Người tự xưng là "đại đức Thích Tâm Phúc" đã gây xôn xao cộng đồng mạng thời gian qua.

Mới đây, ông này xuất hiện trong một Beer Club tại quận Gò Vấp (TPHCM) trong trang phục giống nhà sư. Công an quận Gò Vấp mời về kiểm tra chất cấm.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật Giáo Việt Nam TPHCM, cho biết, người này tên thật là Nguyễn Minh Phúc (sinh năm 1983).

Tất cả giấy tờ chứng minh tu sĩ, quyết định bổ nhiệm, quyết định thành lập chùa, quyết định bổ nhiệm trụ trì của người này với danh nghĩa do Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cấp đều là giả mạo.

Thượng tọa Thích Tâm Hải thông tin thêm, ông Nguyễn Minh Phúc được một số YouTuber, TikToker quay clip, đăng tải lên mạng xã hội liên tục trong nhiều năm.

Dù Giáo hội Phật giáo đã phản ánh, các cơ quan chức năng xác nhận hành vi làm giả giấy tờ và nhiều tăng ni, phật tử bày tỏ băn khoăn, nhưng những hình ảnh phản cảm trên vẫn chưa chấm dứt.

Các YouTuber và TikToker liên quan đại đức Thích Tâm Phúc có bị xử lý?-1
Người đàn ông xuất hiện trên mạng xã hội kể lại sự việc (Ảnh chụp màn hình).

Liên quan tới sự việc trên, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty luật TNHH Lưu Vũ) cho rằng hành vi thiếu chuẩn mực của Phúc đã bị chính quyền nhắc nhở, xử phạt hành chính nhiều lần nhưng vẫn tái phạm.

Việc làm của người này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín của Phật giáo, nên các cơ quan chức năng cần phải xử lý mạnh tay để răn đe, tránh tình trạng tiếp tục tái phạm.

"Với giấy tờ mà ông Nguyễn Minh Phúc làm giả, các cơ quan chức năng cần thẩm tra, xác minh, xem có đủ yếu tố để khởi tố về tội Làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 hay không", luật sư Toàn nói.

Ngoài ra, nếu ông Phúc dùng các tài liệu giả mạo, thành lập doanh nghiệp, để kêu gọi quyên góp, lừa đảo thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Ngoài ra, hành vi của ông Phúc có thể bị xử lý hành chính theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP).

Theo ông Toàn, phía sau vụ việc không thể không xử nhắc nhở, xử lý các YouTuber, TikToker tạo "nội dung bẩn, độc hại bất chấp để câu view".

Với hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông" theo Khoản 1 Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Ngoài ra, các YouTuber và TikToker có hành vi vi phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NĐ-CP).

Theo đó, hành vi chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng theo Điểm a Khoản 3 Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP).

Đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng theo Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP).

Với hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 5 đồng đến 10 đồng theo Điểm n Khoản 2 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP).

"Mỗi người đều có quyền tự do khi đăng tải, chia sẻ những nội dung trên mạng xã hội. Tuy nhiên, mỗi cá nhân, tổ chức cần phải chọn lọc nội dung để tuân thủ pháp luật và phù hợp với thuần phong mỹ tục", luật sư Toàn nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu đã chỉ đạo Công an TPHCM chủ trì, phối hợp Ban Tôn giáo thành phố, UBND huyện Củ Chi cùng các bên liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ nhân thân người có tên Nguyễn Minh Phúc nêu trên. Nếu người này có hành vi vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm theo quy định, báo cáo Thường trực Thành ủy và UBND thành phố.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý Nhà nước, chủ động phát hiện, xử lý theo chức năng, nhiệm vụ các trường hợp lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, gây ảnh hưởng tình hình an ninh, trật tự.

Theo Dân Trí