Chị Phương quê ở Thanh Hóa, lấy chồng Hải Phòng đã được 5 năm.
Làm dâu đã 5 năm, chị Lê Thị Hà Phương (31 tuổi) cho biết chưa từng phải nấu nướng hay động tay vào việc bếp núc. Sự “nuông chiều” này có được là nhờ bố mẹ chồng hết mực yêu thương, chia sẻ, đặc biệt là bố chồng - đầu bếp chính trong nhà.
Bà mẹ một con chia sẻ, quê chị ở Thanh Hóa, từ khi về Hải Phòng làm dâu, chị rất ngạc nhiên với chuyện đàn ông vào bếp, đặc biệt là các dịp giỗ chạp, lễ, Tết. “Phụ nữ chỉ cần rửa bát, dọn dẹp và nhặt hành tỏi, làm việc vặt” – Phương chia sẻ.
Chị cho biết, do làm việc ở sân bay, phải làm ca kíp nên chị không thường xuyên vào bếp được dù bản thân cũng là người đam mê nấu nướng. “Thường tôi đi làm rất sớm và về rất muộn khi cả nhà chưa ai dậy hoặc đã đi ngủ, nên bố mẹ rất hiểu và thông cảm, cho tôi ngủ thoải mái”.
“Hiện tại, bố chồng tôi là người nấu ăn cho cả nhà. Bố nấu ăn rất ngon, hay được mọi người tín nhiệm giao làm đầu bếp chính trong các ngày lễ, Tết hoặc ngày quan trọng của anh em, họ hàng”.
Những mâm cơm giản dị nhưng đủ chất do bố chồng chị Phương nấu.
Những mâm cơm ngon mắt do bố chồng nấu được chị Phương đăng lên mạng xã hội, khiến hội chị em trầm trồ, dành những lời khen cho “ông bố chồng quốc dân”. Một số người tỏ ra “ghen tị” với “cô con dâu hạnh phúc nhất thế giới”.
Cách đây hơn 2 năm, loạt mâm cơm ở cữ của chị Phương do bố chồng nấu cũng “làm mưa làm gió” trên một diễn đàn dành cho phụ nữ. Tất cả chị em đều khen ngợi những mâm cơm bắt mắt, đủ dinh dưỡng của bố chồng nấu cho con dâu.
Chị Phương kể, những ngày đầu sau sinh vẫn còn đau, đi lại bất tiện, bố chồng bê mâm cơm lên tận phòng cho con dâu. “Tin nhắn của bố gửi cho tôi lúc nào cũng là ‘con ơi, xuống ăn cơm nhé'.
Việc bố nấu ăn không chỉ thể hiện tình yêu thương của bố dành cho gia đình mà còn tạo ra không khí ấm cúng cho cả nhà. Tôi rất thích điều này và biết ơn tình cảm của bố mẹ, của em chồng dành cho mình rất nhiều. Thực sự, tôi phải có phúc lắm mới được làm con của bố mẹ”.
Trước đây, chị từng lo lắng việc sống chung với bố mẹ chồng. Nhưng sau này, khi ở cùng, “tôi thấy bố mẹ rất cởi mở và hiền lành, không bao giờ nói ra nói vào con dâu. Bố mẹ rất hiểu và tâm lý với con dâu. Suốt 5 năm làm dâu, tôi chưa từng có bất cứ mâu thuẫn nào với bố mẹ chồng”, chị kể.
Bố chồng chị Phương là người chăm lo bữa cơm cho cả nhà.
Nàng dâu cho biết, ngoài bố mẹ chồng, nhà chị còn có một cô em chồng. Với chị Phương, em chồng giống như một người bạn, sống rất hòa thuận và nhường nhịn.
“Trước kia, khi vợ chồng tôi chưa cưới nhau, chỉ mới là người yêu, khi về ra mắt, em chồng đã tiến tới và ôm chầm lấy tôi. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự ấm áp từ cô bé. Sau đó, khi tôi phải quay lại Cam Ranh để làm việc, em ấy nhiều lần vào chơi và mang rất nhiều đồ ăn từ bố mẹ chồng gửi vào cho tôi. Tôi rất biết ơn về điều đó!”.
Chị Phương cho rằng, để chung sống hòa thuận trong một gia đình nhiều thế hệ, yếu tố quan trọng nhất là cả hai bên phải thấu hiểu và thông cảm cho nhau.
Một số mâm cơm bố chồng chị Phương nấu cho cả nhà:
Bố chồng chị Phương được hội chị em gọi là "ông bố chồng quốc dân".
Theo VietNamNet