Vào trận gặp ĐT Singapore với 6 điểm có được sau khi gặp Lào và Malaysia, ĐT Việt Nam có hiệu số bàn thắng thua là 9, vượt trội so với Singapore với 3 bàn.

Xem ĐT Singapore thi đấu với 2 đối thủ yếu là Myanma và Lào, ta thấy thực lực của Singapore không mạnh. Họ rất khó khăn để ghi được bàn thắng vào lưới đội Lào.

Các miếng chiến thuật để tấn công, gây sức ép của họ cũng đơn điệu. Họ không có 1 cầu thủ tấn công hoặc tổ chức tấn công thật sự xuất sắc.

Ở hàng phòng ngự, khả năng chống phản công của các cầu thủ Singapore cũng không tốt. Họ pressing không tốt, đã rất lúng túng và không chắc chắn trước các đường phản công của ĐT Myanma. 1 trong số các tình huống đó, Myanma đã ghi bàn.

Rõ ràng bước vào trận đấu này, thực lực giữa ĐT Việt Nam là mạnh hơn ĐT Singapore. Và thực tế trận đấu cũng diễn ra như vậy.

Trong khi ĐT Việt Nam muốn giành chiến thắng thì mục tiêu của ĐT Singapore thực dụng hơn, họ chỉ cần 1 trận hòa trước ĐT Việt Nam, và như vậy họ sẽ có lợi thế so với Malaysia trong cuộc đua vào bán kết.

Và thế trận diễn ra đúng với tương quan và bối cảnh như vậy. Cả trận ĐT Việt Nam miệt mài tổ chức tấn công.

Các tình huống bóng chủ yếu ở trên sân ĐT Singapore. ĐT Việt Nam kiểm soát thế trận, gây sức ép, dồn các cầu thủ Singapore về khu vực cấm địa của họ, nhưng không làm sao ghi được bàn thắng.

Bộc lộ điểm yếu trong hệ thống chiến thuật của HLV Park Hang-seo?-1
ĐT Việt Nam bế tắc trong việc tìm đường vào khung thành Singapore. Ảnh: LĐ

Với rất nhiều điều chỉnh nhân sự ra sân so với đội hình các trận trước, như thay toàn bộ hàng tiền đạo bằng Văn Quyết và Tuấn Hải, hàng tiền vệ với Hồng Duy, Đỗ Hùng Dũng, Châu Ngọc Quang, Tuấn Anh, Vũ Văn Thanh, đây giống với một thử nghiệm đội hình hơn là một nỗ lực quay vòng cầu thủ để giữ sức cho các trận sau.

Nhưng sự bất lực trước hàng phòng ngự và không ghi được bàn thắng vào lưới ĐT Singapore trong suốt hiệp 1 làm người xem có cảm giác đây là một thử nghiệm thất bại.

Sau đó, dần dần, HLV Park Hang-seo thay tất cả các quân bài tấn công hay nhất của mình vào sân đấu, từ Quang Hải, Hoàng Đức, Tiến Linh … nhưng tình hình không được cải thiện, họ cũng không làm sao ghi bàn được vào lưới ĐT Singapore dù luôn kiểm soát bóng và gần như chỉ đá trên sân đối phương.

Xem trận đấu này là ta liên tưởng tới trận Chung kết Tiger Cup 1998 trên sân hàng đẫy, đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Alfred Riedl đã để thua đối thủ Singapore trong thế trận lấn lướt.

Nhưng thực ra trận này giống với trận ở SEA Games 31 hơn, khi U23 Việt Nam của HLV Park Hang–seo bị các cầu thủ U23 Philippines cầm hòa.

Các cầu thủ U23 Việt Nam khi đó cũng đã bất lực trước U23 Philippines tử thủ trước cầu môn.

Với 2 trận đấu này, có thể nói HLV Park Hang-seo đã tỏ ra khá bế tắc khi phải đặt mục tiêu giành trước các đối thủ có lối đá tử thủ, nhất là khi các đối thủ đó có hàng phòng ngự gồm các cầu thủ có chiều cao và chơi bóng bổng tốt như U23 Philippines và ĐT Singapore.

Bộc lộ điểm yếu trong hệ thống chiến thuật của HLV Park Hang-seo?-2
ĐT Việt Nam cần cải thiện nhiều ở các mảng miếng tấn công. Ảnh: LĐ.

Trở lại trận đấu, khi có Quang Hải và Hoàng Đức trên sân, các đường phối hợp của ĐT Việt Nam hay hơn, nhuyễn hơn, nhưng cũng chỉ dừng ở mức đưa bóng vào vòng 16m50 phối hợp thôi, họ không tạo ra được khoảng trống để có thể tung chân dứt điểm.

Trong một không gian hẹp như vậy, luôn có một cầu thủ Singapore có mặt kịp thời để chắn mặt hoặc phá bóng.

Nhìn ĐT Việt Nam thi đấu, ta thấy rất giống với bế tắc mà ĐT Tây Ban Nha gặp phải khi đối đầu và thất bại trước ĐT Maroc ở World Cup 2022. Miệt mài phối hợp, cầm bóng chuyền ban rất nhiều, và chỉ có vậy.

Các đường chuyền bổng vào trung lộ của các cầu thủ Việt Nam không gây được nhiều khó khăn cho hàng phòng ngự có chiều cao tốt của Singapore.

Khi đối phương co cụm trước cầu môn, phối hợp nhỏ không khoan phá được, lật bóng bổng cũng không có kết quả, các cầu thủ Việt Nam gặp bế tắc.

Trong tình huống này, có một giải pháp mà ĐT Thái Lan làm rất giỏi, đó là sút xa. Trong trận này, các cầu thủ Việt Nam rất ít sút xa, mặc dù mỗi khi làm vậy, họ đều tạo ra được sự nguy hiểm.

Hiệp 1 là sút sút của Đỗ Hùng Dũng, bóng đi chệch cột gôn bên trái, hiệp 2 là cút sút của Hoàng Đức, bóng đập cột gôn bên phải.

Thực tế, sút xa cũng có mặt trái, đó là nếu không thành công sẽ dẫn đến tình huống mất kiểm soát bóng. Có thể HLV Park Hang–seo không muốn điều đó, ông muốn các cầu thủ của ông luôn kiểm soát được bóng và không khuyến khích họ sút xa.

Nhưng trong khi đối phương thực hiện lối đá co cụm trước cầu môn, việc đôi khi để cho họ kiểm soát bóng cũng không phải là vấn đề lớn.

Và rõ ràng, các học trò của HLV Park Hang–seo đã chưa làm hết mọi cách để khoan phá hàng thủ có chiều cao và chơi bóng bổng tốt lại thi đấu kiểu co cụm, tử thủ của ĐT Singapore.

Hay ở một cách nhìn khác, có vẻ đó là điểm yếu trong hệ thống chiến thuật của HLV Park Hang-seo, giống như không phải mọi dạng toán đều là quen thuộc đối với 1 học sinh giỏi toán vậy.

Theo Dân Việt