Theo thông báo ban đầu về kế hoạch trở lại của Super Junior từ công ty quản lý SM, ngoại trừ em út Kyuhyun đang trong quân ngũ, 8 thành viên còn lại sẽ tham gia quảng bá album mới.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Sungmin vấp phải ý kiến phản đối của người hâm mộ. Làn sóng tẩy chay của fan khiến nam ca sĩ sau đó đã phải rút lui khỏi dự án lần này của Super Junior.

Ở một đất nước khắt khe như Hàn Quốc, vai trò của người hâm mộ quan trọng hơn cả việc đem lại doanh thu hay giúp thần tượng thu hút các hợp đồng quảng cáo, lời mời tham gia chương trình truyền hình… Họ có sức mạnh nâng tầm vị thế của nghệ sĩ, nhưng cũng chính họ quyết định việc một ngôi sao có thể tiếp tục tồn tại trong giới giải trí hay không.

Yêu là hết mình

Hiếm có cộng đồng fan nào nhiệt tình và yêu thần tượng cuồng nhiệt như ở Hàn Quốc. Ngoài điểm chung giống những cộng đồng fan khác trên thế giới là tham gia hầu hết đêm nhạc, sự kiện… để ủng hộ ca sĩ mình yêu thích, người hâm mộ Kpop còn có những hoạt động riêng, thậm chí tạo nên nét văn hóa đặc trưng.

Chỉ ở Hàn Quốc, các fan mới sử dụng fanchant để thể hiện tình yêu với thần tượng trong mỗi lần họ trở lại sân khấu âm nhạc. Fanchant là một chuỗi các cụm từ được sắp xếp khớp với giai điệu bài hát gồm tên nhóm, tên thành viên,… và thường được fan hô vang trong mỗi lần thần tượng biểu diễn trên sân khấu.

Cũng chỉ fan Kpop mua gạo, đồ ăn… gửi tặng thần tượng mỗi lần họ thực hiện dự án mới. Xa xỉ hơn, fan Kpop còn có truyền thống gửi tặng nghệ sĩ những món đồ đắt tiền gồm quần áo, điện thoại, máy tính bảng,… nhân dịp sinh nhật thần tượng.


Chanyeol nói riêng và thần tượng kpop nói chung luôn nhận được những món quà đắt tiền nhân dịp sinh nhật.

Không ít lần, dư luận phải choáng váng khi nhìn thấy một thần tượng nào đó khoe được fan tặng hàng trăm món quà đắt tiền. Trong đó, Chanyeol (EXO) từng nhận được máy tính Mac, máy massage vai, dàn điều chỉnh âm thanh, túi xách, đàn guitar, đàn organ... với giá tiền lên tới 19 triệu đồng vào dịp sinh nhật tuổi 23.

Nhiều nhóm fan khác còn "chơi sang" thuê hẳn xe bus, tàu điện ngầm… để quảng bá hình ảnh thần tượng. Trong đó, fan của Jessica từng chi ít nhất 4.5 tỷ đồng để phát clip dài 18 phút phát trên 11 màn hình LED tại Quảng trường Thời đại, New York (Mỹ).

Một trong những hành động thể hiện tình yêu thiết thực nhất fan Kpop thường làm, đó là trồng rừng, quyên góp gạo hay làm từ thiện dưới danh nghĩa của thần tượng.

Không riêng Hàn Quốc hay các nước khác, tại Việt Nam, người hâm mộ các ca sĩ, nhóm nhạc xứ kim chi cũng tích cực hưởng ứng cách làm này. Điển hình như thời điểm 2PM tham gia HEC Korean Festival ở TP.HCM năm 2014, V-Hottest (FC 2PM tại Việt Nam) đã sử dụng tên của thần tượng để tặng 300 kg gạo cho Hội bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi TP.HCM.

Trước đó, Hottest trên khắp thế giới cũng từng lập kỷ lục khi quyên góp tới 28.088 tấn gạo cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Fan Kpop còn có một điểm riêng mà không một cộng đồng fan nào có được chính là đội ngũ fansite hùng hậu. Họ là những người luôn theo sát thần tượng trong mọi hoạt động, sự kiện, thậm chí sang cả nước ngoài… để cập nhật thông tin và hình ảnh. Để làm được công việc này, ngoài việc dành phần lớn thời gian, các fan Kpop còn đầu tư một số tiền không nhỏ để mua trang thiết bị, máy ảnh, vé máy bay…

Nguồn thu lớn nhất của ca sĩ thần tượng

Quảng cáo luôn là nguồn thu nhập lớn nhất với những ngôi sao hoạt động trong lĩnh vực giải trí. Tuy nhiên, tại một đất nước phân rõ đẳng cấp giữa ca sĩ và diễn viên như Hàn Quốc, những ngôi sao quyền lực nhất trong lĩnh vực quảng cáo lại không phải giới thần tượng.

Thực tế, một số rất ít ca sĩ thần tượng ở Hàn Quốc có thu nhập ổn định từ quảng cáo. Thay vào đó, nguồn thu quan trọng hơn cả của họ đến từ doanh thu album và tổ chức đêm nhạc.

Nhìn vào danh sách những nhóm nhạc quyền lực nhất Kpop hiện giờ như Big Bang, TVXQ, EXO, BTS… không khó để nhận thấy điểm chung giữa họ là có doanh số khủng ở cả mảng album lẫn vé đêm nhạc. Thậm chí, SNSD là nhóm nữ hiếm hoi còn hoạt động sau 10 năm ra mắt cũng nhờ duy trì được doanh thu lớn từ lĩnh vực này.

Và yếu tố quan trọng nhất giúp những nhóm nhạc kể trên có được thành tích lớn trong mảng album, vé đêm nhạc chính là lượng fan khủng và trung thành.


Lận đận mảng nhạc số nhưng GOT7 lại sở hữu lượng fan lớn. Nhờ đó, nhóm luôn có doanh thu cao từ tiền bán album, vé đêm nhạc...

GOT7 có thể chưa nổi tiếng và âm nhạc của nhóm cũng không thực sự phổ biến ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, doanh thu nhóm mang về bằng việc tổ chức đêm nhạc và bán album nhờ lượng fan khủng vẫn giúp lợi nhuận của JYP tăng mạnh trong năm 2016 và nửa đầu 2017.

Theo đó, trong bảng xếp hạng album có doanh số tiêu thụ lớn nhất từ ngày 1/1 đến ngày 30/6/2017 của trang Gaon, GOT7 nắm giữ vị trí thứ 2 với 330.680 bản album Flight Log: Arrival được bán ra.

Tương tự, 2PM cũng là nhóm đem về thu nhập lớn cho JYP thay vì "nữ hoàng quảng cáo" Suzy như mọi người vẫn lầm tưởng. Tuy không còn thành công tại Hàn Quốc, nhưng lượng fan quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản của 2PM vẫn hùng hậu. Nhờ đó, mỗi khi tổ chức đêm nhạc với quy mô hàng chục nghìn khán giả, 2PM đều dễ dàng bán hết vé.

Cũng nhờ tiền tổ chức đêm nhạc và bán album, Big Bang đã trở thành nhóm nhạc có thu nhập khủng nhất năm 2015. Nhóm thu về 11.5 tỷ won (227 tỷ đồng) tiền bán đĩa, album và 140 tỷ won (2.770 tỷ đồng) từ tour diễn vòng quanh thế giới.

Fan ruột tẩy chay, sao Hàn tiêu tan sự nghiệp

Người hâm mộ Kpop sẵn sàng làm mọi thứ để ủng hộ hay bảo vệ ca sĩ mình yêu mến. Tuy nhiên, cũng vì dành hết tình yêu, sự tin tưởng và hy vọng nên khi thần tượng vướng scandal, đặc biệt là những vụ lừa dối khán giả, người hâm mộ sẽ vô cùng thất vọng và tức giận, thậm chí có thể quay lưng khiến sự nghiệp của sao Hàn "xuống sông xuống bể".

T-ara có lẽ là bài học đắt giá nhất để thần tượng Hàn cẩn trong hơn trong quá trình hoạt động. Vụ việc diễn ra năm 2012 khi các thành viên T-ara bị tố bắt nạt Hwayoung đã khiến họ từ nhóm nhạc hàng đầu với nhiều ca khúc thành công rực rỡ trở thành "con ghẻ" tại làng nhạc Hàn Quốc. Thời điểm đó, hàng nghìn fan đã quyết tâm rời bỏ fan club, đồng thời ký tên yêu cầu nhóm tan rã.

Năm năm đã trôi qua kể từ khi vụ việc xảy ra, tuy có nhiều bằng chứng minh oan cho T-ara được đưa ra, thế nhưng nhóm vẫn không thể lấy lại sự ủng hộ, chú ý của người hâm mộ.


Sau khi bị fan tẩy chay, T-ara hoạt động không còn hiệu quả. Các ca khúc của nhóm luôn nằm ở vị trí thấp trên các bảng xếp hạng âm nhạc. 

Trở lại trường hợp Sungmin, nam ca sĩ nhóm Super Junior cũng đang đứng trước nguy cơ chấm dứt sự nghiệp khi bị fan tẩy chay. Trước đó, để phản đối sự trở lại của anh, một trong những trang web lớn nhất của cộng đồng fan Super Junior có tên Super Junior Gallery đưa ra thông báo yêu cầu nam ca sĩ rời nhóm.

Nguyên nhân khiến Sungmin vấp phải sự phản đối của fan là bởi anh kết hôn với nữ diễn viên nhạc kịch Kim Sa Eun mà không hề thông báo. Ngoài ra, một số tin đồn cho hay Sungmin không được sự đồng ý của các thành viên nhưng vẫn quyết định kết hôn khiến hình tượng của anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ở Kpop, những vụ việc fan thu thập chữ ký hay viết đơn yêu cầu một thành viên rời nhóm, thậm chí đáng sợ hơn là buộc nhóm tan rã đã trở nên rất phổ biến. Điều đó cho thấy người hâm mộ Kpop yêu hết mình nhưng một khi bị "phá vỡ" lòng tin, họ sẵn sàng quay lưng khiến thần tượng không thể đứng vững ở thị trường giải trí.

Theo Zing