Ca khúc Việt sắp chạm mốc một tỷ lượt xem
Thông tin về video âm nhạc Một Con Vịt sắp chạm mốc một tỷ lượt xem trên YouTube gây sốt mạng xã hội. Có nhiều phiên bản được thực hiện, nhưng video từ kênh Heo Con TV có 5 triệu người theo dõi đã hút hơn 924 triệu lượt xem chỉ sau bốn năm đăng tải - con số đáng mơ ước ngay cả với nhiều nghệ sĩ Việt.
Với thời lượng 4 phút 26 giây, video âm nhạc này được dựng theo thể loại hoạt hình 3D, mô tả sinh động âm thanh, hình ảnh theo lời bài hát Một con vịt. Nhờ mức tăng đều đặn, đây có thể là MV Việt đầu tiên cán mốc một tỷ lượt xem trên YouTube.
Video ca nhạc hoạt hình Một Con Vịt sắp tiến đến con số một tỷ lượt xem. Ảnh: CMH.
Một con vịt do nhạc sĩ Kim Duyên sáng tác, gắn liền với tên tuổi của Xuân Mai. Bài hát được Xuân Mai thể hiện trong đĩa nhạc năm 1998 khi lên ba và dần phổ biến với trẻ em nhờ ca từ dễ nhớ, vui nhộn. Đây cũng là bài hát thuộc về một phần tuổi thơ của rất nhiều người Việt.
Nhiều video ca nhạc dành cho thiếu nhi mang về lượng xem “khủng”. Bên cạnh Một con vịt, các ca khúc thiếu nhi Việt Nam như Bống bống bang bang của 356 hút 589 triệu view (lượt xem), phiên bản do bé Bào Ngư thể hiện có 595 triệu lượt xem, Cả nhà thương nhau (733 triệu view), A con cá sấu - Học bảng chữ cái ABC với nghệ sĩ nổi tiếng (644 triệu view)…
Số tiền video ca nhạc Một Con Vịt có thể kiếm được nếu đạt một tỷ lượt xem
Chia sẻ với Tiền Phong, chị H.M (TPHCM) - quản lý đội biên kịch công ty chuyên sản xuất video YouTube Kids - cho biết những video ca nhạc thiếu nhi đều bị tắt bình luận bởi quy định của YouTube về nội dung dành cho trẻ em. Tuy nhiên chủ kênh vẫn có thể bật quảng cáo kiếm tiền.
RPM là chỉ số biểu thị số tiền kiếm được trên mỗi 1.000 lượt xem video. Mỗi nước có RPM khác nhau. Tại thị trường Việt Nam, chị H.M cho hay 1.000 lượt xem được trả 0.3 USD (7.400 đồng).
“Thị trường Mỹ có RPM cao nhất, con số này ở Brazil, Nga cũng khá cao. Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc. RPM ở châu Á khá thấp” – chị H.M nói.
Như vậy, với trường hợp của Một con vịt, nếu video đạt một tỷ lượt xem đều đến từ Việt Nam, kênh có thể thu về 300 triệu USD (7,4 tỷ đồng). Ở mức 924 triệu lượt xem hiện tại, video này ước lượng mức thu 277 triệu USD (6,85 tỷ đồng). Nếu hút lượng người xem lớn đến từ nước ngoài, số tiền sẽ cao hơn.
Tiền bản quyền ca khúc tùy thuộc vào tác giả. Với những ca khúc lâu đời chi phí sẽ không quá cao.
Tại sao video dành cho trẻ em có hàng trăm triệu đến hàng tỷ lượt xem?
Không khó hiểu khi những ca khúc thiếu nhi có lượng tăng trưởng ổn định so với các thể loại khác. Khán giả gọi đây là những video ca nhạc “đưa cơm”, được các bé yêu thích, nghe mỗi ngày.
Các bậc phụ huynh thường sử dụng YouTube bật các bản nhạc thiếu nhi như phương tiện giải trí cho con trẻ, “cứu tinh” mỗi khi trẻ lười ăn hay khóc nhè.
Khi say mê với nội dung, âm thanh video ưa thích, trẻ em có thể xem đi xem lại mãi không thấy chán.
Đây cũng là cách video ca nhạc Baby Shark do Pinkfong sản xuất được xem nhiều nhất thế giới với con số hiện tại lên tới hơn 14 tỷ. Giám đốc điều hành Pinkfong Kim Min Seok cho biết thành công của dòng nhạc này nằm ở chỗ "lạ lẫm".
Đoạn điệp khúc "doo-doo-doo-du-du-du-du-du-du" lặp nhiều lần như kéo dài vô tận là điểm chính tạo nên thành công của Baby Shark. Ảnh: CMH.
Nhịp điệu dễ thương và sôi nổi, nhưng động vật lại là cá mập. Chọn lọc đoạn nhạc cổ điển hay sắp xếp lại các bài hát thiếu nhi truyền thống, kết hợp một số yếu tố Kpop là những ý tưởng mà ông Kim cố gắng hiện thực hóa trong bài hát.
Theo Tiền Phong