Mới đây, một nhiếp ảnh gia đã tự chụp lại những khoảnh khắc tình yêu của mình cùng... một cô búp bê tình dục - đó là June, 34 tuổi, và “bạn gái” Eva. Anh cho biết đã mua và bắt đầu chụp ảnh Eva xuất phát từ cảm giác cô đơn.
“Tôi biết mọi người muốn gì, biết cách khiến họ hạnh phúc. Tôi nói chuyện, đi uống và hát cùng mọi người, nhưng vẫn thấy quá cô đơn. Thức giấc trên giường, khi về nhà sau ngày làm việc hay sau những buổi tiệc tùng, tôi luôn đối mặt với sự trống rỗng. Tôi cảm thấy đơn độc giữa đám đông. Tôi đơn độc nhất giữa những khoảnh khắc hạnh phúc nhất. Đó là bởi ngay lúc này, tôi sợ những gì sẽ đến tiếp sau.”
“Mọi người, mọi khoảnh khắc, mọi ký ức tôi muốn lưu giữ mãi rồi đều đã rời đi, chết đi, hoặc biến mất, và tôi biết sau này rồi cũng sẽ như vậy.” Nhưng Eva sẽ không bỏ đi, không chết, mà mãi mãi sẽ không thay đổi.
Có những lúc thăng trầm trong mối quan hệ này. “Eva và tôi cùng ngủ, rồi cùng thức giấc. Chúng tôi cùng đi mua sắm, đi ăn, cùng lái xe đi du lịch với nhau như mọi người vẫn làm. Chúng tôi khóc và cười, như mọi con người thành thị khác.”
“Đây là một ảo tưởng mà tôi và Eva cùng dựng nên. Cô ấy không có một cuộc đời thực, trong thế giới thực về mặt sinh học mà tôi đang sống. Tôi đang mong chờ đến lúc Google có thể giúp cài AlphaGo cho cô ấy. Vậy nên tôi đã tạo nên một thế giới tưởng tượng, bằng nhiếp ảnh, để cho cô ấy sự sống.”
Dù đây phần nào là một dự án nghệ thuật, nhưng những gì mà nó chuyển tải là có thật, không phải hiếm hoi mà đã trở thành một hiện tượng, một nhu cầu thật sự, đến mức các công ty sản xuất búp bê tình dục đã tìm cách sản xuất ra những búp bê có thể đáp lời và tương tác, để không chỉ là một món đồ vô tri giúp giải quyết nhu cầu mà phần nào trở thành “người” bầu bạn.
Cô đơn thật sự đã là nỗi đau của thời đại. Dù nhiều người cho đến bây giờ vẫn nghĩ đây chỉ là sự xa xỉ lãng mạn nhưng cảm giác mất kết nối, cô lập, trôi giạt mà không có bất cứ ràng buộc này thật sự đau đớn đến mức có thể xói mòn niềm tin, khiến chúng ta cảm nhận về những người xung quanh như những mối đe dọa, thay vì là nơi có thể dựa vào và tìm sự an ủi.
Một lầm tưởng nghiêm trọng khác, đó là “người già mới cô đơn”. Thực tế nhiều thống kê đã cho thấy, chính những người trẻ mới là thế hệ cô đơn hơn hết thảy. Nhiều người đổ lỗi cho công nghệ và các mạng xã hội “gây nghiện” không chỉ tách con người khỏi cuộc sống thật mà còn trưng bày ra những bức tranh quá hoàn hảo - về ai đó có một công việc trong mơ, có những nhóm bạn quá “chất”, có cuộc sống đầy thú vị… Con người với bản chất tham lam cùng tính tự ti, dù chỉ ở đâu đó khuất sâu trong mỗi người, bất giác so sánh và thấy chỉ có một mình mình thua thiệt...
Cũng có những người cho rằng có lẽ gốc rễ vấn đề nằm ở những thay đổi trong cuộc sống với những gánh nặng mới mẻ về tiền bạc và áp lực công việc. Và thay vì chia sẻ với người khác, thế hệ cô đơn nghĩ rằng đây là vấn đề riêng của mình, từ đó mỗi ngày một đẩy thế giới ra xa. Thậm chí, có chuyên gia dự đoán sẽ có những người trẻ không còn muốn hình thành mối quan hệ bình thường với những con người bình thường, và sẽ trải qua mối quan hệ đầu tiên, “lần đầu tiên” của mình với robot hoặc búp bê tình dục - đâu đó vào khoảng 10 năm tới.
Trước nỗi sợ từ cảm giác không thể kiểm soát, con người dần buông bỏ thế giới lớn để tìm an toàn trong thế giới nhỏ của mình và những thứ do chính mình tạo ra, dù biết rằng càng thiếu những neo giữ, thế giới nhỏ ấy sẽ càng vô định...
Theo Trí thức trẻ