Cân nhắc thận trọng nguyện vọng 1
Tại Ngày hội tuyển sinh, hàng loạt câu hỏi được thí sinh và phụ huynh chất vấn các chuyên gia.
Phụ huynh đến từ Hà Nội cho biết, con mình yêu thích công nghệ thông tin, muốn thi vào ĐH Ngoại thương và cả ĐH Bách Khoa Hà Nội nhưng hiện nay gia đình đang rất "lùng bùng" về việc đăng ký xét tuyển, về cách đặt các nguyện vọng ra sao để tránh nhầm lẫn trên hệ thống.
Về điều này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng theo ngành, đây là điểm mới của năm nay.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT (Ảnh: Lê Vân).
Theo bà Thủy, điều chỉnh về mặt kỹ thuật này tránh cho thí sinh không bị nhầm lẫn khi phải đăng ký nguyện vọng vào nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển khác nhau.
Chẳng hạn thí sinh muốn đăng ký vào ngành công nghệ thông tin thì chỉ cần đăng ký mã ngành, trường mà không cần đăng ký tổ hợp, phương thức xét tuyển nào.
Thí sinh chỉ cần nhập lên hệ thống các minh chứng cần thiết (ngoài dữ liệu điểm THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT cập nhật sẵn). Phần mềm sẽ xử lý để xác nhận thí sinh trúng tuyển vào một nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất mà thí sinh đủ điều kiện đỗ.
Thí sinh sau khi đăng ký xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển và các minh chứng để xét tuyển cần thiết lên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (cao nhất là nguyện vọng 1).
Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh sẽ không được xét tiếp nguyện vọng 2, 3. Đây là quy định để thí sinh có khả năng trúng tuyển vào nguyện vọng mình yêu thích nhất, nhường cơ hội còn lại cho các thí sinh khác cũng như thuận tiện trong việc lọc ảo.
Do vậy khuyến cáo của chuyên gia này, thí sinh nên thận trọng cân nhắc nguyện vọng kỹ trước khi đặt bút đăng ký.
Thí sinh đến từ Nam Sách, Hải Dương tìm hiểu tuyển sinh năm 2023 tại Hà Nội (Ảnh: M.Hà).
Lưu ý những điểm mới khi xét tuyển đại học
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy chia sẻ thêm, với mức độ ổn định cao của kỳ thi tốt nghiệp THPT, công tác xét tuyển vào đại học, cao đẳng 2023 cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý một số điểm mới, có hiệu lực năm 2023.
Cụ thể, năm 2023, Bộ GD&ĐT tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của quá trình tuyển sinh.
Từ quá trình đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, đến đăng ký xét tuyển nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng xét tuyển hay nhập học đều hoàn toàn là trực tuyến.
Việc ứng dụng như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh truy cập vào hệ thống bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu.
Trả lời câu hỏi của một phụ huynh về việc giảm điểm ưu tiên được áp dụng đầu tiên trong năm nay, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, điểm ưu tiên khu vực của các thí sinh sẽ được áp dụng có hiệu lực trong 2 năm liên tiếp từ năm thí sinh tốt nghiệp THPT.
Thứ hai, cộng điểm ưu tiên (khu vực và đối tượng) vào điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc các kết quả khác để xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ có điều chỉnh giảm dần tuyến tính khi các em đạt được mức điểm giỏi từ 22,5 trở lên.
Sở dĩ như vậy vì theo lý giải của bà Thủy, chính sách điểm ưu tiên nhằm tăng cường tiếp cận giáo dục đại học đối với các con em ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó.
Thí sinh được nhân viên Trường ĐH Thăng Long tư vấn tuyển sinh (Ảnh: M.H).
Thế nhưng khi thí sinh đó đã thực sự giỏi, đạt đến mức điểm xuất sắc, điểm cao, các em phải cạnh tranh với các bạn giỏi ở trên toàn quốc, nghĩa là các bạn đã sẵn sàng chuẩn bị cho việc cạnh tranh với thế giới, với khu vực chứ không phải chỉ ở thị trường Việt Nam.
Về câu hỏi của một phụ huynh khi con trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm vào một trường và được tư vấn nên đặt nó là nguyện vọng nhưng đây lại không phải nguyện vọng thí sinh và gia đình mong muốn nhất thì phải làm sao?
Bà Nguyễn Thu Thủy cho rằng, thí sinh không bắt buộc phải đặt ưu tiên nguyện vọng 1 với nguyện vọng xét tuyển sớm.
Nếu các cơ sở đào tạo tư vấn như vậy với thí sinh thì các cơ sở đã làm sai quy định của Bộ GD&ĐT.
Các em có thể đặt nguyện vọng 1 ở bất cứ phương thức xét tuyển nào mà mình đỗ.
Khi hệ thống xét tuyển từ trên xuống theo thứ tự ưu tiên, thí sinh đỗ ở nguyện vọng nào thì sẽ dừng lại ở đó.
Riêng các khối trường công an, quân đội chỉ tuyển sinh nguyện vọng 1. Vì thế nếu thí sinh muốn dự tuyển vào trường quân đội thì trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD&ĐT phải để nguyện vọng vào các trường quân đội ở nguyện vọng 1.
Theo Dân trí