Ca phẫu thuật cách đây hơn vài tháng là ca gần nhất mà cho đến giờ tôi vẫn ám ảnh đến lạnh người. Tôi ám ảnh bởi hình ảnh người phụ nữ quằn quại vì đau trên giường bệnh cấp cứu tại bệnh viện do trót phá thai ở một phòng khám tư mà không có chuyên môn, tay nghề. Ám ảnh bởi khi phẫu thuật cấp cứu, thai nhi bị mất hết tay chân trông rất thương tâm.

Tôi ám ảnh bởi sự ngây ngô của người y tá gắp con trong bụng của chị bệnh nhân kia để rồi lúng túng gắp đứt rời cả tay, chân của đứa trẻ. Chị bệnh nhân ấy đã thoát chết sau ca phẫu thuật, cấp cứu, nhưng tôi chắc chắn hệ lụy sau này khó lường trước được.

Người đàn bà ấy đã 33 tuổi và đã có 2 con nhỏ. Chồng chị đi nước ngoài nhưng ở nhà, chị phát hiện mình có thai 19 tuần tuổi. Do lo sợ mang tiếng "bỗng dưng mang thai" khi chồng đi vắng nên chị vội vàng đến một phòng khám tư và tự quyết định bỏ đứa trẻ.

Dưới sự hướng dẫn của một y tá tại phòng khám đó, chị được thực hiện gắp bào thai 19 tuần. Tuy nhiên, sau khi cô ý tá kết thúc công việc này là lúc chị được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng sốc, mất máu nặng và phải mổ cấp cứu.

Các cô, các chị đừng tìm cách bỏ thai nữa - 1
 Bệnh nhân đó, sau này tôi được biết đã mãi mãi không được hưởng quyền làm mẹ.
(Ảnh minh họa)


Bệnh nhân 33 tuổi được mổ cấp cứu khi trong bụng bị ứ đọng khoảng 2 lít máu. Khi vừa phẫu thuật ổ bụng, các bác sĩ đã bị ám ảnh vì hình ảnh cái thai lòi ra khỏi tử cung và nằm chềnh ềnh trong ổ bụng. Điều đặc biệt hơn, thai nhi không còn chân tay. Tử cung thủng 2 lỗ to, bầm dập, tím đen và chúng tôi phải cắt bỏ tử cung của người mẹ.

Có thể, khi nạo phá thai cho chị bệnh nhân này, chị y tá đã cố gắng chọc ngoáy để gắp một phần thai còn lại dẫn đến thủng và bầm dập tử cung. May mắn bệnh nhân đã thoát chết sau ca cấp cứu đó.

Còn nhớ ngày còn tham gia đợt huấn luyện 1 tháng ở Lào Cai, tôi cũng chứng kiến hình ảnh một sản phụ đầm đìa trên vũng máu. Bệnh nhân ấy tên T, quê ở huyện Xi Ma Cai nhưng xuống Hà Nội học và sống thử với người yêu. Khi trót dính bầu nên lẳng lặng bảo lưu việc học để về quê giải quyết hậu quả.

Do lo sợ đến bệnh viện, phòng khám bắt gặp người quen nên T tự ý dùng que sắt đâm thẳng vùng kín. T nghĩ rằng làm cách đó, thai còn nhỏ nên sẽ tự ra. Vết đâm mạnh quá khiến T chảy máu ồ ạt và được hàng xóm đưa đến viện cấp cứu.

Tiến hành xét nghiệm T đã bị thủng tử cung trong khi đang mang thai và phải tiến hành phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp, phải cắt bỏ nửa tử cung, truyền máu để cứu sống.  Bệnh nhân đó, sau này tôi được biết đã mãi mãi không được hưởng quyền làm mẹ.

Tôi cũng từng chứng kiến một ca phá thai "mông muội" của một nhà trí thức trong phút bồng bột. Chị đã có gia đình và một cháu nhỏ nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên khi dính bầu, chị nghĩ tới phá thai. Nghe đồng nghiệp mách chị đến một địa chỉ được coi là nơi bán “thần dược phá thai” và dùng.

Tại địa chỉ đó chị được bán thuốc chống sốt rét liều cao và được chỉ dẫn về uống. Chỉ sau 1 tiếng dùng “thần dược”, chị H chóng mặt, ra máu ồ ạt. Sau đó, chị phải nhập viện trong tình trạng toàn thân tím tái, mặt mũi tái nhợt, băng huyết, có nguy cơ đe dọa tính mạng.

Một số bà con vùng cao còn dùng đến các phương pháp dân gian loại bỏ thai như: bà lang lấy que chọc vào vùng kín của sản phụ, dùng cành dâu hay đưa ống vào tử cung và bơm thuốc xông thai… Một số trường hợp tại Hà Nam đã tử vong do nạo phá thai hết sức thương tâm  đã tử vong sau khi đi phá thai cách đưa ống vào trong tử cung và bơm thuốc xông thai.

Cá nhân tôi nghĩ, cho dù biện minh bằng lý do gì đi nữa thì phá bỏ chính đứa con ruột của mình vẫn là điều thật đáng trách. Ngoài kia còn bao người ước ao, vật lộn để có được mụn con thì có số đông lại ngang nhiên khước từ.

Hơn thế, những cái chết đau đớn, nghiệt ngã hay thiên chức làm mẹ vĩnh viễn bị tước bỏ có lẽ là bài học sâu sắc, đắng cay nhất để rồi mọi hối hận đã quá muộn màng…Để tránh được việc này, tôi rất mong các chị em cần trang bị kỹ năng sống cho mình tốt hơn, để ít ra không phải lỡ mang thai để bất đắc dĩ phải loại bỏ mầm sống mình đang mang.

Theo Khám phá