Chị em... kết nghĩa
Sinh ra và lớn lên ở Quỳ Hợp, một huyện nghèo ở miền núi Nghệ An, N dẫu có chút nhan sắc nhưng cuối cùng cũng như bao người đàn bà khác, lấy chồng rồi an phận ở nơi mình sinh ra. Nhà nghèo không được đi học, N phải ở nhà làm ruộng và dĩ nhiên khi lấy chồng, người chồng cũng là “đồng nghiệp” với chị. Chồng N là người đàn ông hiền lành chịu khó. Cuộc sống vợ chồng của họ tuy vất vả nhưng được cái hai vợ chồng rất thương yêu nhau.
Minh chứng tình yêu của hai người là 3 đứa con khoẻ mạnh ngoan hiền lần lượt ra đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của hai vợ chồng. Những đứa con và tình yêu thương của họ đã khiến ngôi nhà đơn sơ luôn đầy ắp tiếng cười nói. Khi các con lớn lên, cuộc sống của họ càng khó khăn chật vật hơn. Tuy vậy, họ vẫn không một lời than thở mà lại vui vẻ đồng cam, cộng khổ bươn chải để nuôi các con khôn lớn. Với suy nghĩ “hết cơn bĩ cực đến hồi thái lai”, họ vẫn luôn hy vọng một tương lai sáng ở phía trước. Trong hoàn cảnh đó thì N tình cờ gặp B. B là một cô gái đã ngoài tuổi “băm” mà vẫn chưa chồng. Cô ta quê Diễn Châu, lên huyện miền núi xa xôi này để bán hải sản. Cứ dăm sáu bữa B lại lên một đợt. Cái mặn mòi khoẻ khoắn của người con gái đất biển cùng tài ăn nói và sự vui vẻ cởi mở của B đã khiến chị N rất có cảm tình. Từ sự tình cờ quen nhau và thấy khá hợp nhau, N đã rủ B về nhà mình ở.
Thấy chủ nhà tuy nghèo nhưng tốt bụng, B rất cảm động. Cứ mỗi chuyến hàng, B đều dành một ít đồ hải sản làm quà biếu cho gia đình N. Từ khi có B tá túc trong nhà, mỗi bữa ăn của gia đình N cũng được cải thiện. Được cái, B rất biết lấy lòng mọi người và nhất là chiều chuộng các cháu nên trong nhà ai cũng quý. Vì thế mỗi lần bán xong hàng, B quay về Diễn Châu mà lâu lâu chưa thấy lên là cả gia đình N đều ngóng đợi. Cũng từ đấy tình cảm giữa B và gia đình N ngày càng thân mật. Riêng N và B thì trở thành chị em kết nghĩa, tình cảm chẳng khác nào hai chị em ruột.
Thỉnh thoảng trong những lúc N rỗi rãi, nông nhàn, B lại rủ chị về quê mình chơi. Vốn dân miền núi “chó ăn đá gà ăn sỏi”, mỗi lần về Diễn Châu được nhìn ngắm biển, được ăn đủ loại hải sản tươi mà ở quê mình không bao giờ có đã khiến N vô cùng thích thú và cảm động hơn về tình chị em. Một lần, hai lần, rồi nhiều lần qua lại nhà B, N càng nhận thấy B là con người tháo vát giỏi giang và rộng rãi, trong lòng cũng lấy làm phục và vui mừng vì có được người em kết nghĩa như thế.
Về phần B, biết được N rất quý mình nên cô cũng lấy lòng tốt và nhiệt tình để đối đãi lại. B còn rủ chị cùng hợp tác chung sức lấy hàng về quê bán. Thử một lần thấy có lãi. Từ đấy N thường xuyên đi cùng B để lấy hàng. Mỗi chuyến hàng hải sản bán xong độ dăm bảy ngày, B đều gửi lại chị dăm ba trăm nghìn từ phần lãi một cách sòng phẳng. N nhẩm tính một chuyến đi trừ chi phí còn gấp nhiều lần làm ruộng đầu tắt mặt tối. N mừng ra mặt. Sự quý trọng mà N giành cho cô em kết nghĩa của mình càng nhân lên bội phần. Họ thực sự là những người chị em tốt hiếm gặp trên đời.
Và chuyện "lửa gần rơm"
Ảnh minh họa
Từ ngày chị N xuống Diễn Châu lấy hàng về quê bán, gia đình chị có vẻ khá giả lên nhiều. Biết chồng ít khi phản đối các ý định mà mình đề xuất, chị bàn với chồng sẽ lấy đó làm công việc chính để cải thiện kinh tế gia đình. Rồi chị bắt đầu bàn giao công việc đó cho chồng để mình ở nhà đảm việc đồng áng và trông nom các con vì mỗi chuyến đi luôn phải mất dăm bảy ngày gom hàng.
Ủng hộ vợ, chồng N vui vẻ nhận lời. Thấy chồng đi lại nhẹ nhàng, vả lại luôn có B kèm cặp bên cạnh nên chị cũng lấy làm an tâm lắm. N lúc nào cũng hơn hớn nói cười, gặp hàng xóm, người thân chị đều khoe chồng đang đi làm ăn. Nhiều người cũng lấy làm mừng cho N, nhưng cũng có người chép miệng bảo chị cẩn thận kẻo mất chồng, xưa nay “lửa gần rơm” có bao giờ không “bén”… Trước những lời khuyên chân thành đó, chị không những không đề phòng mà còn xua tay tỏ ý cho rằng đấy là do họ ghen ăn tức ở. Chồng N xưa nay vốn nổi tiếng hiền lành, yêu vợ thương con, còn B thì tốt hơn cả đứa em ruột thì còn lí do gì mà lo sợ để hỏng chuyện lớn. Vì sự tin yêu đó, N không chút mảy may cảnh giác vẫn vui vẻ đợi chờ họ trở về sau mỗi chuyến hàng, vui vẻ nhận phần tiền lãi mà chồng mình đã bỏ công sức ra. Cho đến một ngày, cậu em trai xuống thành phố Vinh chơi đã vô tình “mục sở thị” chuyện dan díu của hai người tại một khách sạn thì chị N mới thực sự chết đứng người. Chị không muốn tin đó là sự thật nhưng từ miệng em trai mình, đứa em hiền lành không biết nói dối bao giờ thì còn lí do gì mà nghi ngờ.
Thì ra trong suốt những chuyến đi dăm bảy ngày bên nhau, giữa họ từ tình cảm anh em đã nảy nở tình cảm trai gái. B chưa một lần gần gũi đàn ông nên không tránh khỏi sự khát khao, còn chồng N thì dù sao cũng là một “thằng đàn ông chính hiệu” không thể không bị quyến rũ bởi sự tháo vát, vẻ mặn mòi, trinh trắng của B. Giữa họ có một sức hút vô tình khiến cho mỗi chuyến đi là khoảng thời gian hạnh phúc của hai người. Chồng N và B đã sống như vợ chồng với nhau hết nhà nghỉ này đến khách sạn nọ. Sau khi chuyện vỡ lỡ, chị N đã làm ầm ĩ lên không đếm xỉa gì đến thể diện của bất cứ ai nữa. Vì lẽ đó mà B không dám quay lại Quỳ Hợp, còn anh T, chồng N thì rầu rĩ thanh minh rồi xin tha thứ. Nhưng có nói cũng như không bởi khi cơn ghen của người đàn bà đang ngùn ngụt thì không gì có thể dập tắt nổi. Thành ra ngôi nhà hạnh phúc luôn ríu ran tiếng cười nói của vợ chông N từ đấy càng lúc càng ảm đạm. N vì quá sốc nên luôn tìm cách trút giận lên đầu chồng, còn anh T thì quá chán ngán cũng nốc rượu suốt ngày.
Cuộc chiến tranh của hai người kéo dài một thời gian thì chồng N khăn gói bỏ nhà ra đi. Sự ra đi của chồng khiến lòng N càng tan nát hơn. Chị chỉ còn biết ngồi oán hận cô em kết nghĩa và anh chồng bội bạc. Rồi một ngày gần cuối năm 2004, chồng N đột ngột trở về đòi N phải li dị và chia tài sản cho mình. Chị cũng có ý cứu vãn nhưng trước sự cương quyết của chồng, N buộc phải đồng ý ly dị và chia tài sản. Cầm số tài sản được chia là 420 triệu đồng, anh T lại khăn gói ra đi đầy hăm hở. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau cả làng đều hết sức ngạc nhiên khi thấy anh T thất thểu trở về. Không dám quay lại nhà cũ vì trên danh nghĩa anh ta đã không còn nhà ở nữa, T đến nhà người em xin tá túc và sống những ngày dày vò hối hận. Thì ra, sau khi có một ít tiền từ việc chia tài sản, T xuống Diễn Châu sống chung với B. Được tự do, cả hai như cá nước chim trời, họ không nghĩ đến việc làm ăn như trước đây nữa. B và T cùng gom tiền lại rồi lao vào cờ bạc lô đề với mong muốn làm giàu nhanh chóng để xây dựng tương lai sau này. Nhưng xưa nay “cờ bạc là bác thắng bần”, những đồng tiền cuối cùng cũng đã dốc sạch, nhà cũng phải bán, rồi thì nợ nần chồng chất. B vội vã bỏ trốn vào Nam, còn T, không còn chốn nương thân lại quay về cái huyện miền núi mà chính anh đã từ bỏ.
Sự trở về của T không làm chị thấy hả dạ hay vui sướng mà ngược lại chị thấy vết đau trong lòng mình càng nhức nhối hơn. Chị đau vì hình ảnh người chồng hiền lành thương yêu vợ con khi xưa đã không còn tìm lại được nữa. Anh trở về, nhưng giờ đây trên danh nghĩa họ là những người xa lạ. Chị thực sự là người đáng thương hơn là đáng trách. Tôi thấy xót xa thay cho chị. Vì đâu nên nỗi? Âu rằng cũng là bài học cho mọi chị em phụ nữ đã, đang và sẽ làm vợ.
Thì ra trong suốt những chuyến đi dăm bảy ngày bên nhau, giữa họ từ tình cảm anh em đã nảy nở tình cảm trai gái. B chưa một lần gần gũi đàn ông nên không tránh khỏi sự khát khao, còn chồng N thì dù sao cũng là một “thằng đàn ông chính hiệu” không thể không bị quyến rũ bởi sự tháo vát, vẻ mặn mòi, trinh trắng của B. Giữa họ có một sức hút vô tình khiến cho mỗi chuyến đi là khoảng thời gian hạnh phúc của hai người. Chồng N và B đã sống như vợ chồng với nhau hết nhà nghỉ này đến khách sạn nọ.
Theo Gia đình & xã hội