Ảnh minh họa

Sướng miệng, khổ thân

Năm 2015, người Việt uống 3,4 tỉ lít bia, tăng 10% so với năm 2014. Trung bình một người Việt uống 38 lít bia/năm, đó là kết quả thói quen sinh hoạt gắn liền với rượu bia. Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia vào cơ thể chỉ 2% - 8% bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, còn lại hấp thu vào gan, thận, là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như: U xơ gan, lao phổi, gút, cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì… Chưa kể, rượu bia còn là nguyên nhân gián tiếp gây mất kiểm soát lý trí, tai nạn giao thông, các vụ ẩu đả. Có thể nói, lạm dụng rượu, bia gây ra nhiều tác hại khôn lường cho sức khỏe, tính mạng và nhân cách.

Còn trong thuốc lá, có khoảng 7.000 chất hóa học, với hơn 70 chất là tác nhân gây ung thư. Hút thuốc lá gây nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch, ảnh hưởng sức khỏe người hút thuốc lá chủ động và thụ động. Mỗi năm, có hàng trăm nghìn người tử vong liên quan tới thuốc lá. Ngày 1/5/2013, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá chính thức có hiệu lực, tăng cường tuyên truyền, xử phạt những hành vi vi phạm liên quan tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi Luật chưa cao, cộng đồng vẫn tràn ngập khói thuốc và thiếu cơ sở cai nghiện thuốc lá hiệu quả.

Quý ông nghiện vẫn còn loay hoay chưa bỏ được dù ý thức được tác hại của thuốc lá, trong khi sức khỏe ngày càng suy giảm. Trong xã hội của công nghệ số, cộng đồng gắn kết thường xuyên với các thiết bị công nghệ, nhất là giới chức văn phòng, công sở, ít tham gia các hoạt động lao động chân tay, sinh hoạt ngoài trời. Tại các công viên, vào buổi sáng sớm hay chiều tối, thường bắt gặp người cao tuổi tập thể dục, rèn luyện sức khỏe nhiều hơn người trẻ tuổi… Chính lối sống ít vận động khiến con người thường cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, làm giảm sự dẻo dai, linh hoạt, khỏe mạnh và một thực tế nhỡn tiền là khả năng trong "chuyện ấy" bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chồng không làm được xét nghiệm tinh dịch đồ vì lúc nào cũng "quá chén"

Theo thống kê, nguyên nhân hiếm muộn của các cặp vợ chồng có 40% do nam giới, 40% do nữ giới và 20% nguyên nhân do cả hai vợ chồng. Trong đó, các nguyên nhân gây hiếm muộn ở nam giới, có hơn 75% là do bất thường về tinh trùng.

ThS. BS Nguyễn Phan Vinh (Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ) cho biết, nam giới có thể kiểm tra sức khỏe sinh sản, chất lượng tinh trùng dễ dàng bằng xét nghiệm tinh dịch đồ. Qua thực tế điều trị hiếm muộn, hơn 70% nam giới hiếm muộn do tinh trùng kém chất lượng. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tinh trùng không đạt chất lượng, trong đó có thể kể đến những yếu tố nguy cơ chính như: Rượu bia, thuốc lá, lối sống ít vận động…, ảnh hưởng sức khỏe cơ thể nói chung, trong đó ảnh hưởng cơ quan sinh dục, sức khỏe sinh sản nói riêng. Các chất rượu bia, thuốc lá ảnh hưởng đến mật độ, độ di động, hình dạng tinh trùng, làm phá vỡ cấu trúc ADN, khiến tinh trùng mất khả năng thụ tinh. Ngoài ra, đối với những người thừa cân, thể trạng ảnh hưởng nội tiết người nam, quyết định lên các tế bào tinh hoàn, gây bất thường tinh trùng…

Vợ chồng anh Quang Tuấn – chị Minh Hà (ngụ quận Bình Thủy - TP Cần Thơ) mong có thêm con thứ hai mấy năm nay, khi con gái đầu lòng đã học lớp 1. Chị Hà đến bệnh viện chuyên khoa khám hiếm muộn, với các chỉ số sức khỏe sinh sản tốt. Tuy nhiên, chồng chị không đồng ý đi khám hiếm muộn với chị. Đặc biệt, anh thường xuyên uống rượu, với mức độ ngày càng nặng. Mỗi khi say xỉn về nhà, anh Tuấn trách móc chị Hà "không biết sinh con"! Theo bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn, rất có khả năng anh Tuấn là nguyên nhân hiếm muộn, vì việc thường xuyên uống rượu ít nhiều ảnh hưởng sức khỏe sinh sản.

Hay trường hợp cặp vợ chồng trẻ ở tỉnh Đồng Tháp vượt hàng chục cây số đến Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ đăng ký khám hiếm muộn. Các bác sĩ cho người chồng làm xét nghiệm tinh dịch đồ nhưng không lấy mẫu được vì đêm hôm trước, anh này nhậu "quá chén" với bạn bè... Lần sau, họ lại lên viện, nhưng cũng không "làm nổi" vì anh chồng vẫn trong tình trạng "bấm vào người là ra rượu"! Quá trình thăm khám, điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn, bên cạnh thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán, các bác sĩ còn tìm hiểu về lối sống, sinh hoạt của các cặp vợ chồng, trong đó lưu ý thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá, ít vận động… của người chồng. Qua đó bác sĩ khuyên người chồng hạn chế tối đa rượu bia, đồng thời hướng dẫn chế độ ăn uống, vận động hợp lý, kèm với uống thuốc hỗ trợ tinh trùng khỏe mạnh. Sau khi thay đổi lối sống, kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ có cải thiện. Theo BS Nguyễn Phan Vinh, người vợ đóng vai trò quan trọng trong việc cùng chồng điều trị hiếm muộn. Thường người chồng có tâm lý mặc cảm, ngại chia sẻ vấn đề bản thân, do đó, người vợ có thể cung cấp cho bác sĩ điều trị những vấn đề liên quan đến chồng. Tổ chức Y tế khuyến cáo: "Các cặp vợ chồng mới cưới, vợ dưới 35 tuổi, không dùng biện pháp ngừa thai nào, sau 1 năm chưa có thai, nên đi khám hiếm muộn".

Từ năm 2010 đến nay, Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ triển khai điều trị hiếm muộn; tiếp nhận khám và điều trị hơn 20.000 bệnh nhân, đạt hiệu quả ngày càng cao. Qua đó có 80 bé chào đời bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Sắp tới, đơn vị này sẽ triển khai nhiều kỹ thuật cao điều trị hiếm muộn, trong đó có kỹ thuật điều trị các bệnh lý nam khoa, góp phần đem đến niềm vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn.

​Món ăn tốt cho quí ông


Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc bổ thận tráng dương, sinh tinh ích khí, chữa chứng "trên bảo, dưới không nghe" rất hiệu nghiệm với các vị thuốc như: Hải cẩu, hải mã, nhục thung dung, dâm dương hoắc, thỏ ty tử, đỗ trọng, lộc giác giao (nhung hươu), ba kích... Để đơn giản hóa, bạn có thể dùng các thực đơn thông minh để chữa rối loạn cương sau đây.

Công thức 1: Thịt chó 500g, đậu đen 50g. Cho cả hai thứ vào nấu nhừ, ăn liên tục.

Công thức 2: Chim sẻ mùa đông 5 con, làm sạch, luộc chín, ăn nhạt.

Công thức 3: Tinh hoàn gà 10 quả (hoặc tinh hoàn bò 1 đôi), rượu gạo nếp vừa phải, cho vào nấu ăn. Khi dùng bài thuốc này, không ăn các thức ăn lạnh.

Công thức 4: Hạt mướp đắng 300g, sao vàng tán nhỏ, cho vào lọ, mỗi ngày uống 10g với rượu vang. Mỗi ngày uống hai lần. Mười ngày là một đợt.

Công thức 5: Thịt hươu 200g, nhục thung dung 30g. Thịt hươu rửa sạch, thái miếng, nhục thung dung ngâm nước xong thái lát. Cho cả hai thứ vào nấu, thêm gừng, hành, muối, gia vị. Sau khi nấu chín, bỏ nhục thung dung đi, còn lại ăn hết.

Công thức 6: Thịt dê 200g, tỏi 50g, nõn tôm 30g. Thịt dê rửa sạch, thái mỏng, nấu tôm nõn và tỏi, cho hành sau đó mới cho thịt dê vào nấu chín, ăn hết thịt và tôm. Chữa liệt dương do thận hư.

Công thức 7: Gan gà trống 2 bộ, dây tơ hồng 15g, cho vào sắc cùng lấy nước uống. Uống thường xuyên chữa liệt dương do thận hư.

Công thức 8: Hành củ già 20g, rượu trắng 50g. Hành củ rửa sạch, băm nhỏ rồi xào cho thật nóng, sau đó cho rượu trắng rồi gói trong gạc buộc ngay vào bụng dưới khi còn đang ấm.

Công thức 9: Ớt tươi 100g, tôm nõn 50g, rượu trắng (50 độ trở lên) 200ml. Tôm rửa sạch cho vào xào với ớt, sau đó đổ rượu vào nấu sôi, ăn hết trong 1 lần.

Lương y Huệ Anh

Gần một triệu cặp vợ chồng vô sinh


Theo một nghiên cứu trên toàn quốc do Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Đại học Y Hà Nội tiến hành trên 14.300 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) ở 8 tỉnh đại diện cho 8 vùng sinh thái ở nước ta cũng xác định tỉ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ là 7,7%.

Như vậy có nghĩa là hiện nay đang có khoảng 700.000 đến 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Vấn đề vô sinh đang là một gánh nặng của ngành Y tế Việt Nam. Đáng báo động, có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30.

Theo số liệu công bố tại cuộc Hội thảo: “Hãy thực hiện các bước tiếp theo để có con” do Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức mới đây, có đến 72% phụ nữ không nghi ngờ về khả năng làm mẹ dù sau 6 tháng cố gắng thụ thai không được, 83% phụ nữ không nghĩ rằng chồng có khả năng vô sinh, 56% phụ nữ không biết đàn ông có thể vô sinh dù vẫn sản xuất được tinh trùng, 60% không biết phụ nữ không có kinh nguyệt sẽ không còn khả năng sinh con. Đặc biệt, có khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh ở độ tuổi dưới 30, tức là tình trạng các cặp vợ chồng sinh hoạt tình dục đều đặn, không sử dụng biện pháp tránh thai nhưng không có thai trong vòng 12 tháng.

P.Mai

Theo Gia Đình & Xã Hội