Các show hẹn hò lâu nay vẫn thu hút đông đảo người xem. Tại Việt Nam, thể loại này đang thực sự “bùng nổ” và chiếm sóng giờ vàng trên truyền hình, có thể kể đến như Người ấy là ai, Bạn muốn hẹn hò, Hẹn ăn trưa, Vì yêu mà đến, Lựa chọn của trái tim…
Còn ở nước ngoài, những chương trình hẹn hò, yêu đương vốn đã là “đặc sản” của các kênh truyền hình, nay tiếp tục nở rộ nhờ lượng người xem TV tăng mạnh vì đại dịch Covid-19. Đến tháng 5 năm nay, lượng người xem chương trình hẹn hò tại Mỹ tăng 23% so với tháng 12/2019, theo dữ liệu từ Công ty quảng cáo và dữ liệu Peer Logix.
“Trên TV, tình yêu có ở khắp mọi nơi”, tạp chí Variety nhận định về sự phát triển của các show hẹn hò.
Show hẹn hò "Người ấy là ai" đang nhận được nhiều sự quan tâm. Ảnh: NALA.
Từ những chương trình quen thuộc như The Bachelor, Love Island… cho đến những cái tên mới toanh như Labor of Love, Too Hot to Handle, Love Is Blind… đều từng không ít lần bị chỉ trích vì nhà sản xuất dối trá tới thí sinh diễn trò.
Tuy nhiên, bất chấp những scandal giả tạo, gian dối vượt xa tôn chỉ ban đầu là “đi tìm tình yêu đích thực”, show hẹn hò chưa bao giờ hết hot kể từ lần đầu lên sóng vào những năm 1960 tại Mỹ cho tới nay.
Khán giả ngày nay đủ thông minh và tinh tế để biết rằng các show hẹn hò không phản ánh cuộc sống thực và đặt dấu hỏi với những cái kết viên mãn. Thế nhưng, đa số vẫn dán mắt vào màn hình khi chương trình phát sóng, đọc bình luận trên mạng xã hội và hăng say thảo luận sau từng tập.
“Khoái cảm tội lỗi” của người xem
Theo Tiến sĩ Helen Fisher, thành viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinsey và là tác giả của cuốn sách Anatomy of Love (Giải phẫu tình yêu), chủ đề lãng mạn luôn khiến mọi người quan tâm. Chính vì vậy, không có gì lạ nếu khán giả yêu thích các chương trình hẹn hò cũng giống như đam mê tiểu thuyết lãng mạn hay phim tình cảm.
“Những chương trình phóng đại các mối quan hệ thực tế càng thu hút người xem. Về mặt giải trí, nhìn chung nó không khác gì khi ta xem một bộ phim, có mạch truyện và đầy những yếu tố kịch tính”, bà Fisher giải thích.
Cũng giống như một bộ phim, nhiều chương trình hẹn hò thực tế còn xây dựng các tuyến nhân vật chính diện và phản diện. Các nhân vật phản diện giúp cốt truyện dễ theo dõi hơn nhưng nhiều đội ngũ sản xuất đã phóng đại quá mức, làm sai lệch hoàn toàn hình ảnh của thí sinh. Và cách khán giả phản ứng với “kẻ phản diện” đôi khi không thể lường trước.
Jen Hawke, thí sinh của "The Bachelor" năm 2017, từng bị dọa giết. Ảnh: Channel Ten.
Jen Hawke, thí sinh từng vào “vai ác” trong show hẹn hò The Bachelor năm 2017, phiên bản Australia, đã bị dọa giết sau khi chương trình phát sóng. “Mọi người ngoài kia ước gì tôi chết. Tôi đã phải chặn nhiều người dùng trực tuyến liên tục gửi tin nhắn đe dọa”, Hawke nói.
Rob Wade, Giám đốc mảng giải trí thay thế và đặc biệt của Fox Entertainment, từng đưa ra nhận xét: “Trong tất cả thể loại (chương trình truyền hình), tôi nghĩ rằng chương trình hẹn hò là khoái cảm tội lỗi lớn nhất của người xem”.
Theo ông Wade, khán giả của các show hẹn hò vừa muốn đứng ngoài cuộc để bình phẩm, nhận xét về những mối quan hệ yêu đương đầy kịch tính trong chương trình, vừa kín đáo liên hệ nó với chính cuộc sống, tình yêu, bản thân họ ngoài đời thực.
Cách làm này cho phép người xem “vụng trộm trải nghiệm những tình yêu mãnh liệt mà ai cũng muốn có một cách gián tiếp, không lo lắng về rủi ro”.
Học cách cư xử từ show hẹn hò
The Bachelor ra mắt vào năm 2002 tại Mỹ, là chương trình hẹn hò lâu đời nhất còn tồn tại đến nay. Theo Washington Post, dù việc chứng kiến hàng chục cô gái chiến đấu để kết hôn với một chàng trai mà họ chỉ mới quen biết trong khoảng 2 tháng có tồi tệ đến mức nào, thì thương hiệu 18 năm của The Bachelor vẫn không thể phủ nhận.
Các chuyên gia cho rằng tuổi thọ của The Bachelor giải thích tại sao các chương trình hẹn hò vẫn tồn tại và thu hút người xem. Show hẹn hò sống thọ nhất nước Mỹ đã khai thác một cách chuyên nghiệp vào nhu cầu của con người đối với tình yêu và cách tìm kiếm lãng mạn trong thời hiện đại.
Ngay cả khi biết rằng nhà sản xuất đã chỉnh sửa các thước phim thành thể loại họ mong muốn và người chơi chỉ đứng ở đó để "xây dựng thương hiệu cá nhân", khán giả vẫn muốn rút ra những bài học từ các mối quan hệ để áp dụng vào cuộc sống.
Chương trình hẹn hò "The Bachelor" trải qua 24 mùa phát sóng trong 18 năm của Mỹ. Ảnh: The Bachelor.
“Tôi không thể phủ nhận việc xem những chương trình này ảnh hưởng đến cách tôi nghĩ về hẹn hò trong thực tế”, Natasha Scott, cô gái gần như chưa bỏ lỡ tập phát sóng nào của The Bachelor mùa năm ngoái, nói.
Dựa vào lý thuyết nhận thức xã hội, Tiến sĩ Ferris giải thích, chúng ta không ngừng học bằng cách xem và bắt chước những hành vi dẫn đến kết quả thành công. Điều đó bao gồm việc xem xét kỹ lưỡng những kẻ phản diện, người tốt, cặp hạnh phúc và không hạnh phúc trên các chương trình hẹn hò để tự rút ra kinh nghiệm cho mình.
Dựa vào tính cách và đặc điểm mối quan hệ, người xem cảm thấy bị thu hút với những người chơi giống họ. Marisa T. Cohen, nhà tâm lý học đồng thời là tác giả cuốn sách From First Kiss to Forever: A Scientific Approach to Love, nói: “Bạn yêu đơn phương sẽ dễ đồng cảm với nhân vật có trải nghiệm tương tự.
Còn nếu là người trải qua nhiều đổ vỡ, bạn dễ có thiện cảm với những thí sinh như Ashley Ianotti của Bachelor in Paradise, người trải qua vô vàn khó khăn để đến được với chàng trai trong mơ của cô ấy”.
Drama là yếu tố không thể thiếu
Theo The Guardian, các nhà sản xuất thích làm chương trình hẹn hò vì chúng rẻ và dễ sản xuất. Họ cũng không gặp khó khăn trong việc tìm thí sinh vì “mọi người sẽ chớp lấy cơ hội để tìm kiếm tình yêu hoặc danh tiếng”.
Nhưng để giữ chân người xem, ngoài việc nghĩ ra những format độc đáo, mới lạ, các tình tiết drama là yếu tố không thể thiếu.
Không thể phủ nhận những mặt tích cực như tính giải trí, hiệu quả truyền thông của các show hẹn hò phủ sóng giờ vàng nhưng Rori Sassoon, chuyên gia về mối quan hệ và đồng sáng lập dịch vụ mai mối Platinum Poire, cho rằng những chương trình như thế này đang khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, có cái nhìn không thực tế về tình yêu.
The Bachelor, Dating Around và những chương trình tương tự miêu tả hẹn hò là một quá trình chỉ diễn ra trong thời gian ngắn với sự tương tác hạn chế, chớp nhoáng. Việc tìm kiếm bạn đời cũng hời hợt không kém.
Francesca Farago và Harry Jowsey - hai thí sinh từng tham gia show "Too Hot to Handle" - bị tố "giả vờ yêu", chia tay sau một năm hẹn hò. Ảnh: Too Hot to Handle.
“Truyền hình thực tế khuyến khích cái nhìn không thực tế về việc tìm kiếm mối quan hệ trong mơ của bạn. Mọi người bây giờ đưa ra quyết định rất nhanh thay vì dành thời gian tìm hiểu”, bà Sassoon nói.
Thông qua các chương trình và ứng dụng hẹn hò, nhiều người trẻ giờ đây quan niệm yêu đương giống như một “cuộc đua”, theo bà Sassoon.
“Nếu họ thấy các ngôi sao thực tế tìm được tri kỷ của mình trong một tuần, họ nghĩ rằng họ cũng có thể làm được. Không có lãng mạn ở đây. Các ứng dụng và chương trình kiểu 'mì ăn liền' khiến thế hệ Millennials có thể coi hẹn hò là sự thỏa mãn tức thì”.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là khán giả cần ngừng xem các show hẹn hò yêu thích để đưa tư duy lãng mạn của mình đi đúng hướng.
“Bạn chỉ cần nhận thức được rằng truyền hình thực tế bản chất vẫn là những điều rất phi thực tế. Gặp gỡ, hẹn hò một ai đó ngoài đời không giống những gì được tô vẽ trên TV. Hẹn hò giống như một cuộc phiêu lưu, không ai giống ai nên hãy tận hưởng hành trình của riêng mình”, bà Sassoon nói.
Theo Zing