Gia đình chồng tôi đông anh em, mẹ yêu thương các con nên không khí luôn đầm ấm. Thế nhưng, tôi nhận thấy từ sâu trong mắt mẹ, nỗi buồn của một người phụ nữ bị chồng phản bội.
Khi yêu chồng tôi, anh rất ít khi kể về bố. Suốt thời gian dài, khi tôi hỏi, chồng tôi không muốn chia sẻ nhiều. Lúc chúng tôi xác định tổ chức đám cưới, anh mới thổ lộ tất cả về chuyện năm xưa.
Trong ký ức của chồng tôi và anh chị em trong nhà, bố là người đã bỏ rơi cả gia đình lúc khó khăn. Năm chồng tôi học cấp 2, bố mẹ cãi nhau lớn vì chuyện ông có bồ bịch bên ngoài. Sau đó, bố chồng chạy theo người phụ nữ kia.
Mẹ chồng tôi một mình cáng đáng việc nuôi các con mà không có sự hỗ trợ nào của chồng. Chồng tôi kể, gia đình khó khăn đến nỗi nhiều lần mẹ viết thư mong bố gửi ít tiền nhưng ông không hồi đáp.
Hơn 15 năm sau, khi chị cả đã đi làm, mới có dịp đến chỗ bố chồng tôi sống. Cuộc sống không khó khăn nhưng cũng chẳng giàu sang. Bố chồng bày tỏ sự hối hận nhưng không dám trở về, vì biết mẹ và các con không bao giờ tha thứ.
Bố chồng bất ngờ trở về khiến cả nhà tôi náo loạn (Ảnh minh họa: IT).
Mẹ chồng mang trong mình nỗi đau quá lớn, bà không bao giờ muốn nhắc đến bố. Anh em trong nhà cùng chồng tôi muốn nối lại tình cảm cha con, song việc thay đổi suy nghĩ của mẹ không dễ dàng.
Thông qua anh chị em trong nhà, vợ chồng tôi được biết, bố chồng ngày càng tiều tụy vì cuộc sống khó khăn. Trước đây, bố và cô bồ kiếm được nhiều tiền nhưng các con không tu chí.
Con trai lớn học hành dang dở, đua đòi theo bạn bè, mắc nợ khiến bố mẹ phải trả hết lần này lượt khác. Đứa con thứ hai không có nghề nghiệp ổn định, sa vào cờ bạc. Cho nên, bao nhiêu tài sản tích góp cũng dần ra đi.
Vì biết bố khó khăn, anh em trong nhà giấu mẹ thỉnh thoảng gửi cho ông ít tiền. Thực lòng, chồng tôi không muốn làm vậy, vì chưa quên được những ngày bố bỏ rơi mẹ. Tuy vậy vì đạo lý ở đời, nhìn bố khó khăn, không có đứa con nào đành lòng.
Tôi là con dâu, không tiếp xúc nhiều và chưa trải qua cảm giác cả nhà "tan đàn xẻ nghé". Tuy nhiên, tôi động viên các anh chị em trong nhà suy nghĩ thoáng hơn để bố không bị mặc cảm với chuyện quá khứ.
Biết bố vất vả, lo trả nợ nần cho con cái, tôi kể với mẹ chồng nhưng bà tỉnh bơ. Tôi thấu hiểu cảm xúc của mẹ. Vì trải qua nỗi đau và sự vất vả, giờ đây mẹ chồng không muốn nhắc đến người đàn ông đó một lần nào nữa.
Cách đây ít ngày, trong đêm mưa lớn, cả nhà nghe tiếng gõ cửa. Chúng tôi và mẹ chồng thức dậy, mở cửa. Trước mặt chúng tôi là gương mặt tiều tụy, già nua của bố chồng với quần áo ướt đẫm.
Mẹ chồng mang gương mặt sắc lạnh đi vào nhà, không một lời chào hỏi. Vợ chồng tôi đưa ông vào nhà, dọn bữa cơm đơn giản lúc 12h đêm. Bố chồng kể đã bán nhà đất vì con cái nợ nần, không còn chốn dung thân.
Đêm hôm đó, chúng tôi sắp xếp cho ông ngủ trong nhà. Ngày hôm sau, không khí cả nhà như chùng xuống. Mẹ chồng xem ông như người vô hình. Khi các con bàn bạc chuyện cho phép bố có thể sống tạm ở đây một thời gian, mẹ kiên quyết phản đối.
Bà tuyên bố, ai cho phép người đàn ông này ở đây sẽ từ mặt, không còn tình mẹ con.
Với sự quyết liệt của mẹ chồng, chúng tôi chưa có cách gì để giải quyết cho thấu đáo. Lúc bố khó khăn như vậy không lẽ không dang tay giúp đỡ, nhưng nỗi đau của quá khứ vẫn còn hiện diện trong căn nhà này. Nếu mẹ chồng không cho phép, không đứa con nào dám chống lại lời bà.
Theo Dân Trí