Bi kịch gia đình có 4 người con chết vì HIV

Ở mảnh đất Xuân Bái (Thọ Xuân - Thanh Hóa), nạn nghiện ngập và người nhiễm HIV không còn là chuyện lạ...

Ở mảnh đất Xuân Bái (Thọ Xuân - Thanh Hóa), nạn nghiện ngập và người nhiễm HIV không còn là chuyện lạ. Nhưng khi nhắc tới một gia đình có tới 4 người con chết vì căn bệnh thế kỷ và “án tử” vẫn đang rình rập những người còn sống thì ai cũng giật mình.

Bi kịch từ “nàng tiên nâu”


Về Xuân Bái hỏi gia đình bà Lê Thị Vân và ông Lê Ngọc Tiến ai cũng biết. Họ biết tới gia đình ấy vì bi kịch cả 4 người con (cả con trai, con dâu) đều chết vì căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Những người con còn sống cũng đang chờ “án tử”.

Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Xuân Bái là một ngôi làng có vị trí địa lý thuận lợi cả đường bộ và đường sông cho việc giao lưu, buôn bán với tỉnh ngoài. Có lẽ vì thế mà song song với việc phát triển kinh tế, nơi đây cũng là nơi du nhập rất nhiều những tệ nạn trong đó có tệ nạn  ma túy. Những năm 2000, người ta ví Xuân Bái là "tâm bão" ma túy. Thời điểm nhức nhối nhất, có tới ngót 200 người nghiện. Bởi thế, việc đàn ông ở Xuân Bái nghiện ngập rồi nhiễm HIV không còn là điều lạ. Một gia đình có tới vài người nghiện là bình thường. Những đứa con trai của bà Vân, ông Tiến cũng là một trong những người chạy theo “nàng tiên nâu” để rồi mang bệnh về cho cả vợ, anh em.

Ngôi nhà tranh của gia đình bà Vân nằm lọt thỏm giữa những dãy nhà cao tầng, căn nhà vốn siêu vẹo  nay lại càng trở nên lạnh lẽo, trống trải bởi những đợt gió mùa thốc vào. Bà bảo mùa nắng thì có nhà, mưa thì coi như ở ngoài trời, dột hết chỗ nọ đến chỗ kia, nước ở ngoài tràn vào nhà lênh láng.
 
Bà Vân đau đớn kể về bi kịch gia đình.

Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà ấy, nước mắt bà không ngừng chảy. Người mẹ ấy ngoài đau đớn về thể xác bởi cơ man là bệnh tật trong người còn có nỗi đau không thể chữa lành, ấy là những đứa con của bà. Gần đất xa trời, hai ông bà vẫn phải nặng gánh những đứa cháu mồ côi.

Bà bảo những năm trước khi nạn ma túy chưa tràn về làng, các con của bà cũng tu chí làm ăn, thằng sửa xe máy, thằng làm mộc… Những tưởng cuộc sống cứ bình dị như thế trôi qua. Thế mà không ngờ một ngày vì ma túy, gia đình bà lại lâm vào bi kịch đau đớn như thế này.

“Có lẽ chẳng ai bất hạnh như vợ chồng tôi, tưởng đẻ 6 đứa con thì già cả có đứa chăm sóc, ai ngờ chúng nó ham chơi rồi dính vào cái thứ ấy rồi kéo nhau đi hết. 4 đứa chết, mấy đứa còn lại thì tôi biết còn một thằng nữa bị nhiễm, mấy đứa kia cũng chơi ma túy nhưng không biết có nhiễm không. Chúng nó chán, xấu hổ, điều ra tiếng vào nên bỏ đi vào Nam hết rồi” – bà Vân ngậm ngùi cho biết.

Ôm bụng đau đớn với vết mổ vẫn đang rỉ máu, bà Vân đi về phía chiếc hòm - nơi bà lưu giữ những kỷ vật của những đứa con. Bà lấy ra một album ảnh rồi chỉ cho chúng tôi từng người một. “Đây là ảnh cưới vợ chồng thằng Ân, thằng chồng bị nhiễm bệnh rồi về lây cho vợ nó. Vợ chồng chúng nó chết cũng vì HIV. Còn đây là vợ chồng thằng Tân, nó là con trai cả, một năm sau ngày thằng Ân chết thì thằng Tân cũng bỏ chúng tôi lại mà đi. Còn đứa con dâu vợ thằng Dân thì cũng chết năm 2010. Thằng Dân còn sống nhưng cũng mang trong mình căn bệnh thế kỷ này. Nó bỏ đi làm ăn suốt, thi thoảng ốm đau không đi nổi lại mới về. Nó về mấy ngày rồi lại đi…” – bà Vân vừa chỉ từng tấm ảnh vừa nói.

Cũng may những đứa cháu của bà đều thoát căn bệnh thế kỷ. Ba đứa cháu mất bố mẹ khi chúng đều 14 tuổi. Trong số 3 cháu của bà Vân có một cháu được ông bà ngoại nuôi cho đi học, hai đứa còn lại đều phải ở nhà. Thương các cháu nhưng bà Vân, ông Tiến không còn cách nào khác bởi khi miếng ăn bà còn phải lo từng bữa thì việc học của các cháu là không tưởng. Bà bảo, chúng thuộc diện mồ côi nên cũng không phải đóng nhiều tiền, mỗi năm học chừng mấy trăm nghìn thôi nhưng cũng không có để mà cho chúng đi.
 
Mỗi lần nhớ về những đứa con đã chết, người mẹ khốn khổ
ấy lại  mang ảnh ra xem

Nghe những lời vợ kể về các con, người cha gầy guộc ngồi thu lu trong góc nhà ôm mặt khóc rưng rức. Ông bảo nhớ như in cái ngày vào miền Nam mang xác con trai về. Không có tiền, những người làm thuê cùng họ phải quyên góp mới có tiền để mua hòm ván và tiền xe đưa về.

Án tử vì AIDS chưa dứt…

Bà Vân bảo, các con của bà, trong 6 cặp vợ chồng thì chỉ có đứa con gái và đứa con dâu cả là không nhiễm vì vợ chồng con cả đã ly hôn từ rất lâu rồi, đứa con gái thì lấy chồng ở gần đây. Còn mấy con trai của bà không ai không dùng ma túy, dùng chung kim tiêm của nhau rồi việc lây bệnh là không thể tránh khỏi. Hiện những người con còn sống phiêu bạt mỗi đứa mỗi nơi. “Bây giờ tôi sợ nhất là nghe tin chúng chết vì “ết”. Cái cảm giác về 4 đứa con trước khiến tôi vẫn còn ám ảnh rùng mình mỗi khi nghĩ lại” – bà Vân nói.

Bệnh tật chất chồng, mỗi ngày máu từ vết mổ vẫn không ngừng rỉ. Bác sĩ bảo bà bị bệnh máu loãng. Đã nhiều lần bà định uống thuốc chuột để kết thúc cuộc đời đau khổ và bất hạnh nhưng nghĩ về chồng- người đàn ông sống cùng bà cũng mang bệnh tật không thể lao động được khiến bà lại cố sống để lo cho ông. Nhưng rồi sống để mà đau đớn, âu lo, lo “án tử” đang chờ đợi các con mình, lo đàn cháu không nơi nương tựa khiến bao năm nay chẳng đêm nào bà yên giấc.
 
Trong ngôi nhà tranh siêu vẹo ấy, những người cha người mẹ đang ngày ngày
 vật lộn với đau đớn bệnh tật và bi kịch từ những đứa
con mang trong mình căn bệnh "ết"

Lật đật đi thay băng từ vết mổ, bà bảo không có tiền mua bông băng, phải đi xin hàng xóm quần áo cũ về xé ra rồi làm bông đấy. Nói rồi bà lắc đầu ngán ngẩm “chẳng ai bất hạnh như vợ chồng tôi. Sinh con ra mà không có phúc…”.

Ông Đào Trọng Vinh, Phó Trưởng Công an xã Xuân Bái cho biết: “Những năm 2000, Xuân Bái là nơi tụ điểm của ma túy. Sau cơn bão ma túy đi qua, Xuân Bái có hàng trăm người nghiện, chết vì HIV cũng nhiều nhưng những năm trở lại đây nhờ tuyên truyền và ý thức người dân được nâng lên nên tình trạng người nghiện hay nghiện dẫn tới HIV đã giảm nhiều”.

“Thời điểm đó, một nhà có vài người nghiện là bình thường. Cách đây khoảng 3 năm, Xuân Bái vẫn còn khoảng 20 người nhiễm HIV, số đó bây giờ cũng chết gần hết. Gia đình bà Vân, ông Tiến là hậu quả để lại của những năm trước. Các con của bà Vân có người lấy vợ rồi mới dính vào nên lây cho vợ rồi cho anh em. Người chưa lấy vợ thì không đi xét nghiệm nên cũng không biết dính bệnh, sau này khi biết thì đã muộn. Do các con như vậy, ông bà lại bệnh tật, không có sức lao động nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Chính quyền thì cũng chỉ giúp đỡ được phần nào thôi” - ông Vinh nói.

Theo Dân trí

Tin tức mới nhất