"Bóng cười" vẫn được bán cho khách sử dụng ngay tại quán
Thời gian qua, lực lượng công an ở Hà Nội liên tục tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi giải trí có sử dụng nhạc trên địa bàn với mục đích kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp chủ cơ sở sử dụng khí cười N20.
Tuy nhiên, dù liên tục kiểm tra, phát hiện và xử lý, song những vi phạm về "bóng cười" vẫn diễn ra nhộn nhịp trong một số quán bar, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các quán bar trên phố Hàng Buồm, bar tại chợ Hàng Da, bar Titan tại đường Hai Bà Trưng… bóng cười vẫn được bán cho khách sử dụng ngay tại quán.
Đêm những ngày cuối tuần tại các quán bar này nhộn nhịp khách ra vào. Khác với vẻ bên ngoài im ắng, ngay khi cánh cửa quán mở ra, bên trong là khung cảnh rộn ràng với tiếng nhạc dội ngược đinh tai nhức óc cùng điệu nhảy lắc lư của các dân chơi.
Không màu mè, mà nằm ẩn mình trên tầng 2 là quán bar tại phố Hàng Buồm được dân chơi tuổi teen tìm đến mỗi dịp cuối tuần.
Nơi đây được xem là "địa chỉ đỏ" với thứ đặc sản là bóng cười, nhạc càng sung, nhân viên càng phải vội vã đi lại phục vụ khách. Nhiều khách tuổi teen gọi bóng cười vừa hít vừa lắc lư theo tiếng nhạc, đôi lúc lại vùi mình, trầm mặc bên bóng cười hà hít.
Tại bar ở chợ Hàng Da không khí diễn ra sôi động hơn, từng tốp nhân viên tất bật "chạy sô" với khách và bóng cười. Khi nhạc tăng lên, nhiều khách tay cầm bóng cười với cảm giác phê pha vừa hít hà vừa nhảy lắc lư thể hiện đẳng cấp. Càng về đêm, khách đến nhiều, không gian quán đặc quánh bên tiếng nhạc, ánh đèn lấp lánh…
Những cảnh tượng tại các quán bar này những ngày cuối tuần về đêm dường như không ngủ…
Bóng cười gây rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ
Liên quan đến thực trạng này, Bộ Công an cho biết, bóng cười thực chất là quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hóa học là N2O (Dinitơ oxit hay nitrous oxide). Loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng.
"Tuy nhiên, nếu thường xuyên sử dụng N2O có thể gây ra các rối loạn như cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi đứng loạng choạng. Bóng cười cũng gây rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim và hạ huyết áp, thiếu máu, thiếu B12", Bộ Công an cho biết.
Cũng theo Bộ Công an, N2O không nằm trong Danh mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ, mà là hóa chất được quản lý chuyên ngành bởi Bộ Công thương.
Cụ thể: N2O thuộc Danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (số thứ tự 120, Phụ lục II của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/7/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất), chủ yếu sử dụng để gây tê, giảm đau trong lĩnh vực y tế hoặc dùng để đóng gói, bảo quản thực phẩm.
Theo đó, việc sử dụng bóng cười (chứa chất N2O) tuy chưa có điều luật cụ thể nào quy định cấm, song việc mua bán, sử dụng bóng cười cho người là vi phạm. Bởi chất này gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người sử dụng và không được cấp phép để mua bán, sử dụng.
Trước tác hại của việc sử dụng khí N2O tràn lan, từ năm 2019, Bộ Y tế đã có văn bản đồng ý với đề nghị của UBND TP Hà Nội về yêu cầu ngừng sử dụng khí N2O cho mục đích giải trí, vì khí này làm thay đổi trạng thái tâm thần kinh.
Như vậy, từ thời điểm đó, việc sử dụng bóng cười (bơm bằng khí N2O) đã được xếp vào danh mục cấm tại Hà Nội.
Hiện Bộ Công an tiếp tục phối hợp lực lượng chức năng nắm tình hình, xác định thực trạng sử dụng bóng cười và các chất hướng thần mới ở trong nước. Bộ Công an cũng tham khảo quy định của Ban Kiểm soát ma túy quốc tế (INCB) và các nước trên thế giới về các chất này, khi có đủ căn cứ sẽ đề xuất Chính phủ đưa vào Danh mục các chất ma túy và tiền chất để có căn cứ đấu tranh, xử lý các đối tượng mua bán, vận chuyển, sản xuất, tổ chức sử dụng trái phép các chất này (hiện nay chưa có quốc gia nào đưa bóng cười vào Danh mục chất ma túy). |
Theo Dân trí