Ngày 23/11, Fonseka Wannerichega Hema Ranjini (44 tuổi, người Singapore) nhận kết án về hai tội danh lừa đảo và một tội giả mạo, sau khi làm bằng đại học giả để lừa ít nhất 5 công ty từ năm 2005 đến năm 2021.

Theo AsiaOne, Fonseka từng là sinh viên Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) Singapore vào năm 1998. Do gặp khó khăn trong việc học tập và không thể trả học phí, cô quyết định bỏ học vào tháng 8/2004.

Năm 2005, Fonseka sử dụng một phần mềm để thiết kế bằng cử nhân loại xuất sắc của Đại học Công nghệ Nanyang, sau đó in lên giấy bìa cứng và ép lại để cho ra tấm bằng giả mạo hoàn chỉnh.

Bỏ học giữa chừng, người phụ nữ làm giả bằng tốt nghiệp và lừa 5 công ty-1
Với tấm bằng giả, Fonseka lừa ít nhất 5 công ty từ năm 2005 đến năm 2021 (Ảnh: The Straits Times).

Nhờ tấm chứng chỉ giả, Fonseka được tuyển dụng vào nhiều công ty lớn và nhận về mức lương khá cao. Tháng 8/2005, cô được nhà xuất bản Marshall Cavendish thuê làm trợ lý quản lý biên tập với lương hàng tháng là 4.200 USD (khoảng 102 triệu đồng).

Tháng 7/2015, Fonseka gia nhập nhà xuất bản Scholastic Education International với tư cách là biên tập quản lý trợ lý, kiếm được 4.300 USD (khoảng 104 triệu đồng) mỗi tháng.

Cô được thăng chức làm biên tập quản lý một năm sau đó và được trả 4.600 USD (khoảng 111 triệu đồng) mỗi tháng.

Tòa án cho biết, người phụ nữ 44 tuổi bị sa thải khỏi công ty vào đầu năm 2017 do hiệu suất công việc không đạt yêu cầu. Trong thời gian làm việc cho Scholastic Education International, Fonseka nhận được tổng cộng 83.800 USD (hơn 2 tỷ đồng) tiền lương.

Đến năm 2021, Fonseka nộp đơn xin việc tại công ty The Walt Disney và được tuyển dụng làm biên tập học thuật trong bộ phận xuất bản từ tháng 6 đến tháng 12/2021.

Tại đây, cô được nhận mức lương 6.800 USD (165 triệu đồng) và khoản hỗ trợ chi phí di chuyển 1.084 USD (khoảng 26 triệu đồng), đưa tổng thu nhập lên 7.884 USD (hơn 191 triệu đồng) mỗi tháng.

Bỏ học giữa chừng, người phụ nữ làm giả bằng tốt nghiệp và lừa 5 công ty-2
Fonseka có thể phải nhận mức án tù 7 năm cho tội danh giả mạo tấm bằng (Ảnh: Getty).

Hành vi phạm tội của Fonseka bị phát hiện khi Walt Disney gửi tấm bằng giả cho nhà cung cấp bên thứ 3.

Sau khi xác nhận rằng trường NTU không trao tấm bằng nào cho Fonseka, bộ phận nhân sự của Walt Disney yêu cầu cô giải thích về chứng chỉ kỳ lạ của mình.

Đáp lại, Fonseka xác nhận, cô rời trường vào năm cuối cùng của khóa học và nhận được một chứng chỉ để chứng minh rằng cô từng học tại trường NTU.

Đến tháng 10/2021, một nhân viên của trường báo cảnh sát về tấm bằng giả của Fonseka, dẫn đến việc cô từ chức ở Walt Disney vào cuối năm 2021. Trong khoảng thời gian làm việc, công ty Walt Disney đã trả cho cô khoảng 47.300 USD (khoảng 1,1 tỷ đồng) tiền lương.

Với tội lừa đảo, Fonseka có thể bị phạt tiền và phạt tù lên đến 3 năm. Đối với tội danh làm giả bằng, người phụ nữ đến từ Singapore có thể phải nhận mức án tù 7 năm.

Theo Dân Trí