Trong loạt bài trước, chúng tôi đã đề cập đến sự xuất hiện của bóng cười đang rất phổ biến và tràn ngập phố phường Hà Nội. Khoảng độ 2 năm trở lại đây, người ta dần quen với hình ảnh các bạn trẻ phê bóng đến mức bổ nhào giữa phố, ngã cả ra đường. Nhưng, đó mới là bề nổi của việc lạm dụng bóng cười.
 
Clip: Khí cười  - hiểm họa chết người.

Ở một góc khác, bóng cười còn được sử dụng như một "chất xúc tác" tăng độ phê cho các chất kích thích khác. Rất nhiều dân mê bóng cho rằng, chỉ sử dụng quả bóng không thì chưa đủ cho một cuộc chơi. Góc độ này cho thấy bóng cười đóng vai trò "đẩy" cơn phê lên tới đỉnh điểm nếu dùng kèm với chất khác. Đó là lý do tại sao trên bar lại có những hóa đơn lên tới hơn chục triệu chỉ "nhờ" bóng. Quả bóng kích rượu như vậy, thì với các "chất" khác, sự phấn khích còn lên tới đâu?

Dùng bóng kèm chất kích thích, cơn "phê" lên tới đỉnh điểm

Trò đem bình bóng về nhà để chơi, ngoài dành cho những người không thích ồn ào, sợ ngã bổ nhào ở quán cafe, chốn vỉa hè, thì đây còn thực sự là thiên đường dành cho dân dùng chất kích thích. Ngày trước, dân chơi Hà Nội đi "bay", chỉ đơn thuần sử dụng thuốc lắc, ketamin, rồi sau là thêm các dòng chất kích thích dạng nước mới như nước biển, cafe, sữa chua, Molly (pha vào nước)…

Sự phát triển của bóng cười ở Hà Nội đã tạo nên một trào lưu nho nhỏ trong giới "phê sâu", đó là thổi bóng khi đang dùng chất kích thích. Quả bóng khi thổi trong trạng thái bình thường, vốn đã khiến người thổi tê hết chân tay, đầu ong lên mất khoảng 15 đến 30 giây. Nhưng khi dùng với thuốc lắc, ketamin hoặc các chất kích thích khác, thì độ phê còn lên đến mức "đỉnh".



Một bình bóng loại to, có thể thổi được hơn 1000 quả trị giá 7 triệu đồng.


Được dân chơi bóng gọi về nhà để đưa "cơn phê" lên đến đỉnh điểm.

Vài người trải qua cảm giác này đều công nhận rằng "Tê hết từ chân lên đến não", và cơn phê kéo dài phải từ 1 đến 2 phút hoặc hơn. Nghĩa là đã hơn hẳn lúc thổi bóng ở trạng thái bình thường.

Người viết bài đã được mục sở thị một cuộc vui tại căn hộ thuê riêng để phục vụ nhu cầu "giải trí" của các dân chơi còn rất trẻ, ở nước ngoài về. Khi thấy mắt tròn mắt dẹt nhìn 2 bình bóng được gọi về căn hộ, cùng vô số xác bóng đủ màu sắc, họ chỉ cười cho sự "ngây thơ" của kẻ chưa biết gì.

Thành V. (SN 1991), từ Ba Lan về. V. đam mê "bộ môn" thổi bóng từ 2 năm nay, cậu bảo "nghiện" bóng thì chẳng phải, mà là mê cái cảm giác dùng bóng cười cùng chất kích thích khác. Mỗi lần về Việt Nam, T.V đều thích thổi bóng từ cafe, quán bar, cuối cùng là gọi bình về nơi ở để tận hưởng cảm giác phê lên đến đỉnh điểm ấy.

"Trong cuộc chơi, quả bóng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, đẩy cơn phê lên đến đỉnh, quên hết mọi thứ xung quanh. Cảm giác như mình bị hút vào một vòng xoáy, và cứ quay chậm trong cái vòng ấy mãi mãi. Điều này, nếu thổi bóng ở trạng thái bình thường, hay chỉ chơi chất kích thích thì không thể đem lại được. Phải kết hợp cả 2", V. chia sẻ.

Và thế là trong không gian tối tăm của căn apartment được thuê chuyên phục vụ các cuộc bay, thay vì chỉ ngồi nghe nhạc hay nhảy với nhau như các cuộc chơi khác, bên cạnh tiếng nhạc, còn là tiếng xì xì của bình bóng hoạt động hết công suất, từng quả bóng được đưa cho từng nhân vật đang giơ tay với lấy. Hết quả này đến quả khác, tất cả đều không muốn dừng lại cảm giác phê tới bến. Một bình bé giá 2,7 triệu thổi được 400-500 quả, 2 bình xấp xỉ 1000 quả. Nhưng chỉ sau 2 ngày miệt mài trong căn hộ ấy, đã hết sạch sành sanh khí.



Những gì còn lại sau một cuộc chơi, xác bóng la liệt khắp phòng

 

Minh N. (SN 1989), cũng là "thần bóng" đam mê bộ môn này gần 3 năm nay. Ngọc là một trong những thanh niên đầu tiên ở Hà Nội khám phá ra việc thổi bóng kết hợp các chất khác. Và thứ khiến cậu từng "mê" nhất là thổi bóng cùng cần sa (hay còn gọi là cỏ) cuốn thành điếu.

"Hút cần làm suy nghĩ của mình bị chậm lại, thổi bóng càng làm não hoạt động chậm hơn nữa. Có thể nói, bóng làm tê liệt thần kinh trong 1 khoảnh khắc tạm thời, bởi khí nitrous oxide (N2O) vốn là khí được sử dụng khi gây mê.", N. chia sẻ.

Tuy nhiên, cảm giác phê một cách chậm chạp này, khi lên tới đỉnh điểm đã khiến N. quên… thở vài lần, bởi thổi bóng kèm hút cần khiến thần kinh bị tê liệt tạm thời. N. đang phải "cai" dần bóng, do sợ việc quên thở sẽ khiến mình rơi vào trạng thái mê man, dễ dẫn tới đột quỵ.

Không chỉ hai trường hợp trên mà nhiều người trẻ khác sau khi "phê" đỉnh điểm, chân tay bắt đầu tê run rẩy, nói trước quên sau, hay bị đơ tạm thời, hoặc bị viêm họng kéo dài mãn tính…, chúng tôi đã tìm tới các bác sĩ chuyên ngành để tìm hiểu cặn kẽ có hay không sự ảnh hưởng của bóng cười tới sức khỏe người sử dụng thường xuyên, lâu dài.

"Hít bóng cười liên tiếp trong tình trạng não thiếu oxy có thể dẫn đến ngạt thở, mất ý thức, thậm chí tử vong"

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, TS Trần Thị Hồng Thu, Trưởng khoa Lâm sàng, bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết , điều tra ma túy toàn cầu (2013-2014) cho thấy N2O (khí cười - laughing gas) xếp hàng thứ 14 trong các loại thuốc gây nghiện được sử dụng nhiều nhất trên toàn cầu – đứng trước cả Ketamine, Caffeine.

Theo TS Thu, lạm dụng khí cười N2O để giải trí có thể dẫn tới hiện tượng hòa tan chất khí này trong máu và làm giảm lượng oxy tới não. Việc hít bóng cười liên tiếp trong tình trạng não bị thiếu oxy có thể dẫn đến ngạt thở hoặc mất ý thức. Sau tổn thương não là những tổn thương cơ quan khác do hậu quả của tình trạng thiếu oxy..

Thực tế, thiếu oxy là tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của N2O, y khoa gọi là ‘thiếu oxy máu". Tình trạng này xảy ra khi người sử dụng ngừng thở; thở quá nông hoặc quá chậm, dẫn tới không đáp ứng đủ nhu cầu oxy cho cơ thể. Điều này thường là do quá buồn ngủ vì tác dụng an thần của N2O.

"Đa phần, hiện tượng thiếu oxy máu xuất hiện rất sớm. Nếu bệnh nhân kịp thời cung cấp đủ oxy, giúp thức tỉnh hơn, có thể không gây hại lâu dài. Nhưng nếu cứ để thiếu oxy máu quá lâu, sẽ tổn thương não, thậm chí gây tử vong. Đây là một tác dụng phụ rất hiếm của N2O, nhưng đó là một thực tế đã xảy ra", bà Thu nhấn mạnh.



"Nguy cơ gây hại của N2O khá đáng sợ, nhưng rất ít người biết được điều này".

Việc thường xuyên sử dụng một số lượng đáng kể N2O có thể dẫn đến một loạt các vấn đề y tế, trong đó có tổn thương vĩnh viễn hệ thần kinh. Hoại tử tế bào thần kinh dẫn đến teo não là một trong hậu quả có thể xảy ra do sử dụng quá nhiều N2O. Đây có thể là lời giải thích lý tưởng nhất cho hiện tượng "ngáo ngơ", hay quên, lơ đễnh, "đơ tạm thời" mà các dân chơi sử dụng bóng cười thường xuyên đang gặp phải.

Theo bà Thu, một trong những tác dụng phụ của N2O là sự tiến triển chứng tê và đau chân, được gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên, cũng do sự suy giảm của Vitamin B12. Giống với biến chứng rối loạn tâm thần, triệu chứng này thường kéo dài vài tuần đến vài tháng, thường ở người lớn tuổi hoặc sức khỏe kém. Dạng đau suy nhược này có thể gây thiệt hại tài chính đáng kể do hầu hết mọi người không biết rằng đó là một tác dụng phụ của N2O nên đã chạy chữa không đúng thầy đúng thuốc.

"Phần lớn những người sử dụng N2O theo cách chụp mặt nạ (gây mê nha khoa) hay qua miệng (thổi hít bóng cười để giải trí) đều đã được chứng minh qua các nghiên cứu với kết quả là gây tăng áp suất bên trong tai giữa, trực tiếp ảnh hưởng đến thính lực và các bệnh về tai. Ảnh hưởng xấu đến khả năng lái xe xuất hiện một nửa giờ sau sử dụng bóng cười. Tiếp xúc ngắn hạn có thể gây chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa và khó thở.

Một số người cố gắng nhanh chóng hít vào nhiều N2O hết cỡ và giữ trong hơi thở của mình. Động tác này gây ra sự thay đổi áp lực đột ngột trong phổi, có thể vỡ cấu trúc các phế nang cần thiết cho việc thở", bà Thu cho biết.

Ngoài ra, huyết áp có thể dao động, tùy vào liều sử dụng. Người dùng có thể mất ý thức, do vậy có thể nguy hiểm trong bối cảnh thổi bóng rồi bị ngã vì mất ý thức và không có khả năng tắt nguồn khí. Hiệu ứng thiếu hụt Vitamin B12 có thể gây ra hiện tượng tê bì, khó khăn trong việc di chuyển cánh tay và chân.

N2O có thể gây hiện tượng đại tiểu tiện thiếu tự chủ, gây cản trở đông máu. Người tiếp xúc với N2O nhiều lần có nguy cơ cao mắc bệnh thận, bệnh gan. N2O có thể trở nên rất lạnh khi được bơm ra từ bình nén, đủ lạnh để gây tê cóng bề mặt da hoặc cổ họng. Hít thở N2O mà không được cung cấp đủ oxy có thể gây tử vong; một chút N2O trong không gian khép kín hoặc quá nhiều từ mặt nạ gây mê có thể khiến người dùng ngạt thở.

"Mặc dù N2O được gọi là dễ bắt cháy, khi hít vào có thể thấm vào khoang bụng và ruột, pha trộn với các loại khí cơ thể để tạo ra một sự kết hợp dễ cháy. Kết quả là thiết lập một chất nổ bên trong cơ thể. Nguy cơ gây hại của N2O khá là đáng sợ, nhưng rất ít người biết được điều này", bà Thu nói thêm.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng điều trị bệnh nhân tâm thần - Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết thêm, hiện tại chưa có thống kê gì nói bóng cười ảnh hưởng đến sức khỏe. Người ta chỉ biết bóng cười chứa một số chất kích thích tác động vào chủ thể của não, gây nên trạng thái sảng khoái trực tiếp cho người sử dụng.

"Những rối loạn này chỉ là nhất thời, không đủ để gây tổn thương, chất của nó ở nồng độ thấp nhưng lại là chất ma túy tổng hợp nên nếu dùng nhiều sẽ gây nên trạng thái hưng phấn mạnh và tổn thương", TS. Nguyễn Văn Dũng nói.

Hiện tại chưa có một thống kê hay xã hội nào nghiên cứu về vấn đề này và việc sử dụng bóng cười chỉ có ở một nhóm người. "Vấn đề hút bóng cười cũng có nhiều gia đình hỏi tôi nhưng cho đến thời điểm hiện tại, viện chưa tiếp nhận trường hợp nào phải nhập viện do hút bóng cười. Tuy nhiên, trên thế giới có nhiều người rất nhạy cảm, có sẵn sảng khoái trong cơ thể, nếu dính vào chất kích thích như vậy sẽ gây tổn thương, gây kích thích hoang tưởng, ảo giác", bác sĩ Dũng cho biết.

Tuy nhiên bác sĩ Dũng cũng đưa ra cảnh báo: "Một số người ở trong trạng thái nhân cách yếu(thuật ngữ nhân cách dùng trong y học hoàn toàn khác với khái niệm nhân cách về mặt đạo đức xã hội), khi sử dụng chất này thường dễ bị nguy cơ rối loạn tâm thần. Về phía nhà trường, phải cảnh báo các em học sinh, sinh viên về việc sử dụng chất này. Gia đình cũng khuyên can con cái và chú ý đến con vì có rất nhiều triệu chứng báo trước trong khi sử dụng thường là người sử dụng hay thức, không muốn ngủ, nói chuyện nhiều chủ đề...".

Theo Trí thức trẻ