Trong mọi trường hợp, nếu như người đàn ông trân trọng mối quan hệ, muốn có được cái kết tuyệt vời bên cạnh người mình yêu thì họ sẽ có cách. Khi đã thật lòng yêu, sẽ chẳng có gì ngăn cản được cả hai đến với nhau cả.
Mới đây, một người chồng đăng tải bài viết chia sẻ chuyện khó khăn để đến được bên nhau. Chuyện như thế này:
“Mình năm nay 29 còn vợ mình 31, cưới nhau cũng bước sang năm thứ 5 rồi, ngày quen nhau mình mới học năm 4 còn vợ mình đã đi làm được 2 năm. Lúc ấy vợ mình nhận 1 bác hàng xóm gần nhà mình làm bố nuôi.
Khi quen nhau, gần như gia đình mình phản đối, mẹ và các dì viện đủ lý do, nào là hơn tuổi, nào là dòm ngó nhà cửa cách nhau xa quá, nhưng sâu xa hơn thì là vì tên vợ mình giống tên người cũ của bố nên mẹ càng hậm hực.
Thậm chí sau khi cưới 6 tháng bố mình phát hiện ung thư giai đoạn cuối thì mẹ còn đổ vạ cho rằng vợ có số ‘sát phụ’ (vì bố cô ấy cũng mất được mấy năm rồi).
Chưa kể bạn bè của bố mẹ mình (vì bố mẹ mình làm cùng cơ quan nên có bạn bè chung) cũng không đồng tình lắm, cũng chỉ là hơn tuổi, rồi mình chưa tốt nghiệp.
Thực sự thời điểm ấy, mới 22 tuổi mà mình áp lực rất nhiều vì không ai ủng hộ, từ phía bố nuôi cô ấy thì dù đồng ý chuyện yêu đương nhưng lại không cho đi chơi tối.
Hai đứa chỉ được đi chơi ngày chủ nhật và giao chỉ tiêu: ‘Tốt nghiệp xong phải cưới, nếu không thì không yêu đương gì nữa’. Đứng trước bài toán khó khăn phải giải quyết cả 2 bên, mình vẫn luôn động viên vợ là mọi thứ cứ để anh lo, cứ bình tĩnh sẽ có hướng giải quyết.
Thời gian yêu nhau đã ít được ở bên, nhiều khi phải lén lút gặp, mình vẫn kiên trì thuyết phục, rủ rỉ tâm sự với mẹ, với các dì, với bạn bè của bố mẹ. Mình con nịnh nọt bố vợ nuôi, luôn luôn phải ngoại giao con thoi để giảm bớt những ánh nhìn không thiện cảm.
Dần dà mọi thứ cũng êm êm cho đến khi mình gần tốt nghiệp thì bố vợ nuôi gia tăng sức ép về việc báo cáo 2 gia đình xin cưới. Nhưng thực sự là lúc ấy thời cơ chưa chín, nên mình đành hứa là sẽ có buổi gặp mặt của 2 đứa với bố mẹ mình để nói chuyện nghiêm túc.
Bữa ăn gặp mặt căng thẳng như bàn đàm phán của các cường quốc vậy, bố mẹ mình thì không thoải mái lắm, vợ mình lúc ấy thì khá là kỳ vọng nên cũng căng thẳng, mỗi mình mình vui vẻ.
Ảnh minh họa
Sau cùng mình chốt hạ với bố mẹ là: ‘Sau 1 thời gian tìm hiểu, xin bố mẹ cho chúng con đi lại yêu đương cũng như xác định lâu dài’.
Thực sự thì không có 1 câu nào về việc cưới xin như vợ mình mong muốn nên cô ấy thất vọng và khóc òa lên sau khi bố mẹ mình rời phòng khách đi nghỉ.
Lủi thủi đưa cô ấy về nhà bố nuôi, mình hứng cơn thịnh nộ: ‘Không cưới thì thôi, mời cháu về cho’, (đấy, bố bố con con xong giờ cháu ngay được).
Mình chẳng thể giải thích rằng mọi thứ phải đi từ từ, phải có thời cơ, nhưng quả thực đấy là thời điểm mà mình chỉ có 1 mình chống cả thế giới.
Rồi mình lại phải đi nói chuyện, nịnh nọt, thuyết phục để cả bố nuôi và cả vợ mình dịu xuống. Hòa hoãn cho đến ngày tốt nghiệp, rồi bắt đầu đi làm, khi đã tự chủ kinh tế thì trọng lượng lời nói cũng đã khác. Mình cứ âm thầm thể hiện rõ bản thân và thế là có 1 đám cưới sau 1 năm 7 tháng đấu tranh bền bỉ.
Cưới nhau về cũng nào đã yên bình, mẹ mình vẫn hậm hực chuyện tên tuổi, soi mói đủ thứ, đòi 2 vợ chồng phải đóng tiền điện, nước, tiền ăn.
Mẹ còn bắt nộp hết tiền bạn bè 2 vợ chồng mừng cưới, tiền tiết kiệm riêng của vợ dưới danh nghĩa: ‘Để mẹ quản cho, khi nào cần việc gì mẹ đưa’.
Trong khi mình là con 1, lương hưu bố mẹ với tiền cho thuê nhà gấp hơn 2 lần lương 2 vợ chồng, thế là lại đấu tranh, lại lý luận.
Ảnh minh họa
Chưa kể, mẹ đẻ vợ mình ở quê làm nông, mình quy định, trích 1 phần lương 2 vợ chồng để làm lương cố định cho mẹ chi tiêu, còn vợ muốn biếu thêm gì thì tùy, mình không can thiệp.
Đến bây giờ, nhìn lại cả quãng đường đã đi qua cùng nhau, để đến hôm nay mọi người đều yêu quý, nhất là mẹ mình coi con dâu như con gái, đó là cả một cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ.
Mình chỉ khuyên các bạn nam, mẹ thì không bỏ được, nhưng vợ là người đi cùng mình qua giông bão khó khăn, thì cũng đừng buông tay, hãy có bản lĩnh, ý chí, kiên định, sẵn sàng ra quyết định thì sẵn sàng chịu trách nhiệm. Các bạn cũng hãy đủ bao dung với những người thân yêu, cho dù có phải chống lại cả thế giới, thì đứng sau bạn sẽ là người phụ nữ tuyệt vời".
Một khi đủ yêu thương, người ta sẽ có cách. Đàn ông nên là những người vững vàng, mạnh mẽ nhất giúp cô gái của mình đương đầu với biết bao sóng gió. Bản lĩnh của họ không chỉ được thể hiện trong công việc mà còn ở chuyện sắp xếp việc nhà, cân bằng các mối quan hệ. Có như thế, cuộc hôn nhân mới bền chặt và hạnh phúc.
Theo Pháp luật & Bạn đọc