An Nguy từng là một trong những nữ vlogger đình đám nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, nhiều người sẽ nhớ đến nữ vlogger dưới vai trò một mẹ bỉm sữa hơn.
Bởi hồi tháng 4/2021, cô và người yêu đồng giới Alex đã chính thức đón con đầu lòng là bé Bay.
Hậu công khai mang thai sau đó là sinh con, các content An Nguy chia sẻ lên MXH chủ yếu xoay quanh Bay cũng như sự nghiệp làm mẹ của mình.
Phần lớn trong số đó đều là bài viết vui vẻ về những khoảnh khắc đáng yêu của Bay hay các mẩu chuyện chăm con hài hước của An Nguy và Alex.
An Nguy hiện đã lên chức mẹ bỉm sữa sau khi sinh bé Bay
Thế nhưng mới đây, cựu vlogger lại bất ngờ đăng tải một bức "tâm thư" khá dài kể về tranh cãi cô nhận được liên quan đến thói quen nuôi con. Cụ thể ở đây là vấn đề cho con ngủ như thế nào.
An Nguy thường xuyên nhận được những câu phản ánh như: "Hơi bị chiều con quá rồi đấy", "Sao không để con tự ngủ?"... Lý do là bởi thay vì áp dụng phương pháp Cry It Out, tức không bế ru con mà để kệ con khóc tự nhiên trong một khoảng thời gian, khóc mệt rồi con sẽ tự ngủ thì An Nguy lại làm ngược lại.
Bay chỉ khóc 30 giây là An Nguy đã thấy xót và lao ngay vào bế con. Nhiều người đến chơi nhà thấy cảnh này đã khuyên An Nguy đừng làm thế vì giờ bế được chứ "mai mốt nó 2-3 tuổi xem còn bế được không" song An Nguy vẫn từ chối.
Bất chấp những lời khuyên can, đề nghị, An Nguy vẫn kiên trì với việc bế và ru con ngủ mỗi ngày
Theo An Nguy, cô ghi nhận ý kiến của mọi người nhưng mẹ mới là người hiểu con nhất và mỗi đứa trẻ sẽ phù hợp với một phương pháp nuôi dạy khác nhau.
Bên cạnh đó, mọi hành động, cử chỉ của trẻ đều đại diện cho một nhu cầu nhất định, đó là lý do người làm mẹ không nên ngó lơ khi con khóc.
Bởi, việc đáp ứng nhu cầu của trẻ giúp trẻ nhận ra rằng bạn luôn ở đây, trẻ có thể tin tưởng ở bạn, giúp xây dựng mối liên kết lành mạnh và bền vững với cha mẹ. Điều này trái ngược hoàn toàn với quan điểm "chiều quá sinh hư" hay "được đà làm tới" mà nhiều người vẫn nói.
"Mình biết, mình hiểu và mình đã trải qua những tháng ngày stress vô cùng, những đêm thức trắng và những lần khóc nức nở vì cảm giác 'có lỗi' vì 'chưa đủ tốt' cho con.
Mỗi em bé sẽ có một nhu cầu khác nhau và mình tin rằng người mẹ nào cũng muốn điều tốt đẹp nhất cho con, nhưng nếu có thể, đừng để con phải khóc khi đi ngủ mà không có mẹ ở bên", An Nguy nhắn nhủ.
Nguyên văn chia sẻ của An Nguy: "HƠI BỊ CHIỀU CON QUÁ RỒI ĐẤY!" Là câu nói mình được nghe khá nhiều, mỗi khi nhắc đến chuyện cho Bay ngủ. Lúc còn ở Mỹ, lần nào đi khám bác sĩ nhi của Bay cũng nhắc nhở không bế ru con ngủ, học cách áp dụng phương pháp Cry It Out để luyện cho con tự ngủ. Mình mất mấy đêm nằm nghiên cứu xem phải thực hành như thế nào, nhưng rồi đứng ngoài cửa nghe con khóc mới được 30 giây là chạy vào bế lên luôn, vừa bế vừa xin lỗi con rối rít. Đấy là lần cuối cùng mình có ý định để con khóc như vậy, tự nhủ sẽ không bao giờ để em khóc khi đi ngủ. Dù có những ngày bế con muốn rụng rời hai tay, có những đêm vừa ngồi bế vừa suýt cắm cả đầu xuống đất, nhưng con còn cần thì mình còn bế. Rồi có hôm có người đến chơi nhà, thấy mình đang hùng hục ru con ngủ vã cả mồ hôi hột, liền hỏi mình "Sao không để nó tự ngủ? Khóc chán thì phải ngủ thôi, bế thế nặng lắm". Mình cũng chỉ cười nói "Không sao, cũng vẫn còn bế được ạ", người ta bèn trả lời "rồi mai mốt nó 2 3 tuổi xem còn bế được không". Họ không nhìn thấy tay của Bay đang ấn vào má, em đang mọc răng khó chịu vô cùng nhưng cả ngày vẫn chơi vui vẻ, chỉ đến lúc ngủ mới gắt một chút. Mình vẫn luôn quan niệm rằng, con còn bé và khóc là cách duy nhất giúp con giao tiếp với mẹ, là cách duy nhất để con cho mẹ biết con đang cần một điều gì đó, có điều gì đó làm con khó chịu hay chỉ đơn giản là con cần có mẹ ôm ấp vỗ về. Càng chăm con từng ngày mình càng nhận thấy điều đó một cách rõ ràng. Trộm vía là Bay chưa bao giờ khóc một cách vô cớ, kể từ khi mới sinh, mỗi khi Bay khóc thì luôn có một lý do nào đó, có thể do đói, có thể do bỉm ướt, và cũng có những lý do mình chưa hiểu được ngay lúc đó nhưng sau này mới nhận ra. Vì thế mỗi lần Bay khóc lại càng thấy thương Bay hơn và cố gắng trấn an em nhiều hơn, vì không phải tự dưng em khóc và vì mình là người duy nhất em có thể dựa vào. Mình thường nói đùa với bạn bè rằng, đáng ra em bé nên được ở trong bụng mẹ thêm 3 tháng nữa thì mới được ra ngoài vì khi sinh con ra, bế lấy sinh linh nhỏ bé ấy mà mình run vô cùng. Về mặt sinh học, loài người là giống loài được sinh ra non nớt nhất trong tất cả các loại động vật có vú có nhau thai và những năm tháng đầu đời là khoảng thời gian quan trọng nhất giúp trẻ hình thành các liên kết thần kinh, phát triển não bộ và xây dựng một thế giới an toàn, nơi chúng được yêu thương và biết rằng mình có thể hoàn toàn tin tưởng vào cha mẹ mình, từ đó giúp trẻ phát triển tính độc lập và sự tự tin sau này. Điều này trái ngược hoàn toàn với quan điểm cho rằng "chiều quá sinh hư" hay "được đà làm tới" chỉ bởi vì bạn đáp ứng nhu cầu của trẻ, một quan điểm không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học nào. Việc đáp ứng nhu cầu của trẻ giúp trẻ nhận ra rằng bạn luôn ở đây, trẻ có thể tin tưởng ở bạn, giúp xây dựng mối liên kết lành mạnh và bền vững với cha mẹ. Tất cả các em bé, sớm hay muộn đến một lúc nào đó đều sẽ học được cách tự ngủ nếu bạn kiên trì, có lịch sinh hoạt, môi trường ổn định và nhất quán dành cho bé. Hiện giờ thì hàng ngày Bay đều đi ngủ từ khoảng 9 rưỡi tối và dậy vào lúc 9 giờ đến 10 giờ sáng, mình cũng không còn phải ru em nữa mà em lăn qua lăn lại, rúc chỗ nọ chỗ kia rồi tự ngủ. Trong lúc mình đang viết những dòng này, thì Bay vừa chơi xong và tự lăn ra ngủ, mặc cho nhà sát vách đang khoan bê tông ầm ầm, em vẫn dang hai chân hai tay ngủ ngon lành. Mình tin rằng vì em biết, dù em có giật mình tỉnh giấc, vẫn có mình ở đây vỗ về "Mẹ đây mẹ đây." Mình biết, mình hiểu và mình đã trải qua những tháng ngày stress vô cùng, những đêm thức trắng và những lần khóc nức nở vì cảm giác "có lỗi" vì "chưa đủ tốt" cho con. Mỗi em bé sẽ có một nhu cầu khác nhau và mình tin rằng người mẹ nào cũng muốn điều tốt đẹp nhất cho con, nhưng nếu có thể, đừng để con phải khóc khi đi ngủ mà không có mẹ ở bên. |
Theo Pháp luật & Bạn đọc