"Không phải thi bắt buộc, học sinh sẽ không học nữa"
Chị Phan Thanh Huyền (42 tuổi, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) không đồng tình với phương án bỏ thi ngoại ngữ bắt buộc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
"Tôi thấy phương án thi này sẽ làm cho giáo dục ngoại ngữ giật lùi", chị Huyền bày tỏ.
Chị Huyền có con trai sinh năm 2006, sẽ thi tốt nghiệp THPT vào năm 2024, trước khi kỳ thi này đổi mới cách khảo thí. Điều chị lo lắng là các lứa học sinh sinh năm 2007 trở đi sẽ không còn xem tiếng Anh là môn quan trọng để dành thời gian học tập một cách nghiêm túc.
Học sinh tiểu học tại huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, học tiếng Anh trực tuyến với các giáo viên từ Hà Nội (Ảnh: Nhà trường).
"Khi không phải bắt buộc thi tiếng Anh, học sinh sẽ xem tiếng Anh như mấy môn đang bị gọi là môn phụ, học cho xong, học lấy điểm cho đủ môn, nhất là các trường ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khi không phải bắt buộc thi tiếng Anh.
Việc dạy và học tiếng Anh vốn đã kém chất lượng nay sẽ càng trở nên hình thức, đối phó. Các cháu nông thôn sẽ ngày càng thiệt thòi khi không có ngoại ngữ, mất công cụ quan trọng để cạnh tranh trên thị trường lao động trong tương lai.
Nhìn tình trạng các môn học như lịch sử, địa lý, tin học, công nghệ, giáo dục kinh tế và pháp luật… sẽ thấy, học sinh nếu không thi thì cũng sẽ không học. Đó là thực tế", chị Huyền nêu quan điểm.
Cùng suy nghĩ, chị Nguyễn Thanh Loan (40 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) lo ngại học sinh vốn thiếu động lực học ngoại ngữ nay càng có lý do chính đáng để "buông".
Giáo viên kiểm tra kỹ năng nghe - nói tiếng Anh của học sinh (Ảnh: Nhà trường).
"Ngoại trừ những học sinh dùng tiếng Anh để xét tuyển đại học, hay được gia đình định hướng học ngoại ngữ từ sớm, tôi tin các cháu khác sẽ không học tiếng Anh.
Những kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây, điểm thi tiếng Anh ở khu vực nông thôn và khu vực thành thị chênh lệch khá lớn. Tiếng Anh có nhiều điểm liệt nhất trong các môn thi.
Giờ bỏ thi tiếng Anh bắt buộc, ai có lợi thế vẫn có lợi thế, ai yếu thế thì càng yếu thế hơn. Học sinh nông thôn vốn thiếu thốn cả điều kiện lẫn động lực học ngoại ngữ nay có lý do chính đáng để 'buông'.
Tôi còn lo ngại các nhà trường sẽ không tích cực hỗ trợ, thúc đẩy học sinh học tiếng Anh nữa. Chất lượng giáo viên tiếng Anh ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa liệu có bị thả lỏng hay không với việc bỏ thi ngoại ngữ bắt buộc này?", chị Loan đặt câu hỏi.
Đừng lấy thi cử làm công cụ thúc ép học sinh phải học
Cô H.B.M, giáo viên hóa học THPT tại Thanh Hà, Hải Dương, chia sẻ, học sinh của cô rất vui khi nhận thông tin về phương án thi tốt nghiệp THPT 2025.
Phần lớn học sinh của cô M. học định hướng khoa học tự nhiên, dùng tổ hợp khối A (toán, vật lý, hóa học) để xét tuyển đại học. Phương án thi mới giảm số môn thi, qua đó giảm áp lực cho các em.
"Nhiều học sinh của tôi học khá tiếng Anh, dễ dàng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT nếu phải thi tiếng Anh bắt buộc. Tuy nhiên khi không phải thi tiếng Anh, các em được tập trung hơn cho 3 môn chính thuộc tổ hợp xét tuyển, chỉ cần học thêm một môn ngữ văn", cô M. cho hay.
Theo cô M., phương án thi mới có cả ưu điểm và nhược điểm với học sinh nông thôn. Ưu điểm là giảm tải, giảm chi phí học hành của các gia đình. Nhược điểm là có nguy cơ kéo mặt bằng trình độ ngoại ngữ của học sinh xuống thấp hơn.
Học sinh thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).
"Khi tiếng Anh là môn thi bắt buộc, học sinh phải đi học thêm tiếng Anh vì lo lắng học chính khóa tại trường không đủ kiến thức để thi. Học tiếng Anh để thi khác với học tiếng Anh để sử dụng trong đời sống, nên dù học bắt buộc để thi bắt buộc, các em vẫn yếu khả năng sử dụng.
Chính vì thế, việc dồn nhiều thời gian, tiền bạc vào học tiếng Anh chỉ vì nó là môn thi bắt buộc gây tốn kém, áp lực với học sinh nông thôn mà hiệu quả thực chất thì không có.
Khi tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc, học sinh nào có nhu cầu thi đại học hoặc học ngành nghề liên quan sẽ chọn. Còn những học sinh chỉ có mục đích tốt nghiệp sau đó đi lao động phổ thông sẽ không chọn. Tôi cho rằng như thế là hợp lý với năng lực và định hướng nghề của học sinh bậc THPT.
Tuy nhiên nhược điểm của việc bỏ thi tiếng Anh bắt buộc là những học sinh vốn gặp khó khăn với tiếng Anh sẽ không học nữa, vô tình mất đi cơ hội làm việc, thăng tiến trong tương lai.
Do đó, tôi nghĩ câu chuyện căn cơ không nằm ở việc tiếng Anh là môn thi bắt buộc hay lựa chọn, mà ở việc cần nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ trong nhà trường ở các vùng nông thôn. Phải có giải pháp chiến lược cho việc này.
Còn thi bắt buộc ngoại ngữ thêm 5-10 năm nữa mà cách thức dạy và học vẫn như hiện nay thì không có gì thay đổi cả", cô M. nói.
Ông Đào Chí Mạnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hội Hợp B, Vĩnh Phúc - cho rằng không có phương án thi hoàn hảo nhất, chỉ có phương án phù hợp nhất. Ông Mạnh đánh giá phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 là phù hợp.
"Ngoại ngữ là môn học rất cần thiết. Nhưng việc thi bắt buộc hay bỏ thi bắt buộc không liên hệ nhiều lắm tới chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
Có không ít nhận định cho rằng việc dạy ngoại ngữ hiện nay thiên về năng lực thi cử thay vì năng lực sử dụng ngôn ngữ. Cũng như chúng ta vẫn đang lấy thi cử làm công cụ thúc ép học sinh phải học thay vì đưa việc học thành nhu cầu nội tại của con trẻ.
Tôi cho rằng, phụ huynh và học sinh cần thay đổi suy nghĩ về mục đích của học tập. Quan niệm không thi thì không học, môn nào không thi môn ấy là môn phụ không cần phải học là quan niệm sai lầm.
Để nâng cao năng lực ngoại ngữ, ngoài việc thay đổi mục đích học từ thi cử sang sử dụng thì cũng cần thay đổi cách xếp loại đánh giá trong nhà trường theo hướng đánh giá năng lực.
Ngoài ra, việc xét công nhận tốt nghiệp THPT không chỉ căn cứ vào kết quả kỳ thi mà còn xét kết quả học tập của học sinh trong 3 năm phổ thông. Do vậy, không cần quá lo ngại về việc nếu không thi ngoại ngữ thì học sinh sẽ không học", ông Mạnh chia sẻ quan điểm.
Theo Dân Trí