Có một cách bấm huyệt đang được dân công sở khắp nơi trên thế giới xem là "bảo bối" chữa bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Đây có thể là giải pháp để chúng ta tham khảo hữu ích.

Hội chứng đau cổ thực ra là một căn bệnh tổng hợp các triệu chứng bệnh gồm viêm đốt sống xương cổ, thoái hóa đốt sống cổ, phì đốt sống cổ, thần kinh căn đốt sống cổ, thoát vị vùng xương đốt sống cổ, đau vai gáy…

Đây được xem là bệnh rối loạn biến đổi bệnh lý về thoái hóa.

Theo Giáo sư Dương Lực, Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc và Bác sĩ Lý Chinh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách khoa Đông y, Bệnh viên Nhạc Dương, Thượng Hải (TQ), việc điều trị và phòng tránh bệnh thoái hóa đốt sống cổ thực tế không quá khó.

Chỉ cần bạn kiên trì và có phương pháp đúng là có thể cải thiện tình trạng bệnh một cách nhanh chóng.

Việc xoa bóp và bấm huyệt là cách hiệu quả và bền vững nhất trong việc phòng và chữa bệnh. Đây là 3 huyệt vị quan trọng nhất, có tác dụng tốt nhất bạn không nên bỏ qua.

1. Bấm huyệt Bách hội

Huyệt bách hội nằm giữa đỉnh đầu, là tâm điểm giữa 2 tai thẳng lên đỉnh đầu (xem hình minh họa để xác định vị trí).

Vị trí huyệt Bách hội (Ảnh minh họa)

Dùng ngón tay trỏ hoặc ngón giữa, bấm vào huyệt bách hội cho đến khi cảm thấy buồn buồn tê tê, hơi đau nhẹ. Sau đó giữ mức bấm trong khoảng từ 30 giây đến 1 phút.

Cách bấm này có tác dụng làm giảm đau đầu, chóng mặt, căng thẳng và các triệu chứng do bệnh thoái hóa đốt sống cổ gây nên.

Không những thế, bấm huyệt bách hội còn giúp cho bạn cải thiện trí nhớ, tỉnh táo và tăng cường năng lực tư duy.

2. Bấm huyệt Phong trì

Huyệt phong trì nằm ở phía sau cổ, tại vùng lõm ở hai bên xương cổ tiếp giáp giữa cổ và chân tóc (xem hình minh họa để xác định đúng vị trí).

Cách bấm huyệt Phong trì (Ảnh minh họa)

Xòe 2 bàn tay, ôm vào 2 bên đầu, ngón tay cái ốp sát xuống phía sau gáy để bấm đồng thời vào 2 điểm ở huyệt phong trì khoảng từ 30 giây đến 1 phút.

Bấm huyệt này có tác dụng tốt đối với người nằm ngủ sai tư thế dẫn đến các vấn đề về đốt sống cổ. Đồng thời có tác dụng điều chỉnh huyết áp đối với người bị cao huyết áp.

3. Bấm huyệt Kiên tỉnh

Huyệt kiên tỉnh nằm giữa trung tâm của vai, giữa cánh tay và cổ (xem hình minh họa để xác định đúng vị trí).

Vị trí huyệt Kiên tỉnh ở giữa chấm tròn 2 bên vai (Ảnh minh họa)

Dùng tay phải đặt lên vai trái, ngón trỏ tìm đúng vị trí huyệt kiên tỉnh vừa bấm vừa day, 4 ngón tay còn lại đồng thời xoa bóp vai sao cho tác động mạnh lên toàn bộ cơ vai, kéo dài trong khoảng 2 phút.

Vừa bấm vừa xoa bóp như vậy sẽ có cảm giác chuyển từ đau mỏi sang thư thái, dễ chịu thì dừng lại.

Bấm huyệt này thường xuyên có tác dụng đặc biệt đối những người bị đau nhức cổ, đầu nặng, cứng cổ và những hiện tượng liên quan đến chứng thoái hóa đốt sống cổ.

Để có tác dụng tốt, người muốn chữa bệnh cần phải kiên trì thực hiện hàng ngày và liên tục, không thực hiện ngắt quãng, lúc nhớ lúc quên.

Người muốn bấm để phòng bệnh thì có thể thực hiện bất kỳ lúc nào khi bạn nhớ ra.

Giáo sư Dương Lực, Học viện Y học cổ truyền Trung Quốc

Bác sĩ Lý Chinh Vũ, Phó Giám đốc phụ trách khoa Đông y, BV Nhạc Dương, Thượng Hải (TQ)

Theo Tri thức trẻ