Dịch bệnh COVID-19 đã có dấu hiệu lắng xuống nhưng gia đình tôi lại bắt đầu nổi lên một “cơn bão” lớn. Tôi biết sớm hay muộn gì “cơn bão” này cũng xuất hiện bởi những mâu thuẫn đã âm ỉ từ rất lâu và không có phương pháp giải quyết triệt để.
Tôi và vợ đã kết hôn được hơn 3 năm. Chúng tôi đều không phải con nhà có điều kiện nên mọi thứ rất khó khăn. Bố mẹ hai bên không giúp đỡ nhiều về tài chính nên chúng tôi gần như phải tự lập hoàn toàn.
Chúng tôi tự lo đám cưới, hiện tại đang ở trọ và quyết tâm mua nhà rồi mới nghĩ đến chuyện sinh con.
Gia đình tôi có mâu thuẫn lớn vì thu nhập thời COVID-19 (Ảnh minh họa)
Chính bởi hoàn cảnh lúc nào cũng căng thẳng về tiền bạc nên nảy sinh quá nhiều mâu thuẫn. Vợ tôi là người vô cùng khó tính, thậm chí cứng nhắc trong chuyện chi tiêu. Lương hàng tháng tôi phải nộp toàn bộ cho vợ và mỗi ngày sẽ được cô ấy phát cho 100.000 đồng.
Không người đàn ông nào vui vẻ với cách sống đó nhưng tôi đã nín nhịn nhiều để cuộc sống gia đình được êm ấm. Hơn nữa, tôi cũng hiểu rằng cô ấy khắt khe như vậy là vì mục đích chung. Chúng tôi muốn có một căn nhà riêng, con cái chúng tôi sau này phải được hưởng những gì tốt đẹp nhất.
Thế nhưng việc tôi quá nín nhịn khiến cô ấy càng lấn tới. Vợ tôi không cần biết tôi kiếm tiền ra sao, hàng ngày ra đường phải tiêu pha những gì. Điều cô ấy quan tâm duy nhất là đúng ngày 10 hàng tháng (ngày công ty tôi trả lương), tôi phải nộp đủ 16 triệu tiền lương.
Đợt dịch COVID-19 vừa qua khiến tất cả đều lao đao. Không ít người lao động bị cắt giảm lương, thậm chí mất việc và nhiều doanh nghiệp phải phá sản. Công ty tôi làm về công nghệ thông tin dù không tổn hại quá nghiêm trọng nhưng cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Tôi bị vợ thóa mạ bởi không đảm bảo thu nhập (Ảnh minh họa)
Tôi dù là nhân viên cứng nhưng cũng nằm trong danh sách cắt giảm lương. Tháng lương vừa qua, tôi chỉ được nhận hơn 9 triệu. Tôi hiểu những khó khăn mà công ty phải đối mặt nên vui vẻ chấp nhận, thời buổi này có được công việc đã là tốt lắm rồi.
Khi tôi mang khoản tiền lương bị cắt giảm đó về nhà đưa cho vợ, tôi đã sốc trước thái độ của cô ấy. Vợ tôi không tin công ty cắt giảm và dù cho cắt giảm cũng không thể nhiều như thế.
“Công ty anh làm công nghệ thông tin thì liên quan gì đến COVID-19 mà giảm lương. Công ty như thế thì nghỉ đi làm chỗ khác. Lương không được 10 triệu thì sống kiểu gì? Hay là anh bịa chuyện để cất tiền lập quỹ đen?”, vợ tôi nghi ngờ.
Trước suy nghĩ đó của vợ, tôi đã rất tức giận nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh. Tôi lấy điện thoại cho vợ xem quyết định giảm lương được gửi qua e-mail. Lúc này cô ấy đã đuối lý nhưng không xin lỗi, ngược lại tiếp tục ngang ngược.
“Anh bị giảm lương thì không biết đường làm thêm à? Anh mang về từng này tiền thì ăn không đủ chứ tích lũy mua nhà thế nào?
Người ta thiếu hụt tài chính thì xoay xở các kiểu để bù vào mang về đưa cho vợ, đằng này đàn ông cù lần không có chí tiến thủ. Lương giảm thì chi tiêu giảm nhé, mỗi ngày được 50.000 đồng thôi”, cô ấy ngoa ngoắt.
Không hiểu từ bao giờ tôi đã biến thành một người đàn ông nhu nhược. Tôi có công ăn việc làm ổn định, thu nhập không hề thấp nhưng không thoát khỏi được sự kìm kẹp của người vợ quá đáng.
Nhiều lúc tôi tự hỏi, chấp nhận cuộc sống hiện tại như vậy để hy vọng một tương lai tốt hơn liệu có đáng không? Và liệu sau này khi mức sống khá hơn thì vợ tôi có thôi quá đáng với tôi hay không?
Theo Dân Việt