Chị Phùng Hường (30 tuổi, sống ở Hà Nội) đến với "nàng thơ xứ Thanh" Pù Luông, Thanh Hóa để kiếm tìm sự yên tĩnh, bình yên và trong lành của không gian rừng núi. Trong cảm nhận của chị, Pù Luông hiện ra với bức tranh màu xanh hoang sơ, hùng vĩ nhưng cũng rất nên thơ, bình dị.

Đó là những thửa ruộng bậc thang nằm gọn bên nếp nhà sàn. Từng hàng cây cổ thụ bao phủ lối vào hang động còn yên ngủ. Hay những ruộng hoa màu xanh mướt dưới những chân thung lũng…

"Mọi cảnh vật vốn dĩ hoang sơ, không khí trong lành và cuộc sống con người nơi đây đều để lại cho mình nhiều ấn tượng và cảm giác yên bình mong muốn được quay trở lại", chị chia sẻ.


Bức tranh màu xanh yên ả, thanh bình khiến chị Hường Phùng lưu luyến.

Bản Kho Mường – Hang Rơi

Kho Mường là một thung lũng hoang sơ thuộc vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, nơi người Thái Trắng định cư và sinh sống từ lâu đời. Một điểm đến không thể bỏ qua khi đến bản, đó là ghé thăm hang Dơi - hang động bí hiểm bị bỏ quên giữa vùng đất còn yên ngủ.

Chị Hường kể lại, lối vào hang là con đường đất cheo leo bị cây rừng phủ kín. Lòng hàng rộng tới hơn 2,5km với nhiều ngõ ngách ăn sâu vào lòng đất. 

Địa hình tưởng chừng có phần hiểm trở như vậy nhưng cảnh sắc trong động thực sự đáng trải nghiệm. Một bên ruộng, một bên suối đường từ bản vào hang. Đến cửa hang, từ đây có thể phóng tầm mắt ra thung lũng rộng lớn, bao quanh các ruộng lúa trù phú của nơi này.



Các cánh đồng trù phú dưới thung lũng.

Bản Đôn 

Bản Đôn sở hữu cảnh đẹp hoang sơ với những thửa ruộng bậc thang trải dài, các nếp nhà sàn nằm ven chân đồi trông thanh tĩnh. Cô gái Hà Nội yêu thích bức tranh ruộng bậc thang xanh rì ở nơi này. 

Ở đây còn dễ dàng trông thấy các cọn nước, một biểu tượng đặc trưng của Pù Luông. Ngày đêm các cọn nước vẫn cần mẫn quay tròn, đưa nước từ sông lên những dòng kênh đào nhỏ và theo hệ thống dẫn nước bằng tre đổ về những thửa ruộng xa.


Những cọn nước ngày đêm miệt mài quay tròn, đưa nước ra cánh đồng trở thành điểm nhấn của Pù Luông.

Bản Hiêu - Thác Hiêu

Bản Hiêu và Thác Hiêu thuộc xã Cổ Lũng, cách bản Đôn khoảng hơn hơn chục km. Khung cảnh đường tới Thác Hiêu quanh co, bên này những ruộng hoa màu xanh mướt dưới những chân đồi. Bên đây là dòng suối trong veo, chảy róc rách tạo nên bức tranh đồng quê thanh bình. 

Cả nhóm vốn mang theo đồ bơi định tắm suối mà trời mưa nên nước khá lạnh. "Lội chơi một lúc thì bọn mình ra về trong ánh chiều và mùi khói bếp đầy yên ả nơi bản làng núi cao", chị nói.


Nơi đâu tại Pù Luông cũng thấy một màu xanh trù phú.

Đỉnh Pù Luông 

Pù Luông là cách gọi của người dân tộc Thái, mang ý nghĩa là ngọn núi cao nhất trong vùng, đỉnh Pù Luông cao trên 1.700m thách thức "máu" phượt của người ưa mạo hiểm. Khi đứng trên đỉnh Pù Luông, có thể thu được trọn vẹn cảnh núi rừng hùng vĩ, những cánh cánh đồng bát ngát, thung lũng ở dưới chân núi vào trong tầm mắt. 


Bức tranh màu xanh này sẽ đổi vàng khi tới tháng 7,8 của mùa lúa chín.

Cảnh vật tựa tiên cảnh là vậy nhưng chị Hường và những người bạn chưa thể chinh phục cung đường trekking này. Đó là điều tiếc nuối nhất của chị trong chuyến đi 3 ngày 2 đêm tại Pù Luông. 

Dù vậy, chị đã thu hoạch không ít sự thoải mái, thư thái khi được làm bạn với cảnh vật, con người của mảnh đất xứ Thanh. Cô gái Hà Nội khẳng định sắp tới sẽ cùng gia đình hay bạn bè trở lại đây lần nữa để ngắm bức tranh màu vàng rực rỡ của Pù Luông khi đến mùa lúa chín.

Dĩnh Anh (Ảnh NVCC)
Theo Vietnamnet