Vào tháng 3 tới đây, Boney M sẽ trở lại Hà Nội, đây là lần thứ 3 nhóm nhạc trình diễn tại Thủ đô.
Nói về lần thứ 3 tái ngộ Việt Nam, trưởng nhóm Boney M cho biết, chị cảm thấy có sự thôi thúc đặc biệt với mảnh đất hình chữ S. “Tôi từng được hàng xóm mới ăn đồ Việt Nam, từng được khán giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt trong đêm nhạc tổ chức tháng 10/2016.
Quá nhiều khán giả lên sân khấu ôm hôn tôi, nhún nhảy theo tôi. Với người nghệ sĩ đó là món quà không gì sánh nổi. Tôi muốn tiếp tục được đón nhận niềm vui từ khán giả, muốn ăn thêm nhiều món ngon từ Việt Nam mà lần trước do lịch trình dày đặc tôi chưa kịp thưởng thức.
Có thể là món bún chả mà mọi người hay bàn tán sau khi Tổng thống Obama sang Việt Nam chẳng hạn” - Liz Mitchell cười lớn.
Một điều mà Boney M lấy làm tự hào là hiếm nơi nào khán giả yêu mến các ca khúc của nhóm như ở Việt Nam: “Phía đơn vị tổ chức cho chúng tôi biết Việt Nam sắp đón Tết âm lịch. Khắp nơi đang rộn ràng các ca khúc của Boney M. Tôi chỉ ước lúc này được ở Việt Nam, được nhún nhảy hát mừng chúc Tết các bạn. Tôi như thấy chúng tôi hiên hữu trong cái Tết của các bạn.
Có khán giả tâm sự với tôi, họ đã trải qua gần hơn 30 cái Tết với Boney M, từ khi đài cát-xét còn là điều xa xỉ ở Việt Nam đến khi đời sống tinh thần, vật chất của các bạn phong phú như bây giờ. Đó thực sự là điều quá sức ngọt ngào”.
Tuy lấy làm tiếc vì không thể biểu diễn đúng dịp Tết âm lịch ở Việt Nam nhưng Liz Mitchell cho rằng, việc hát trong Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 cũng là điều rất ý nghĩa với band.
Hỏi Liz Mitchell lần tái ngộ này có gì gây bất ngờ với người hâm mộ, chị cho biết sẽ cover một số bản nhạc của các ca sĩ nổi tiếng mà khán giả Việt Nam yêu thích như Celine dion, Whitney Houston… bên cạnh những bản hit trong album nổi tiếng nhất Boney M 79.
Boney M được thành lập hồi năm 1975. Khi ấy, nhạc Disco đã trở thành phong trào rộng khắp.
Tên tuổi Boney M được ra đời dựa trên một series phim truyền hình ăn khách của Australia được chiếu ở Đức vào những năm 1970. Trong đó, chữ “M”- theo sự giải thích của Liz Mitchell sau này - có nghĩa là “Mother, Money, Memory” (Mẹ, Tiền bạc, Kỷ niệm).
Sự nghiệp của nhóm khởi đầu rực rỡ với ca khúc Do You Wanna Blumbp vào tháng 12/1975. Đĩa đơn này giúp Boney M đứng đầu bảng xếp hạng ở Bỉ và Hà Lan. Sáu tháng sau, ban nhạc tiếp tục ra album Take The Heat Off Me và lập tức được yêu thích ở Đức.
Hit Daddy Cool cùng một loạt ca khúc “cover” như Sunny (Bobby Hebb), No Women No Cry (Bob Marley)… giúp tên tuổi Boney M “chiếm sóng” tại các bảng xếp hàng ở châu Âu như Anh, Áo, Na Uy, Thuỵ Điển, Thuỵ Sĩ... cùng nhiều nước châu Á khác.
Tuy vậy, đây chỉ coi là bước khởi động để Boney M tiến sâu vào thị trường.
Frank Farian sau đó tiếp tục lên lịch một loạt tour diễn cho Boney M. Đây mới là lúc nhóm thăng hoa. Sự xuất hiện của ban nhạc tại chương trình Musikladen - một show ăn khách của nhà sản xuất Michael “Mike” Leckerbusch - vào mùa hè năm 1976 khiến họ nổi tiếng rộng khắp.
Hình ảnh những cô gái váy hoa sặc sỡ cùng chàng trai mặc quần ống loe, áo bó chẽn trở thành thứ thời trang được các thanh niên bấy giờ ưa chuộng.
Sau một vài album khác, Boney M trở thành huyền thoại khi ra mắt Nightlife To Venus hồi tháng 7/1978. Album gồm nhiều ca khúc bất hủ như Rivers Of Babylon, Brown Girl In The Ring…
Trong đó, Rivers Of Babylon giúp Boney M chiếm vị trí số một ở bảng xếp hạng Anh trong năm tuần liên tiếp, tiêu thụ được gần hai triệu bản ở Anh. Brown Girl In The Ring cũng tiêu thụ được hơn hai triệu bản, đứng thứ hai trong danh sách đĩa đơn bán chạy kỷ lục mọi thời đại tại đây
Cuối năm 1978, Boney M tiếp tục thống trị các bảng xếp hạng châu Âu bằng Mary’s Boy Child (hay Oh My Lord). Hè năm 1979, nhóm ra ca khúc Hooray! Hooray! It’s a Holi-Holiday với giai điệu sôi động. Bài hát này cũng thống trị tại các bảng xếp hạng âm nhạc. Tuy vậy, những ngày sau đó, Boney M bắt đầu rơi vào sóng gió.
Tháng 9/1979, nhóm tung ra album thứ tư là Oceans Of Fantasy. Tuy vậy, nhiều khán giả ngạc nhiên khi thấy trên bìa đĩa chỉ ghi tên Liz Mitchell và Marcia Barett.
“Ông bầu” Frank Farian lúc này tuyên bố nhóm từ giờ sẽ chỉ có hai người này hát chính trong các bản thu. Hai người còn lại chỉ góp mặt trên sân khấu. Lý do khiến ông đưa ra quyết định này không được giải thích rõ ràng.
Từ năm 1980, Boney M bắt đầu mất vị thế. Năm 1981, Bobby Farell rời nhóm. Trong một cuộc trao đổi mới đây với Starts at 60, Maizie Williams - cựu thành viên của nhóm cho biết sự ra đi của Bobby khiến cho mối quan hệ giữa các thành viên không bao giờ bình thường trở lại.
Sau khi mất trưởng nhóm, Boney M thay thế bằng thành viên mới là Reggie Tsiboe nhưng tiếp tục thất bại. Theo Maizie Williams, chỉ có sự quay lại của Bobby mới khiến nhóm thành công trở lại. Đến năm 1986, họ thuyết phục được Bobby Farell tái hợp. Nhưng mọi chuyện cũng không suôn sẻ được lâu. Hai năm sau, nhóm chính thức tan rã. Sau 10 năm hoạt động, họ bán được 150 triệu đĩa hát trên toàn thế giới.
Sau khi tan rã, các thành viên đi solo và đều sử dụng tên Boney M. Năm 2010, Bobby Farell qua đời vì truỵ tim. Trong khi đó, Marcia Barret phải chống chọi với bệnh ung thư nhiều năm qua.
Tháng 6/2018, bà ra cuốn hồi ký Forward - My Life With and Without Boney (Hướng về phía trước - Cuộc đời tôi khi có và không có Boney M) nói về thời hoàng kim cùng những ngày khó khăn khi nhóm tan rã. Marcia đang sống tại Đức.
Maizie Williams hiện sống độc thân ở ngoại ô London, Anh. Cô chưa từng kết hôn và sinh con. “Những năm tháng cống hiến cho Boney M khiến tôi quên đi việc dành thời gian cho bản thân, gia đình”, cô hối tiếc.
Hiện tại, thành công nhất trong số này vẫn là Liz Mitchell. Cô từng đến Việt Nam vào 1995, 1999, 2016 và 2018. Liz kết hôn năm 1978 với Thomas Pemterbon - người vừa là bạn, là quản lý của cô.
Sau những biến cố, thăng trầm, trải qua 43 năm, tên tuổi của Boney M vẫn là dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả khắp thế giới. Và, mỗi khi những tác phẩm được cất lên, dù bởi bất cứ thành viên da màu nào của nhóm, cũng đều khiến người hâm mộ hồi tưởng quãng đời tuổi trẻ rực rỡ và sôi nổi của họ.
Lâm Văn
Theo Vietnamnet