Ngày 20/12/2021, Tổ chức Y tế Thế giới xếp Omicron vào nhóm những biến chủng đáng quan ngại. Tại thời điểm đó, theo Guardian, tiến sĩ Deepak Srivastava, Chủ tịch Viện Gladstone, nhận định đây là “biến chủng tệ nhất mà chúng ta gặp phải cho đến nay”.

“Dựa trên những con số và kiểu đột biến, Omicron là biến chủng tệ nhất từ trước tới nay. Nó được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi vào đầu tháng 11. Hai tuần sau, các trường hợp mới được xác định ở nhiều nơi trên thế giới như Hong Kong (Trung Quốc), Bỉ, Israel”, ông Deepak Srivastava cho biết.

Sự xuất hiện của Omicron mang theo nhiều câu hỏi bỏ ngỏ khác khi giới chuyên gia tiếp tục phát hiện ít nhất 3 chủng phụ. Trong đó, BA.2 nhanh chóng thay thế BA.1 và lây lan trên toàn cầu, mang tới các làn sóng Covid-19 mới.

Nhiều nghiên cứu đã cảnh báo BA.2 có thể sẽ nguy hiểm hơn biến chủng từng được nhận định là “tệ nhất”.

Biến chủng nCoV nguy hiểm nhất từ trước tới nay-1
Người dân đeo khẩu trang ở Medellín, Colombia. Ảnh: IMF/Joaquin Sarmiento.

Các kết quả trái ngược

Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới, tháng 2 ghi nhận tổng cộng 61.000 người chết vì Covid-19. Outbreak thống kê hiện tại, ít nhất 97 quốc gia, vùng lãnh thổ phát hiện ca nhiễm BA.2. Tỷ lệ lây nhiễm trong các ca bệnh mới trên toàn cầu của BA.2 là 4%.

Trung bình trong tuần qua, giải trình tự gene cho thấy 80% mẫu trên toàn cầu là BA.2. Brunei là quốc gia có số ca nhiễm chủng này nhiều nhất, chiếm 50% ca mắc mới mỗi ngày, theo sau là Đan Mạch (23%) và Ấn Độ (18%).

Các nghiên cứu về BA.2 cho thấy nó vừa dễ lây truyền vừa gây tử vong cao hơn BA.1. Chủng này đang nhanh chóng thay thế biến chủng trước đó từ quốc gia này sang quốc gia khác. Số ca mắc mới tăng cao tại châu Âu, châu Á.

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu không đồng nhất. Báo cáo đáng báo động nhất được đưa ra trong một nghiên cứu tại Đại học Tokyo, so sánh BA.1 và BA.2.

Các tác giả kết luận BA.2 khác biệt đến mức nó cần phải được phân loại thành biến chủng mới, tách riêng khỏi Omicron. Họ cũng đánh giá đây là biến chủng nguy hiểm nhất từng xuất hiện trong gần 3 năm thế giới trải qua đại dịch Covid-19.

“Dựa trên những phát hiện mới, chúng tôi đề xuất BA.2 nên được công nhận là biến chủng nCoV duy nhất cần quan tâm lúc này và cần phải theo dõi chuyên sâu”, Kei Sato, Đại học Tokyo, Nhật Bản, tác giả chính, nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhà khoa học Yaneer Bar-Yam, đồng sáng lập Mạng lưới Y tế Thế giới, ủng hộ quan điểm này và đánh giá cao phát hiện từ nhóm chuyên gia Nhật Bản.

Nghiên cứu nhận thấy BA.2 không chỉ dễ lây lan hơn BA.1, nó còn tránh được kháng thể từ vaccine hay miễn dịch của lần mắc trước đó.

Nếu trước đây bạn đã bị nhiễm bởi BA.1, mức độ bảo vệ với BA.2 không còn đủ cao như vậy. BA.2 sẽ bỏ qua khả năng miễn dịch sau khi nhiễm BA.1 và dẫn tới nhiều nguy cơ cao hơn”, vị chuyên gia nói.

Các tác giả cũng phát hiện ở động vật, BA.2 gây thiệt hại nhiều hơn đáng kể, nó đẩy tình trạng nhiễm trùng sâu hơn vào phổi so với chủng Omicron ban đầu.

Những con bị nhiễm BA.2 sẽ bị ốm nặng hơn, chức năng phổi cũng suy kiệt mạnh hơn. Trong khi đó, các mô, phổi chuột lang bị nhiễm BA.2 cũng bị tổn thương nhiều hơn nhóm nhiễm BA.1.

Biến chủng nCoV nguy hiểm nhất từ trước tới nay-2
Bên trong một phòng giải trình tự gene nCoV của Tổ chức Y tế Thế giới. Ảnh: WHO/Nana Kofi Acquah.

Tương tự chủng Omicron gốc, BA.2 có khả năng phá vỡ các kháng thể trong máu của người đã được tiêm vaccine Covid-19. Nó cũng có thể chống lại các kháng thể tự nhiên của người từng nhiễm một số biến chủng khác như Alpha, Delta…

Đặc biệt, BA.2 gần như kháng hoàn toàn một số phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng.

Theo nhà virus học Deborah Fuller, Đại học Y khoa Washington, Mỹ, người không tham gia nghiên cứu, điều này dẫn tới một kết luận rất quan trọng. Đó là BA.2 có vẻ dễ lây lan và gây bệnh nặng hơn Omicron, nhưng nó có thể không gây ra làn sóng lây nhiễm tàn khốc hơn.

Các nghiên cứu khác cũng xác nhận BA.2 đang dần thay thế BA.1. Biến chủng phụ được phát hiện ở 8-10% mẫu giải trình tự gene tại Mỹ.

Ở Đan Mạch, nhóm chuyên gia của Viện Statens Serum (SSI), cơ quan quản lý bệnh truyền nhiễm hàng đầu tại nước này, BA.2 dễ lây truyền hơn BA.1 tới 50%. Trong nghiên cứu tại Tokyo, khả năng lây nhiễm của chủng này tăng 40% so với Omicron ban đầu.

Theo TS Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới, “BA.2 có lợi thế tăng trưởng hơn BA.1. Chúng ta cần giảm tốc độ lây truyền của nó, bởi nếu không, chúng ta sẽ không chỉ thấy nhiều ca nhiễm hơn mà còn là sự leo thang của ca nhập viện, tử vong.

Đặc biệt, ngày càng nhiều người gặp di chứng hậu Covid-19 hơn và tạo cơ hội cho các biến chủng mới xuất hiện”.

Một nghiên cứu của Đại học bang Michigan xem xét hàng loạt phát hiện về BA.2 và kết luận “đây sẽ là biến chủng phổ biến trên toàn cầu bằng cách lây nhiễm cho những quần thể có hoặc không có kháng thể bảo vệ”. Và các số liệu hiện tại trên toàn cầu đã chứng minh cho dự báo này.

Đặc biệt, BA.2 được phát hiện có khả năng kháng vaccine cao hơn 30% so với BA.1 và cao hơn Delta 17 lần. Dòng phụ thứ hai của Omicron có nhiều đột biến hơn BA.1, gồm 4 đột biến đặc biệt trong vùng liên kết thụ thể - khu vực để virus bám vào các tế bào cơ thể.

Theo nghiên cứu khác ở Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, “ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy nguy cơ nhiễm nCoV ở những người được tiêm vaccine là đặc hiệu cho từng biến chủng. Khả năng miễn dịch có thể khác nhau trên từng biến chủng”.

Công trình khác xác nhận điều này và kết luận người đã nhiễm BA.1 không được bảo vệ khỏi nguy cơ nhiễm BA.2.

Biến chủng nCoV nguy hiểm nhất từ trước tới nay-3
Nhân viên y tế bỏ ống tiêm vaccine Covid-19 đã qua sử dụng vào hộp đựng. Ảnh: UNICEF/Vinay Panjwani.

Trái ngược với các cảnh báo trên, theo WHO, dữ liệu ban đầu cho thấy BA.2 “có vẻ dễ lây truyền hơn BA.1 nhưng tỷ lệ lây nhiễm của tất cả biến chủng trên toàn cầu đang có xu hướng giảm”. WHO cũng kết luận BA.2 nên được theo dõi là chủng phụ của Omicron thay vì được đặt tên là biến chủng mới.

Cơ quan này khẳng định: "Chúng tôi không nhận thấy sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng của BA.1 so với BA.2. Vì vậy, độc lực liên quan nguy cơ nhập viện của chúng giống nhau. Điều này rất quan trọng bởi nhiều quốc gia có sự xuất hiện hàng loạt ca nhiễm BA.1, BA.2”.

Trên thực tế, mặc dù số ca mắc Covid-19 tăng vọt ở nhiều nơi, tỷ lệ tử vong lại giảm mạnh. Các khu vực khác báo cáo số ca mắc giảm như đông Địa Trung Hải, dù đã chứng kiến ​​mức tăng 38% số ca tử vong. Tại châu Âu, bệnh nhân mới cũng tăng thêm 2% nhưng số người qua đời không thay đổi.

Dù vậy, vẫn có một số khu vực lượng người qua đời vì Covid-19 tăng cao. Tây Thái Bình Dương là trường hợp điển hình nhất với số ca mắc tăng 25%, số ca tử vong tăng 27% sau mỗi tuần. Châu Phi chứng kiến ​​số ca mắc mới tăng 12% và số ca tử vong tăng 14%.

"Đại dịch vẫn chưa thể kết thúc"

Theo TS Maria Van Kerkhove, yếu tố chính khiến các ca bệnh trên toàn cầu gia tăng đó là BA.2 dễ lây lan hơn.

"Omicron đang lan truyền ở cấp độ rất mạnh trên khắp thế giới. Các dòng phụ của chủng này là BA.1, BA.2, trong đó, BA.2 lây lan nhanh hơn và đây là biến chủng dễ lây truyền nhất mà chúng tôi từng chứng kiến", vị chuyên gia cảnh báo.

Trong 30 ngày qua, hơn 400.000 trình tự gene được lấy mẫu cho thấy 99,9% là Omicron. Đặc biệt, 75% là nhiễm biến chủng BA.2.

“Chúng tôi không thấy sự gia tăng mức độ nghiêm trọng với BA.2. Tuy nhiên, với số lượng lớn các ca mắc mới, số ca nhập viện ngày càng tăng và chúng tôi đã thấy điều này lan từ nước này sang nước khác", TS Van Kerkhove nói thêm.

Chuyên gia của WHO khẳng định đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc như nhiều thông tin đang lan truyền. Omicron hay BA.2 cũng không phải là biến chủng cuối cùng mà chúng ta phải đối mặt.

nCoV vẫn là virus "rất khỏe" và di chuyển dễ dàng. Trong bối cảnh khả năng miễn dịch suy giảm và vaccine không phải "viên đạn bạc" bảo vệ 100%, SARS-CoV-2 có thể tiếp tục lan rộng khắp thế giới.

Theo Zing