Thu nhập từ nấu cỗ cao hơn làm kế toán
Tại các thành phố lớn, người lao động bận rộn với công việc dịp cuối năm. Hơn nữa, những ngày rằm tháng Chạp, cúng ông Công, ông Táo đều rơi vào ngày trong tuần, vì vậy, nhiều người đã tìm đến dịch vụ nấu mâm cỗ thuê.
Dù không cầu kì chuyện cỗ bàn, song ai cũng quan niệm rằng, mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo cũng phải đầy đủ, tươm tất. Để giảm bớt áp lực, không ít các bà nội trợ đã tìm đến đặt hàng các món chế biến sẵn.
Nắm bắt được tâm lý trên, sau khi sinh con thứ ba, chị Hà Thúy Tùy (Hoài Đức, Hà Nội) quyết định nghỉ làm kế toán cho một công ty ở quận Đống Đa (Hà Nội). Với khả năng nấu nướng của mình, chị chuyển hướng bán đồ ăn sáng, tối phục vụ cư dân ở chung cư chị đang sinh sống.
Bên cạnh đó, chị cũng nhận nấu những mâm cỗ cúng theo yêu cầu của các gia đình. Từ đầu tháng Chạp đến nay, chị liên tục nhận được những yêu cầu đặt hàng gà luộc, nem rán hay cả mâm cỗ cúng.
Chị Tùy đang chuẩn bị mâm cỗ cho khách cúng trưa 23 tháng Chạp (Ảnh: Hoa Lê).
"Tôi chủ yếu nấu cỗ phục vụ người ở chung cư và khu vực lân cận. Dịp này, tôi phải thuê thêm 2 người phụ bếp mới kịp các đơn hàng", chị Tùy tâm sự.
Theo chị Tùy, phần lớn chị em công sở đều đặt sẵn gà luộc, nem rán và một số món ăn nấu nướng mất nhiều thời gian, phức tạp. Sau đó, các chị em sẽ làm thêm một số món dễ làm.
Trung bình mỗi ngày chị Tùy nhận luộc 20-25 con gà. Loại gà được dâng hương phải là gà quê, yêu cầu buộc cánh tiên, mỗi con có giá 400.000-500.000 đồng.
Nếu khách hàng đặt cả mâm cỗ, các món ăn sẽ do gia đình đặt hàng trước rồi chị Tùy sẽ chế biến theo nhu cầu của họ. Thông thường, trong mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo gồm một con gà luộc, nem rán, tôm hấp, món xào, canh... có giá 900.000-1.200.000 đồng.
Những ngày cuối năm, dù phải tất bật từ sáng đến tối, cả ngày ngập trong mùi hương đồ ăn xào, nấu, nhưng bù lại, chị Tùy cũng kiếm được 1-2 triệu đồng. Sau khi hoàn thành mâm cỗ, chị phải gói ghém cẩn thận, giao hàng ngay cho khách hàng kịp giờ cúng bái.
Chuyển sang công việc nấu bếp, chị cho biết thu nhập cao hơn gấp nhiều lần so với làm nhân viên kế toán. Bên cạnh đó, thời gian làm việc có thể linh hoạt, tự do hơn.
Nhận đơn hàng không xuể
Làm nghề nấu cỗ thuê được hơn 20 năm, chị B.T.P. (ở Thanh Xuân, Hà Nội) cũng rất tất bật trong những ngày cuối năm. Gia đình chị gần chục người xúm tay vào nấu nướng, mỗi người phụ trách một công đoạn để đảm bảo món ăn ngon, hấp dẫn, sạch sẽ để giao đến tay khách hàng.
Chị P. cho biết, những năm trước đây, nhiều gia đình ưa chuộng những món mới như gà ủ muối, chim câu hầm, giò hoa, tôm sú chiên trứng muối, chân giò chiên giòn... Những mâm cỗ này có giá lên đến 2-3 triệu đồng.
Song, gần đây, các gia đình lại có xu hướng làm mâm cỗ bình dân với những món truyền thống như gà quê luộc, giò bò quê, xôi nếp quê, miến dong xào, giò bê, nem rán... với giá 1-1,3 triệu đồng.
Nhiều gia đình đặt mâm cỗ nấu sẵn dịp cuối năm (Ảnh: NVCC).
Để phục vụ khách hàng khó tính, chị P. sẽ đưa ra nhiều thực đơn khác nhau để khách lựa chọn. Nhiều gia đình kỹ tính họ sẽ yêu cầu làm các món cụ thể khác nhau. Riêng ngày 23 tháng Chạp, gia đình chị chuẩn bị 30 mâm cỗ giao cho khách hàng.
Sau khi sơ chế nguyên liệu, nấu nướng, gia đình phải đóng gói cẩn trọng để đảm bảo đồ ăn tươi ngon trong quá trình di chuyển. Bên cạnh đó, những mùa cưới hỏi, dịp cuối năm cũng là lúc gia đình chị bận rộn với việc nấu cỗ cúng. Đây là thời điểm cho doanh thu tốt nhất cả năm.
Không chỉ dịp Tết ông Công, ông Táo, gia đình chị P. sẽ nhận đặt cỗ đến Tết Nguyên đán. Chỉ khi nào khách hàng hết nhu cầu, bếp nhà chị mới chính thức nghỉ Tết.
Theo Dân Trí