Tại hội thảo kết nối mạng lưới quản lý đa kênh (MCN), các công ty truyền thông và nhà sáng tạo nội dung trên mạng (KOLs) do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) ngày 27/5, Cục trưởng Lê Quang Tự Do cho biết, sau khi tổ chức đoàn kiểm tra TikTok, nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh tương lai của nền tảng cũng như số phận của giới sáng tạo nội dung trong thời gian tới.
Theo ông Do, câu trả lời phụ thuộc vào mức độ hợp tác giữa ba bên gồm nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, các KOLs và các MCN/ công ty truyền thông.
Ông Do cho biết TikTok có thể bị cấm nếu không hợp tác: "Nếu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới không hợp tác với cơ quan quản lý Nhà nước thì sẽ bị ngăn chặn hoạt động tại Việt Nam. Nếu TikTok không hợp tác với Chính phủ, với cơ quan quản lý trực tiếp là Bộ TT-TT thì chắc chắn nền tảng này sẽ bị cấm”.
Cũng theo lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT, nhận thức và thái độ của các nền tảng rất quan trọng. Từng có thời gian nhiều nền tảng tự cho rằng có tiêu chuẩn cộng đồng toàn cầu riêng, không tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại vì là tập đoàn đa quốc gia.
Ông Do lưu ý, TikTok vẫn được tạo điều kiện hoạt động nếu hợp tác và tuân thủ quy định pháp luật.
(Ảnh minh hoạ từ Internet)
Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ thay đổi hình thức xử phạt hành chính từ gộp sang chia nhỏ. Ví dụ một nội dung vi phạm lặp lại 10 lần sẽ bị phạt tương ứng 10 lần thay vì một lần.
Đáng chú ý, từng có nghệ sỹ quảng cáo sai sự thật, bị xử phạt tối đa 50 triệu đồng và cho rằng số tiền trên không đáng so với lợi nhuận từ hoạt động quảng cáo nên sẵn sàng nộp.
Tuy nhiên, Bộ TT-TT còn chế tài khác như hạn chế cơ hội tiếp cận với công chúng của nghệ sĩ vi phạm. Đây là chế tài quan trọng nhất trong khi hình thức phạt tiền chỉ là bước đầu.
Theo Tiền Phong