Các bộ phim kiếm hiệp, giả tưởng của Trung Quốc phải sử dụng nhiều cách thức, huy động sự nỗ lực của nhân viên hậu trường và sức tưởng tượng của diễn viên để hoàn thành cảnh quay.
Bộ phim Tam sinh tam thế: Chẩm thượng thư là tác phẩm đang thu hút sự chú ý của khán giả đam mê phim truyền hình Trung Quốc. Phim là câu chuyện tình duyên trắc trở của cửu hồ ly Phượng Cửu và vị chiến thần thượng cổ đứng đầu Thiên Địa Đông Hoa Đế Quân. Vì mô tả cuộc sống của các vị thần tiên nên phim có nhiều cảnh mô tả sức mạnh, phép thuật cần đến kỹ xảo.
Nhưng khi hậu trường của Tam sinh tam thế: Chẩm thượng thư được tiết lộ, khán giả mới hiểu thế giới cung đình tiên cảnh được quay một cách khó khăn đến nhường nào. Các diễn viên phải đeo cáp treo để bay lượn và diễn xuất với khả năng tượng tưởng vô tận.
Chiếc đuôi hồ ly đáng yêu của Phượng Cửu thực chất là một đồ như chổi lông gà được nhân viên hậu kỳ cầm đằng sau. Nội dung Tam sinh tam thế: Chẩm thượng thư được đánh giá là hấp dẫn, nhưng phần kỹ xảo của phim bị chê, chuyển động không mượt mà. Điều này khiến điểm chất lượng của phim chỉ đạt 5.9/10 trên trang đánh giá Douban.
Trong phim, có khoảng thời gian Phượng Cửu (Địch Lệ Nhiệt Ba) hóa thành cửu hồ ly để được ở bên cạnh Đông Hoa Đế Quân, những cảnh quay khi lên phim rất lãng mạn, cảm động. Nhưng thực tế khi loại bỏ kỹ xảo, chú hồ ly nhỏ đáng yêu chỉ là cục gạch được bọc vải xanh.
Phim cổ trang Trung Quốc có tiếng tại châu Á đặc biệt là dòng phim kiếm hiệp. Nhờ những cảnh bay lượn, giao đấu trên không trung mà điện ảnh đã tạo ra những hình tượng đại hiệp lừng lẫy, trở thành thần tượng của hàng triệu khán giả. Trên thực tế, quá trình làm phim rất vất vả. Các nghệ sĩ phải quay từng cảnh nhỏ, tượng tượng được trạng thái nhân vật để diễn đúng theo yêu cầu của kịch bản.
Trong Cẩm y chi hạ, hai diễn viên Nhậm Gia Luân và Đàm Tụng Vận bật cười khi phải quay mặt vào phông nền xanh và nhảy liên tục nhiều lần để dựng kỹ xảo.
Trong Thục sơn chiến kỷ, Triệu Lệ Dĩnh vào vai ma đầu Ngọc Vô Tâm võ công cao cường có thể né hết loạt kiếm đang bay tới. Ở hậu kỳ, cô hoàn toàn diễn với không khí. Ngay cả chiếc roi ngọc vốn là binh khí quen thuộc của Triệu Lệ Dĩnh, thực chất vốn chỉ có chuôi mà không có dây, nữ diễn viên chỉ cầm chuôi quất qua quất lại để tạo dáng, phần dây sẽ được thêm vào khi xử lý hậu kỳ.
Trong một cảnh quay khác, các nhân vật đang truyền tay nhau một chiếc gương thần nhưng thực ra trong tay họ không có vật gì.
Sơn hải kinh chi Thượng cổ mật ước thuộc thể loại kỳ ảo, giả tưởng nhưng không tạo được sức hấp dẫn do kỹ xảo quá kém. Từ những màn thể hiện sức mạnh, đến những con quái thú đều nhìn giả đến khó chịu.
Hậu trường cảnh Ngô Lỗi bị Tống Tổ Nhi đâm trọng thương. Không khí bi thương bị thay bằng sự hài hước khi hai diễn viên trẻ còn lôi đạo cụ ra để trêu đùa nhau.
Theo Zing