Nhiều năm trở lại đây, một bức thư cho là của thiên tài vật lý người Đức Albert Einstein được dân mạng lan truyền rầm rộ bởi nội dung mang triết lý tình yêu sâu sắc.

Nguyên văn bức thư như sau:

"Khi cha công bố thuyết tương đối, hầu như người ta không thể hiểu được. Và những gì cha sắp nói với con đây cũng sẽ vấp phải những hiểu lầm và định kiến của nhân loại. Vậy nên, cha mong con giữ kín những bức thư này trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ cho tới khi xã hội đủ tiến bộ để chấp nhận những điều mà cha sắp giải thích dưới đây.

Có một loại năng lượng vô cùng mạnh mẽ mà tới giờ khoa học vẫn chưa tìm ra định nghĩa chính xác nào cho nó. Thứ năng lượng này có ở khắp mọi nơi, chi phối tất thảy mọi năng lượng khác, và thậm chí đứng sau các hiện tượng khó lý giải trong vũ trụ. Năng lượng ấy chính là tình yêu.

Khi các nhà khoa học tìm kiếm một học thuyết chung cho vũ trụ, họ đã bỏ qua năng lượng vô hình nhưng mạnh mẽ này.

Tình yêu là ánh sáng soi chiếu tâm hồn những ai biết cho đi và nhận lấy.

Tình yêu là lực hấp dẫn, bởi nó khiến người ta cuốn hút lẫn nhau.

Tình yêu là sức mạnh, bởi nó tổng hợp tất cả những điều tốt đẹp nhất trong con người, giúp nhân loại không bị mờ mắt bởi sự ích kỷ và mù quáng.

Tình yêu hé lộ và gợi mở.

Tình yêu khiến chúng ta sống và chết.

Tình yêu là Thượng đế và Thượng đế cũng chính là Tình yêu.

Thứ năng lượng này giải thích cho tất cả mọi điều và gieo ý nghĩa vào cuộc sống. Thế nhưng, con người đã bỏ qua nó quá lâu, có lẽ bởi chúng ta sợ yêu - thứ tình cảm vượt ngoài tầm kiểm soát của con người.

Để giúp khái niệm tình yêu trở nên dễ hình dung hơn, cha đã thay đổi một chút trong công thức của mình. Thay vì sử dụng E = mc2, ta chấp nhận rằng năng lượng hàn gắn thế giới có thể tạo ra từ tình yêu nhân với bình phương của tốc độ ánh sáng. Chúng ta thấy rằng kết quả không ra, bởi tình yêu vốn dĩ là vô hạn.

Sau những thất bại của con người trong nỗ lực điều khiển vũ trụ, đã đến lúc chúng ta phải nuôi dưỡng mình bằng một loại năng lượng khác...

Nếu nhân loại muốn tồn tại, nếu họ muốn hiểu ý nghĩa của sự sống và muốn bảo vệ thế giới cùng những giống loài khác, thì tình yêu là câu trả lời duy nhất.

Có thể con người chưa sẵn sàng để tạo ra một quả bom tình yêu đủ mạnh đem rải khắp thế giới, để phá huỷ sự ghét bỏ, ích kỷ và tham lam đang tàn phá hành tinh này; nhưng mỗi con người chúng ta đều mang sẵn trong mình thứ năng lượng này, chỉ trực chờ được giải phóng ra bên ngoài.

Khi chúng ta học cách cho đi và đón nhận tình yêu, Lieserl à, chúng ta phải thừa nhận rằng thứ tình cảm ấy có thể chinh phục tất cả, vượt qua mọi chướng ngại bởi nó chính là nguyên tố quan trọng nhất của cuộc sống.

Cha rất ân hận vì đã không thể nói hết những điều trong trái tim mình, nơi mà từng nhịp đập trong cả đời này đều dành cho con. Có lẽ là quá muộn để nói lời xin lỗi, nhưng thời gian cũng chỉ mang tính tương đối, nên cha cần phải nói với con rằng cha yêu con, và nhờ có con mà cha đã đi đến câu trả lời cuối cùng!

Cha của con,

Albert Einstein"

Những dòng viết này đã gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn bởi tính xác thực của nó.

Theo thông tin đăng tải trên các diễn đàn mạng, bức thư nằm trong số 1.400 bức thư khác của nhà vật lý Einstein viết khi còn sống, được con gái ông Lieserl gửi tặng cho trường Đại học Hebrew vào cuối thập niên 1980, sau 20 năm ngày mất của Einstein.

Nội dung bức thư rất hay, và có vẻ như là của thiên tài vĩ đại Einstein - cha đẻ của công thức nổi tiếng E=mc2 viết nên. Thế nhưng nhiều học giả lại phủ nhận điều này.

Để giải đáp khúc mắc, tạp chí Huffington Post đã đăng tải một bài viết có tựa đề The Truth Behind Einstein’s Letter on the Universal Force of Love (tạm dịch là Sự thật đằng sau nguồn năng lượng vĩ đại trong bức thư của Albert Einstein) vào tháng 8/2016, nêu rõ những điểm đáng ngờ trong bức thư được cho là của thiên tài quá cố.

Trong bài viết có đề cập tới các nghiên cứu và quan điểm của giáo sư sử học Diana Kormos-Buchwald, đồng thời là giám đốc dự án Digital Einstein (tạm dịch là Số hóa các tài liệu để lại của Einstein).

Diana thẳng thắn nhấn mạnh quan điểm của cô khi được hỏi về bức thư trên: "Bức thư đó không phải của Albert Einstein. 1.400 bức thư được nhắc tới của Einstein gửi tặng cho Đại học Hebrew cũng không phải do Lieserl - con gái đầu lòng của Einstein gửi tới; mà là do Margot Einstein - con gái riêng của ông tặng cho Đại học".


Chân dung giáo sư sử học Diana Kormos-Buchwald (Ảnh: California Institute of Technology).
 

Theo một cuốn sách của Michele Zackheim xuất bản năm 1999 có tên Einstein’s Daughter: The Search for Lieserl (tạm dịch là Con gái của Einstein: Cuộc tìm kiếm Lieserl) có đề cập tới người con gái của thiên tài bị khuyết tật bẩm sinh và đã qua đời năm 1903, khi cô mới chỉ gần 2 tuổi.

Trên bách khoa toàn thư Wikipedia cũng ghi thông tin về Lieserl Einstein ra đời năm 1902, là con của Albert Einstein với người vợ Mileva Marić, nhưng thông tin của cô không còn được đề cập từ năm 1903. Trang này còn đề cập tới một khả năng có thể xảy ra là Lieserl đã qua đời ngày 18/9/1903.

Như vậy là nhiều giả thuyết của các chuyên gia đều hồ nghi sự tồn tại của Lieserl Einstein và bức thư cô gửi tặng cho Đại học Hebrew trong những năm 1980. Có ý kiến cho rằng "Dù bức thư hay thật đấy, nhưng chúng ta không nên tin vào tất cả những gì được chia sẻ trên mạng xã hội".

Bí ẩn về tác giả của bức thư mạo danh thiên tài vĩ đại của thế kỷ 20 Albert Einstein là ai đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Một người dùng mạng chia sẻ rằng "Thật thất vọng khi biết đây không phải là bức thư của Einstein. Chúng ta vẫn tò mò liệu ai là tác giả của bức thư này?

Nhưng điều đó không quan trọng, bởi theo quan điểm của Einstein, sự tò mò tồn tại có lý do của nó".
 

LEO
Theo Vietnamnet