Bức ảnh selfie cuối cùng của cô gái tử nạn trong thảm kịch Itaewon

Gia đình các nạn nhân trong thảm kịch Itaewon đang cố gắng chắp nối những hình ảnh cuối cùng của người thân khi chật vật vượt qua nỗi đau.

“(Ji Min) đang cười, hãy nhìn nụ cười, khuôn mặt của con bé”, ông Oh Il Seok âu yếm nhìn bức ảnh con gái mình chụp vào những giờ phút cuối đời. Khi ông tháo kính để lau nước mắt, vợ ông thì thầm: “Ji Min như một người bạn của tôi, người bạn thân thiết nhất”.

Oh Ji Min, 25 tuổi, nằm trong số 158 người đã chết trong đám đông chen lấn dịp lễ hội Halloween ở khu phố Itaewon, Seoul, vào ngày 29/10.

Cha mẹ Ji Min đang cố gắng chắp nối những bức ảnh trong điện thoại của cô để hình dung giây phút cuối cùng của con gái.

Lúc 21h35, các bức ảnh cho thấy Ji Min đang mỉm cười bên trong một quán bar. Đến 21h59, cô nhắn tin cho một người bạn rằng cô sắp về nhà, sau đó là một vài bức ảnh với những người bạn trong trang phục lộng lẫy. Đến 22h07, Ji Min mỉm cười chụp ảnh với người bạn họ Kim. Đó là bức ảnh cuối cùng của cô.

Ji Min và Kim đi đến tàu điện ngầm, len lỏi qua đám đông. Chỉ sau vài phút, họ kẹt trong đám đông hoảng loạn và bị cuốn vào một con hẻm hẹp.

“Giống như bị hút vào trong”

“Chúng tôi không cố ý đi vào con hẻm đó, cảm giác như chúng tôi bị hút vào vậy”, Kim nhớ lại khi nói chuyện với phóng viên CNN trong những ngày trước lễ tưởng niệm các nạn nhân.

“Tôi bị tách khỏi (Ji Min) khi hai người đàn ông khác xen giữa chúng tôi. Tôi tuột mất giày, chân tôi không chạm đất và cả người bị cuốn theo đám đông”, cô nói.

Các nguồn tin chính thức cho biết vụ giẫm đạp bắt đầu lúc 22h15, chỉ 8 phút sau bức ảnh selfie cuối cùng của Ji Min. 158 người đã chết trong con hẻm rộng khoảng 4 m - nơi hai cô gái trẻ bị cuốn vào. 196 người khác bị thương, trong đó có Kim.

Bức ảnh selfie cuối cùng của cô gái tử nạn trong thảm kịch Itaewon-1
Hình ảnh Ji Min vài phút trước khi bị cuốn vào đám đông. Ảnh: CNN.

“Ai đó phía trước tôi ngã và tôi cũng ngã theo”, Kim nói. “Điều tiếp theo tôi nhận ra là tôi đang nằm trên một người đàn ông nước ngoài và những người khác chồng chất lên tôi. Tôi nằm ở lớp người thứ hai”.

Kim thấy tia hy vọng khi một nhân viên y tế ngay trước mặt đang cố gắng kéo một người phụ nữ ra khỏi đám đông, mỗi khi cơ thể cô gái này di chuyển mọi người xung quanh lại hét lên.

Chúng tôi vốn đã bị ép nên việc cố gắng kéo cô gái này càng khiến chúng tôi đau đớn hơn, vì vậy nhân viên y tế phải dừng lại”, Kim nói.

Một sĩ quan cảnh sát có mặt tại hiện trường cho biết khi anh đến đã có nhiều thi thể trong con hẻm.

Chúng tôi không thể kéo mọi người từ dưới đáy lên, có quá nhiều áp lực, tôi cho rằng họ đã chết rồi”, anh kể lại. “Những người ở lớp 2 và 3 lịm dần, kêu cứu nhưng chúng tôi không kéo được họ ra ngoài”.

Ký ức của Kim về cách cô thoát khỏi đám đông cũng rất mơ hồ. “Tôi được kéo ra ngoài và nằm một lúc trên mặt đất. Tôi dường như đã ngất đi và tỉnh dậy vài lần. Khoảng 00h30, tôi được chuyển lên xe cấp cứu”.

“Tôi nằm một đêm rồi xuất viện, không thể đi lại cho đến sáng hôm sau. Tôi véo vào chân mình nhưng không cảm thấy gì. Dù xuất viện, tôi không thể cảm nhận được chân của mình trong khoảng 10 ngày tiếp theo”, cô nói.

“Hình ảnh đó khiến tôi không ngủ được”

Mẹ của Ji Min, bà Kim Eun Mi, không biết con gái mình đang ở Itaewon. Bà bắt đầu lo lắng vì Ji Min luôn về nhà sớm.

“Tôi đã gặp con bé để mua sắm vào ngày hôm đó. Sau khi mua sắm, chúng tôi ăn trưa cùng nhau và Ji Min đi gặp bạn. Vì vậy, khi tôi nghe con trai mình nói rằng con bé đã đến Itaewon, tôi đã nói 'không, con bé chỉ đi gặp bạn thôi'”, bà Kim kể.

Suốt đêm, gia đình điên cuồng gọi đến điện thoại di động của Ji Min, bệnh viện, cảnh sát, và cả căn hộ của cô phòng trường hợp cô đã về nhà.

Vào lúc 13h hôm sau, gia đình nhận được một cuộc gọi yêu cầu họ đến nhận dạng thi thể của Ji Min tại nhà xác bệnh viện.

“Thật sự rất đau đớn khi phải nhận xác con mình”, bà Kim nức nở. Chồng bà cũng nghẹn ngào: “Mỗi đêm, hình ảnh đó lại hiện lên khiến tôi không cách nào nhắm mắt”.

Bức ảnh selfie cuối cùng của cô gái tử nạn trong thảm kịch Itaewon-2
Cha me Ji Min chưa thể vượt qua nỗi đau mất con. Ảnh: CNN.

Sau thảm họa, mỗi ngày gia đình Ji Min đều đến thăm cô gái xấu số ở nơi tưởng niệm gần nhà. Vào mỗi đêm mất ngủ, cha mẹ cô lại tìm đến một nhóm trò chuyện trực tuyến, nơi tập hợp thành viên gia đình của những nạn nhân xấu số trong thảm kịch.

Bà Kim Eun Mi cho biết cuộc trò chuyện với những người cùng cảnh ngộ giúp bà rất nhiều vì chỉ họ mới có thể hiểu nỗi đau của nhau. Nỗi đau của họ càng trở nên u ám hơn với những câu hỏi không lời đáp và sự tức giận trong ngôi nhà nơi Ji Min lớn lên.

“Điều khó khăn và phẫn nộ nhất là không ai chịu trách nhiệm. Bi kịch xảy ra, nhưng không ai chịu trách nhiệm”, bà Kim nói.

Một nhóm tang quyến của hơn 97 nạn nhân trong vụ giẫm đạp đã yêu cầu lời xin lỗi chính thức từ Tổng thống Yoon Suk Yeol và yêu cầu bãi nhiệm bộ trưởng. Trước đó, vào ngày 30/10, Bộ trưởng An toàn Lee Sang Min cho biết thảm kịch không thể được ngăn chặn bằng cách điều động cảnh sát hoặc lực lượng cứu hỏa từ trước.

Cho đến nay, hai sĩ quan cảnh sát đã bị bắt giữ với cáo buộc phá hủy một báo cáo nội bộ về những rủi ro bắt nguồn từ đám đông tụ tập ở Itaewon trong lễ hội Halloween. Hai sĩ quan này đã bị cách chức vào tháng 11 liên quan đến cách xử lý của họ trong thảm kịch, theo Yonhap.

Cựu cảnh sát trưởng quận Yongsan Lee Im Jae đang bị điều tra với cáo buộc sơ suất và giả mạo tài liệu chính thức, trong khi cựu quan chức giám sát tình huống khẩn cấp Song Byung Joo đang bị điều tra vì nghi ngờ sơ suất nghề nghiệp. Chánh Văn phòng Quận Yongsan Park Hee Young cũng bị triệu tập điều tra.

Một sĩ quan giấu tên nới với CNN rằng anh lo ngại hướng điều tra dường như quá tập trung vào những sai lầm mắc phải sau thảm kịch, hơn là việc thiếu kế hoạch đảm bảo an toàn và phòng ngừa từ trước.

“Vấn đề hiện nay là những người thực sự phải chịu trách nhiệm lại không nhận trách nhiệm. Hướng điều tra chỉ nhìn xuống mà không nhìn lên”, vị sĩ quan nói. “Có thể đã có những sai lầm khi chúng tôi cố gắng cứu thêm một mạng sống, nhưng nếu cứ đổ lỗi cho chúng tôi thì ai sẽ muốn làm công việc này”.

Trong khi đó, cha mẹ của Ji Min cho biết họ không nhận được thông tin gì từ chính phủ kể từ khi tang lễ của con gái họ được tổ chức. Chính trị không có chỗ trong cuộc điều tra, họ nói. Họ muốn biết sự thật về việc con gái đã chết như thế nào và ở đâu, cũng như câu hỏi khó hơn là tại sao.

Khi xem qua hộp thiệp sinh nhật và những bức ảnh chụp cùng bạn bè từ căn hộ của con gái, họ phải vật lộn vượt qua bi kịch lẽ ra không bao giờ xảy đến.

Con bé thật ấm áp và đáng yêu”, bà Kim Eun Mi nói về con gái mình. “Đối với tôi, Ji Min là một cô con gái đáng yêu nhưng con bé không còn ở bên tôi nữa”. Giọng bà nghẹn ngào rồi lặng đi trong tiếng nấc.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/buc-anh-selfie-cuoi-cung-cua-co-gai-tu-nan-trong-tham-kich-itaewon-post1385495.html?fbclid=IwAR3vTCStCUy409VtMVx9gAr_MgGAOSdlh0X29pKAFbzZrzK1jdUW1qIy6zQ

Itaewon

Tin tức mới nhất