết đơn vị cung cấp sẵn các combo để người dân tham khảo. Gói hàng nào phù hợp túi tiền thì người dân mua. Người dân cũng có thể phản ánh thắc mắc của mình về sản phẩm, chất lượng hàng hóa để siêu thị kịp thời điều chỉnh phù hợp.
Người dân được lựa chọn thêm ngoài combo
Tại siêu thị Satra Phạm Hùng (huyện Bình Chánh), siêu thị xây dựng 12 combo, trong đó thấp nhất có combo rau củ từ 55.000 đồng, cao nhất là combo thịt, hải sản 390.000 đồng. Trong cùng một danh mục hàng hóa, siêu thị xây dựng theo các mức giá khác nhau.
Chẳng hạn, mặt hàng rau củ có 4 combo với 4 mức giá 55.000, 65.000, 130.000, 130.000 để người dân lựa chọn tùy theo nhu cầu, khả năng tài chính. Với combo rau củ giá 130.000 đồng sẽ bao gồm cà chua, dưa leo Vietgap, khoai lang, bí đao, rau lá, mỗi loại 1 kg.
Để đáp ứng nhu cầu đặt hàng của người dân, các siêu thị cùng các chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi cũng linh động thiết kế thêm các danh sách hàng hóa để người dân lựa chọn.
Đi kèm các combo là danh sách hàng hóa tự chọn. Ảnh: Chụp màn hình.
Theo đó, các siêu thị, cửa hàng Satrafoods cũng phục vụ các sản phẩm tự chọn như: Thịt, cá, sữa, nước tương, mắm muối, đường, tiêu, hành tỏi ớt, bột nêm... đến các loại hóa mỹ phẩm như: Nước rửa chén, nước giặt, bột giặt, giấy, băng vệ sinh…
Tương tự, bên cạnh xây dựng combo rau củ, thịt, cá, đồ khô, hóa mỹ phẩm, Saigon Co.op cũng cho phép người dùng đặt thêm các loại hàng hóa theo nhu cầu, kể cả bỉm, sữa, băng vệ sinh, đồ dùng thiết yếu cá nhân...
Aeon Việt Nam cũng cho biết đối với nhiều trường hợp đặc biệt cần mua thêm, siêu thị cũng sẽ nhận thông tin từ các phường và tổ dân phố để hỗ trợ thêm một số mặt hàng ngoài combo.
Ngày 25/8, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết hiện nay hệ thống phân phối trực tiếp cung ứng hàng hóa cho người dân là các hệ thống phân phối hiện đại, đã tham gia bình ổn thị trường. Các đơn vị này cũng có sự cạnh tranh giá cả, nên việc giá cả hàng hóa tăng bất thường gần như không có.
Theo ông Phương, người dân cho rằng giá combo hàng hóa cao, có thể là do giá tổ chức các combo còn cao so với thu nhập người dân. Chính vì vậy, Sở Công Thương đã đề nghị các siêu thị tổ chức đa dạng các combo từ 100.000-500.000 đồng, phục vụ nhu cầu khác nhau của các hộ gia đình.
Còn việc thống nhất giá combo, Phó giám đốc Sở thừa nhận khá khó khăn, do mỗi hệ thống phân phối có nhà cung ứng và nguồn hàng khác nhau. "Sở Công Thương chỉ đề nghị cung cấp các mặt hàng cần thiết nhất, tùy theo đặc điểm của mỗi nhà cung cấp thiết kế combo. Nếu vẫn còn khó khăn thì Sở sẽ có kiến nghị, nghiên cứu, điều chỉnh", ông Phương nhấn mạnh.
Theo Zing