Khi chồng ăn ở thiếu công bằng với nhà vợ, bất cứ phụ nữ nào cũng thấy hụt hẫng, tủi thân. Người chồng trong câu chuyện dưới đây lại không hiểu cho nỗi lòng đó của bạn đời nên vợ anh đã vào mạng xã hội than thở.
Cô kể: "Chồng mình làm thị trường, thu nhập tháng này bù tháng khác cũng được khoảng 25 – 30 triệu. Tuy nhiên vì lương vợ được 6 triệu nên anh chỉ đưa thêm cho mình 6 triệu một tháng nói thế cho công bằng. Khoản còn lại anh ấy giữ, mình không được quyền hỏi tới.
Như vậy, 6 triệu của chồng với 6 triệu lương của mình là 12 triệu, mình chi tiêu phải lựa để dành tiết kiệm 1 phần phòng lúc con ốm đau. Thiếu anh ấy không đưa thêm.
Đối nội đối ngoại 2 bên cũng nằm trong số tiền ấy. Anh biếu xén nhà nội thế nào mình không được phép can dự với lý do đó là tiền riêng của anh. Đối với bên ngoại, anh chưa bao giờ chủ động biếu bố mẹ mình một đồng, kể cả lúc họ ốm".
Bài chia sẻ của người vợ
Chồng quá độc đoán, tính toán với nhà ngoại khiến người vợ luôn cảm thấy cô độc trong cuộc sống hôn nhân. Càng ngày cô càng không thể tìm thấy tiếng nói chung với anh. Tuy nhiên bởi cô càng nhẫn nhịn, anh càng được nước lấn tới, coi thường vợ, sau cùng cô đã chọn cho mình cách hành xử khiến chồng không thể ngờ tới.
"Cuối tuần trước mình về thăm bố mẹ đẻ, thấy máy giặt bên nhà bị hỏng, mẹ phải ngồi giặt tay mà bà bị đau lưng, đứng lên ngồi xuống rất khó. Vậy là mình đặt mua biếu ông bà cái máy mới.
Lúc nhân viên điện máy gọi điện check lại thông tin trước khi giao hàng tới nhà bố mẹ mình, chồng mình đi ngang qua nghe thấy vợ nói chuyện, anh quát tháo bảo vợ dám lộng hành vượt quyền. Không những thế anh còn đay nghiến bảo mình bòn rút tiền tuồn về nhà đẻ.
Ức chế, mình hỏi lại rằng bao nhiêu năm nay, anh ấy biếu xén bên nội ra sao có bao giờ nói với vợ 1 câu mà lại bắt mình phải hỏi ý chồng khi biếu đồ nhà ngoại. Chồng mình lại giở giọng cũ bảo đó là tiền của anh, anh muốn làm gì thì làm.
Vậy là mình đáp lời: 'Tôi cũng biếu bố mẹ tôi bằng tiền của mình, không liên quan tới anh. Tiền chung anh góp với tôi, hàng tháng chi tiêu ra sao, thừa thiếu thế nào anh về tự đối chiếu sổ sách là rõ. Chính miệng anh nói, tôi muốn biếu đồ bố mẹ mình thì tự kiếm tiền để lo giống như anh. Tôi đang làm đúng theo ý anh còn gì, bố mẹ ai người ấy lo, không ai liên quan ai'.
Nói xong mình định đi lên phòng, chồng mình nổi cùn kéo chiếc túi xách trên tay vợ để giữ lại nói chuyện tiếp làm chiếc túi đứt quai, bung khóa rơi xuống, giấy tờ bên trong văng cả ra, trong đó có cuốn sổ tiết kiệm hơn 200 triệu mình mới làm lúc chiều, còn chưa kịp cất.
Chồng mình nhìn sững người hỏi vợ thế là thế nào. Mình thản nhiên bảo: 'Anh cất tiền riêng thì tôi cũng phải có khoản phòng thân cho mình chứ'.
Cũng bởi chồng đề phòng, coi thường vợ nên bao lâu nay mình cố gắng làm thêm làm nếm để có khoản tiết kiệm riêng, vừa phòng thân vừa lo cho bố mẹ đẻ. Mình cũng tuyên bố rõ, nếu anh muốn sống theo kiểu ai lo thân người ấy, mình cũng sẽ vui vẻ chấp nhận. Chồng mình nhìn vợ thế mặt tím lại không nói được gì hơn".
Nhà ngoại bị chồng đối xử thiếu công bằng, bất cứ người vợ nào đứng giữa cũng thấy áp lực, bất bình. Khi đi làm dâu, phụ nữ đã phải chịu thiệt thòi, họ thay chồng chăm lo cho gia đình nhà nội, bản thân nhà đẻ lại không thể thường xuyên về săn sóc.
Lẽ ra là chồng, cánh mày râu nên hiểu để cùng vợ quan tâm tới nhà ngoại nhiều hơn. Ngược lại, anh chồng trong câu chuyện trên không những không hiểu cho nỗi lòng của vợ còn coi thường cả vợ cũng như gia đình cô nên khó tránh khỏi việc vợ anh có phản ứng quyết liệt như vậy.
Theo Pháp luật và bạn đọc