Cảnh quan hư hại, dân phượt lại bị kêu tên

Những ngày gần đây, câu chuyện về vườn hoa thì là rộng hơn 4 ha ở xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) vừa mở cửa 4 ngày (từ 8/3 đến 12/3), đã nhanh chóng phải đóng cửa khiến cộng đồng không khỏi bức xúc. Hình ảnh về luống hoa bị du khách giẫm nát, đè bẹp… được chia sẻ rộng rãi trên nhiều diễn đàn.

Lý do đơn giản: Sau khi trở địa điểm check-in cực hot đã có hàng nghìn du khách ghé thăm mỗi ngày, chưa có hệ thống bảo vệ hợp lý nên nhiều người “vô tư” giẫm đạp. Thậm chí, có ý kiến cho rằng: Đã bỏ tiền đến tận nơi thì có quyền nằm lên luống hoa. Quá hốt hoảng, chủ vườn quyết định đóng cửa ngay lập tức.


Vườn thì là rộng 4 ha tại Ninh Thuận phải nhanh chóng đóng cửa sau 4 ngày hoạt động.


Lý do đơn giản: Du khách đổ về ồ ạt, thản nhiên vào giữa vườn chụp ảnh đã giẫm nát, đè bẹp luống hoa.

Một lần nữa, câu chuyện về ý thức bảo vệ cảnh quan du lịch lại được nhắc nhở. Trước đó, vào dịp Tết Nguyên đán 2018, hàng triệu người đổ về Đà Lạt nghỉ dưỡng và sau khi rời đi đã để lại một quang cảnh tan hoang, ngập ngụa rác khắp thành phố. Hay là tình trạng chen lấn ở vườn hoa tam giác mạch ở Hà Giang, vườn hoa hướng dương ở Nghệ An,… đã xảy ra nhiều lần.


Hình ảnh chợ đêm Đà Lạt tan hoang, ngập ngụa rác sau Tết Nguyên đán 2018.


Hay cánh đồng tam giác mạch ở Hà Giang cũng từng rơi vào tình trạng bị phá hoại trên.

Trao đổi với anh Nguyễn Tuấn Anh, người sáng lập và điều hành một nhóm phượt với hơn 110.000 thành viên, anh cho biết vấn đề then chốt vẫn là ý thức bảo vệ môi trường. “Đã nhiều lần khi cảnh quan bị phá hoạt thì dân phượt lại bị réo tên. Vũng Tàu ngập rác, người ta kêu do bọn dân phượt đến Vũng Tàu, Đà Lạt tan hoang, người ta đổ tại dân phượt… Mặc dù, tất cả đều là do khách du lịch. Mình thấy oan lắm”  - Tuấn Anh chia sẻ.

Theo anh, mỗi người đều có ý thức bảo vệ cảnh quan khách nhau, cả phượt thủ lẫn du khách. “Thật may là những hình ảnh đăng tải tại vườn hoa thì là ở Ninh Thuận đều là những cô mặc váy, đã lớn tuổi. Vậy nên người ta không thể quy vào dân phượt được”.


“Đã nhiều lần khi cảnh quan bị phá hoạt thì dân phượt lại bị réo tên. Vũng Tàu ngập rác, người ta kêu do bọn dân phượt đến Vũng Tàu, Đà Lạt tan hoang, người ta đổ tại dân phượt… Mặc dù, tất cả đều là do khách du lịch. Mình thấy oan lắm”, Tuấn Anh chia sẻ.

Ấy thế, trong nhiều bài phân tích của cộng đồng mạng, mọi người vẫn tiếp tục cho rằng: Vì phượt thủ là người tìm ra địa điểm mới lạ, hấp dẫn, khơi nguồn cho khách du lịch kéo đến khám phá và nhanh chóng tàn phá. Trường hợp vườn hoa Ninh Thuận cũng vậy.

Chia sẻ vấn đề này, Tuấn Anh cho biết thêm: Đồng ý là dân phượt tìm ra địa điểm mới, nhưng những người đi tiếp theo mới là đối tượng phá hoại cảnh quan. Đơn cử là năm 2010, khi Đảo Lý Sơn còn hoang sơ, song chỉ sau các bài review của dân phượt truyền nhau, thông tin bùng nổ làm mọi người biết nhiều hơn về Lý Sơn. Kết cục, sau đó thì… xảy ra tình trạng chặt chém, xả rác bừa bãi xuống biển, cảnh quan xuống cấp.

Đồng thời, Tuấn Anh cũng nhấn mạnh, hiện nay, nhiều người còn hiểu sai lầm về cụm từ “phượt thủ” và nhóm du lịch tự phát nên nhiều trường hợp xảy ra tình trạng đáng tiếc thì lại đổ lỗi cho cả cộng đồng lớn những người phượt chân chính.

Chúng tôi không những bảo vệ mà còn “thu dọn tàn tích” do du khách gây ra…

Tuấn Anh kể lại, trên thực tế, nhiều lần chính cộng đồng phượt thủ là người tích cực tham gia bảo vệ môi trường và “thu dọn đống tàn tích” do du khách gây ra.


Hoạt động làm sạch kênh Nhiêu Lộc (TP HCM) cách đây 3 năm của cộng đồng phượt thủ.

Như mới gần đây, cũng trên một trang dành cho cộng đồng phượt, anh Nguyễn Quang Hiển đã chia sẻ hình ảnh về chiến dịch dọn rác trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh). Theo đó, hoạt động leo núi kết hợp nhặt rác này do anh Nguyễn Hiền (phượt thủ Tây Ninh) đề xuất bắt đầu vào tháng 4/2016, đến nay đã được 20 chuyến. Người tham gia không chỉ có các phượt thủ ở Tây Ninh mà còn nhiều bạn từ TP HCM.

Anh Chiến chia sẻ: “Mọi người thu gom rác vì trên đỉnh núi Bà Đen cao, ít người dọn dẹp. Số ve chai sẽ được lượm rồi khuôn vác xuống núi với trọng lượng tầm 10 ký, riêng rác sinh hoạt được đốt vì khó vận chuyển và phân hủy bốc mùi. Thường ve chai sẽ gửi một cụ ông ở chân núi để bán kiếm thêm ít tiền. Giờ ông không còn nữa mình cho một cô có hoàn cảnh khó khăn, bán kem dưới chùa.”


Ngày 18/3, anh Nguyễn Quang Hiển cũng đã chia sẻ về chiến dịch dọn rác trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) của nhóm phượt thủ.


Hoạt động leo núi kết hợp nhặt rác này bắt đầu vào tháng 4/2016, đến nay đã được 20 chuyến với sự tham gia của các phượt thủ Tây Ninh, TP HCM…

Trong kỳ nghỉ Tết 2017, khi lượng du khách đổ lên TP Đà Lạt (Lâm Đồng) tăng đột biến khiến nhiều địa điểm công cộng lâm vào tình trạng tràn ngập rác thải. Bạn phượt thủ Trần Minh Hoàng (SN 1997, thành viên của cộng đồng Ờ! Phượt đi!) cũng đã đứng ra kêu gọi được hàng chục người cùng chung tay dọn sạch rác. Kết quả là sau gần 4 tiếng đồng hồ, nhóm thu được 30 túi rác to tập hợp lại giúp quảng trường Lâm Viên sạch bóng không còn rác thải.


Hay một hoạt động làm sạch bãi biển khác của cộng đồng Ờ! Phượt đi! vào năm 2017.

Đến hiện tại, Tuấn Anh cùng các phượt thủ trong cộng đồng “Ờ! Phượt đi” cũng đang ấm ủ chiến dịch ngưng xả rác (Chiến dịch #Ngungxarac), với mong muốn làm đẹp cộng đồng và gây dựng hình ảnh phượt thủ ngày càng tốt đẹp hơn.

Theo Sao Star