Chúng ta vẫn thường nghe đến chuyện Thành Cát Tư Hãn - thủ lĩnh đội quân Mông Cổ thiện chiến một thời - có tới hàng trăm người con rơi trên con đường chinh phạt của mình từ Á sang Âu.
Tuy nhiên, Thành Cát Tư Hãn không phải là vị hoàng đế đông con nhất thế giới. Danh hiệu này thuộc về một vị vua đến từ Maroc - Hoàng đế Sultan Moulay Ismaïl, với số lượng con là 1.171 người.
Chân dung bạo chúa khét tiếng châu Phi
Sultan Moulay Ismaïl (1645-1727) là một trong những nhân vật vĩ đại nhất lịch sử Morocco (Maroc) - đất nước nằm ở phía Bắc châu Phi. Ông lên ngôi vua năm 26 tuổi và trở thành người có thời gian trị vị dài nhất trong lịch sử nước này, từ năm 1672 – 1727. Ông trị vì tới năm 80 tuổi, và qua đời 2 năm sau đó.
Sultan Moulay Ismaïl (1645-1727) là một trong những nhân vật vĩ đại nhất lịch sử Morocco (Maroc)
Moulay Ismaïl đã lên ngôi tiếp quản một đất nước đang suy yếu bởi chiến tranh nội bộ giữa các bộ lạc, nhưng ngay sau đó bằng những chính sách đúng đắn, ông đã nhanh chóng chấn hưng được đất nước.
Trong suốt 55 trị vì, Moulay Ismaïl được xem là một vị vua tàn bạo và khát máu. Vị vua này đã cho bêu đầu của khoảng 400 thủ lĩnh và chính trị gia đối lập nhằm dẹp yên mọi thế lực phản động.
Ông đã giết tới hơn 30.000 người, chưa tính đến những kẻ thù chết trên chiến trường. Không những vậy, vị vua bạo chú này còn từng ra lệnh cho 25.000 nô lệ xây dựng thủ đô Meknes và trưng bày hàng ngàn đầu lâu của đối phương trong lễ đăng quang.
Moulay Ismaïl còn có những hình phạt dã man nếu phát hiện phi tần của mình ngoại tình. Những nam giới để mắt tới tì thiếp của ông sẽ bị trừng phạt bằng cái chết.
Thành phố Fez - nơi vị Sultan khát máu bêu đầu 400 thủ lĩnh phe đối lập
Vị vua nổi tiếng có nhiều con nhất trong lịch sử
Sách Kỷ lục Guinness ghi nhận Sultan Ismaïl là người đàn ông nhiều con nhất trên thế giới từ trước tới nay, với 888 đứa con. Tuy nhiên, Dominique Busnot, một nhà ngoại giao Pháp, người từng viếng thăm Morocco dưới thời Sultan Ismaïl, ghi chép lại rằng, vị vua này có tới 1.171 đứa con đẻ với 4 bà vợ chính thức và 500 tì thiếp vào năm 1704. Khi đó, Sultan Ismaïl đã 57 tuổi và lên ngôi vua được 32 năm.
Các nhà khoa học trước đây từng bác bỏ con số công bố của ông Busnot vì họ cho rằng điều đó là không thể do phụ nữ chỉ có thể thụ thai trong một vài ngày mỗi tháng, tức là tinh trùng dù khỏe đến đâu cũng không thể thụ thai liên tục được.
Để giải quyết nghi vấn, một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học Vienna (Áo) đã xây dựng các chương trình mô phỏng máy tính để xác định liệu Sultan Ismaïl cần quan hệ tình dục bao nhiêu lần mỗi ngày mới có thể trở thành cha của 1.171 đứa trẻ trong 32 năm.
Sultan Moulay Ismaïl - ông hoàng Morocco nổi tiếng tàn bạo và khát máu, cũng là người đàn ông nhiều con nhất trong lịch sử thế giới
Nhà nhân chủng học Elisabeth Oberzaucher, người đứng đầu nghiên cứu cho biết chương trình này được xây dựng dựa trên ít nhất là 3 mô hình thụ thai phổ biến, cùng các biến số hạn chế về mặt sinh học và xã hội, như sự đồng điệu về thời gian rụng trứng và sinh lực của ông vua. Đồng thời, ông cùng đồng nghiệp là Karl Grammer cũng đưa ra mọi khả năng về chu kỳ kinh nguyệt của những người phụ nữ "quan hệ" với Sultan Ismaïl.
Đáng ngạc nhiên là các nhà nghiên cứu nhận thấy không những ông hoàng Morocco có thể cho ra đời chừng ấy người con trong thời gian 32 năm, mà còn có thể quan hệ tình dục một lần mỗi ngày trong khoảng thời gian dài.
Từ các dữ liệu phân tích, các nhà khoa học đã tính toán được rằng Sultan Ismaïl chỉ cần duy trì tần suất "yêu" chính xác là 0,83 - 1,43 lần/ngày với một hậu cung gồm 504 phụ nữ là đủ để sinh ra số con kỷ lục như vậy. Hơn nữa, nhà vua không cần dùng hết hậu cung gồm 4 bà vợ và 500 thê thiếp, mà chỉ cần từ 65 - 110 phụ nữ là cũng đủ có được một số lượng con lớn như vậy.
Tuy nhiên, tiến sĩ Oberzaucher nhấn mạnh thêm rằng, các kết quả nghiên cứu khác biệt nhau rất lớn, phụ thuộc vào việc chương trình mô phỏng nào được sử dụng.
"Chúng tôi rất thận trọng với những tính toán của chính mình và Ismaïl có đủ khả năng để sinh ra số lượng con nói trên”, ông Elisabeth Oberzaucher cho hay. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Plos Once đầu năm 2014.
Theo Khám Phá