BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3 cho biết, bơ chứa nhiều thành phần dinh dưỡng quan trọng, đáng chú ý là chất béo, carbohydrate, protein, kali, chất xơ, vitamin B và vitamin E. Ngoài ra, quả bơ còn cung cấp vitamin C, vitamin K, gluxit và các chất khác.

Trong 100g thịt bơ gồm: Chất đạm 1,9g, tinh bột 2,3g, chất béo 9,4g, chất xơ 0,5g, canxi 60mg, sắt 1,6mg, magie 24mg, đồng 311mg, kali 351mg, vitamin E 2,66mg, beta-carotene 53 mcg, vitamin C 17mg, folat 35mcg.

Với việc giàu giá trị dinh dưỡng, ăn quả bơ mỗi ngày sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ của bạn như:

    Cải thiện sức khỏe tim mạch
    Cải thiện hệ tiêu hóa
    Ngăn ngừa viêm nhiễm
    Bảo vệ và ngăn ngừa tình trạng loãng xương
    Phòng ngừa ung thư
    Cải thiện sức khỏe tinh thần, tốt cho não
    Bảo vệ thị lực
    Tốt cho thai nhi
    Giúp giảm cân và duy trì cân nặng lý tưởng
    Làm đẹp da

Cách ăn bơ tốt cho sức khỏe-1
Ăn quả bơ mỗi ngày sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ của bạn.

Thời điểm thích hợp để ăn

Theo bác sĩ Vũ, bơ tốt nhưng phải biết cách ăn nếu không sẽ mang lại kết qủa ngược. Ăn bơ vào thời điểm phù hợp có thể tận dụng tối đa lợi ích cho sức khỏe.

“Ăn bơ vào buổi sáng tốt hơn buổi tối”, bác sĩ Vũ nói. Để đảm bảo cơ thể hấp thu tốt dinh dưỡng từ quả bơ, bạn nên ăn trước bữa ăn chính khoảng 1-2 giờ. Nếu bạn muốn tăng cân, có thể ăn món ăn từ quả bơ sau bữa chính, khoảng 1-2 giờ.

Những ai không nên ăn bơ

Một số nhóm người nên hạn chế hoặc tránh ăn bơ hoàn toàn, dù quả bơ có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.

Phụ nữ trong thời kỳ cho con bú

Quả bơ có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng việc ăn quá nhiều bơ có thể gây giảm tiết sữa và gây khó chịu cho trẻ nhỏ. Do đó, tốt nhất là chỉ nên ăn bơ ở mức độ vừa phải, không quá lạm dụng.

Bạn nên đảm bảo sự cân đối giữa việc bổ sung dinh dưỡng từ bơ và duy trì lượng sữa đủ cho con bú. Trước khi thay đổi chế độ ăn, phụ nữ đang cho con bú nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Người bị bệnh về đường ruột

Mặc dù bơ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng phong phú, nhưng trong trường hợp bệnh nhân đau yếu hoặc đang gặp vấn đề về đường ruột, việc ăn quá nhiều bơ có thể gây khó tiêu, đầy bụng và tiêu chảy. Nếu bệnh nhân muốn ăn bơ, nên hạn chế lượng ăn chỉ từ 1/2 quả bơ mỗi ngày để đảm bảo an toàn và tránh gây phiền hà cho sức khỏe.

Người dị ứng với các hợp chất của quả bơ

Các cá nhân có cơ địa nhạy cảm thường có nguy cơ cao bị dị ứng sau khi ăn bơ. Nếu bạn chưa từng tiếp xúc với quả bơ trước đây, hãy chú ý đến các dấu hiệu như buồn nôn, da bị nổi mẩn ngứa, đau đầu, khó thở, chóng mặt sau khi ăn. Đây có thể là biểu hiện của phản ứng dị ứng và bạn nên ngừng sử dụng quả bơ ngay lập tức.

Ngoài ra, những người biết mình bị dị ứng với một trong các thành phần có trong quả bơ cũng cần tránh ăn bơ, bất kể là ăn tươi hay đã qua chế biến. Việc này giúp tránh nguy cơ gây ra phản ứng dị ứng và đảm bảo sức khỏe của mình. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu dị ứng nào sau khi tiếp xúc với quả bơ, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và kiểm tra dị ứng một cách chính xác.

Người có vấn đề liên quan đến gan

Bơ chứa nhiều collagen, chất này khi không được tiêu hóa hoàn toàn, có thể tích tụ trong gan và gây tổn thương đến tế bào gan. Đối với những người đang mắc các bệnh liên quan đến gan, việc giới hạn tiêu thụ bơ là cần thiết để bảo vệ sức khỏe gan của họ.

Người béo phì hoặc đang áp dụng chế độ giảm cân

Bơ chứa nhiều chất béo, do đó việc ăn quá nhiều bơ có thể gây tăng cân và làm mất kiểm soát quá trình giảm cân. Để đạt được mục tiêu giảm cân hiệu quả, bạn nên cân nhắc việc giảm lượng bơ trong thực đơn hàng ngày và tìm các nguồn thực phẩm khác thích hợp để bổ sung dinh dưỡng.

Người đang sử dụng thuốc

Quả bơ có thể gây tác dụng tương tác hoặc làm giảm hiệu quả của một số thuốc như thuốc chống đông máu như Warfarin hoặc Heparin, thuốc chống kết tập tiểu cầu như Clopidogrel và thuốc chống viêm không steroid như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen.

Quả bơ cũng có thể tăng thêm tác dụng phụ của thuốc giảm cholesterol. Vì vậy, trước khi có ý định ăn bơ, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị để được tư vấn và điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp.

Cách ăn bơ tốt cho sức khỏe-2
Quả bơ chứa nhiều dinh dưỡng tốt.

Quả bơ kỵ với gì?

Bác sĩ Vũ cho hay, nhiều người sử dụng trái bơ trong các bữa ăn hàng ngày nhưng chưa biết trái bơ kỵ với gì? Dưới đây là một số đồ ăn kỵ với bơ.

Đồ lạnh

Trong bơ chứa nhiều axit béo, vì vậy, khi ăn bơ, cơ thể sẽ cần một khoảng thời gian tương đối dài và ở nhiệt độ thích hợp để hấp thụ và tiêu hóa. Trong khi đó, đồ lạnh sẽ làm giảm nhiệt độ đường tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất béo có trong trái bơ. Thêm vào đó, nếu ăn hoặc uống đồ lạnh ngay sau khi ăn bơ, bạn có thể bị đau bụng, tiêu chảy.

Bơ kỵ với dưa hấu

Quả bơ kỵ với quả gì là điều mà không phải ai cũng biết, theo các chuyên gia dinh dưỡng, bạn không nên ăn bơ kết hợp với dưa hấu. Dưa hấu tính lạnh, khi ăn cùng bơ sẽ giảm khả năng hấp thụ axit béo trong bơ. Ngoài ra, nếu ăn bơ ngay sau khi ăn dưa hấu hoặc ngược lại, bạn có thể gặp tình trạng khó chịu, buồn nôn, tiêu chảy.

Không ăn cùng thực phẩm nhiều chất béo

Quá trình tiêu thụ các axit béo không no trong quả bơ cần sự tham gia của protein lipid trong dạ dày và ruột. Ăn nhiều chất béo sẽ làm ức chế các axit béo chưa no, đồng thời làm giảm lượng protein lipid. Do đó, không nên ăn bơ kết hợp với các thực phẩm chứa hàm lượng chất béo cao, để tránh làm giảm khả năng hấp thụ hai nhóm dưỡng chất này của cơ thể.

Quả bơ được ưa chuộng không chỉ vì hương vị ngon mà còn vì sự đa dạng trong cách sử dụng. Bạn có thể ăn trái bơ nguyên, làm nhuyễn, xay sinh tố, trộn salad, làm sốt kem, làm kem, làm bánh, và thậm chí làm sushi.

Với giá trị dinh dưỡng cao, quả bơ là loại thực phẩm tuyệt vời cho sức khỏe nhưng cần được sử dụng một cách khoa học. Bạn không nên lạm dụng giá trị dinh dưỡng từ bơ mà cần sử dụng một cách cân nhắc, đúng lượng để tránh những rủi ro không mong muốn.

Theo VTC