Cách đúng nhất giúp đào sai hoa, nảy lộc, tươi tốt suốt 10 ngày Tết

Rất nhiều người truyền tai nhau kinh nghiệm đốt gốc đào trước khi cắm sẽ giúp đào tươi lâu, nhưng điều này có thực sự đúng hay không?

Đốt gốc đào giúp cành tươi lâu là đúng hay sai?

Theo quan điểm của nhiều người cắm hoa, khi cành đào được cưa ra khỏi cây thì nhựa của cây đào sẽ chảy ra và đông đặc lại khi gặp không khí, từ đó nhựa bít chặt các mạch cây gây khó khăn cho việc hút nước lên cành. Đồng thời, vết cắt cành đào dễ bị nấm mốc, vi khuẩn xâm nhập vào.

Bởi vậy họ tin rằng việc đốt gốc đào sẽ giúp diệt hết vi khuẩn, nấm mốc lại giúp nhựa cây chảy ra thông mạch cây nhờ đó mà cành đào có thể hút nước từ bình lên để nuôi hoa giúp hoa tươi đẹp.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến không đồng tình với cách làm trên.

Một người nông dân trồng đào ở Nhật Tân, Hà Nội cho rằng, khi đốt gốc cành đào bằng lửa, gốc cành đào sẽ cháy, không thể hút được nước, chất dinh dưỡng để nuôi cành, làm cho cành đào nhanh héo, hoa chóng tàn. Việc đốt gốc cành đào để giữ hoa tươi là phản khoa học.

Cách đúng nhất giúp đào sai hoa, nảy lộc, tươi tốt suốt 10 ngày Tết-1

TS Đặng Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hoa và cây cảnh - Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư cho rằng: “Theo kinh nghiệm dân gian, đốt cành đào trước hết là để diệt khuẩn, diệt nấm xâm nhập vào các bó mạch dẫn của cành đào, làm cành đào hạn chế chảy nhựa, mất dinh dưỡng của cành và làm sạch nước cắm đào... Tuy nhiên, việc đốt gốc cành đào cũng sẽ gây tắc các mạch, không cho nước và dinh dưỡng đi lên nuôi cành”.

Theo TS Đông, nếu áp dụng biện pháp đốt cành thì chỉ đốt vừa phải. Nếu đốt quá nhiều sẽ gây tổn thương mạch, tắc mạch, sẽ lại làm cành đào chóng tàn.

Nên làm gì để thúc đào ra hoa, giữ hoa tươi lâu cả tết?

Đối với đào cành, gia chủ nên rửa thật sạch lọ và chuẩn bị nước sạch. Đào cần được cắm trong nước sạch, đặt nơi khuất gió và giữ ấm thì sẽ bền lâu. Bên cạnh đó, sẽ tốt hơn nếu gốc đào rửa sạch và được thay nước mỗi 2 - 3 ngày.

Đối với đào trồng, bạn cũng nên tưới đều đặn bằng nước sạch. Tuy nhiên do đào ưa khô nên không cần tưới ẩm quá sẽ dẫn đến úng và thối rễ.

Bạn nên bỏ vài viên B1 vào lọ (có thể dùng loại cho người uống hoặc mua B1 chống sốc cho cây sẽ tốt hơn). Một thành phần khác cũng nên tham khảo để bổ sung dinh dưỡng giúp đào tươi khoẻ là Kali.

Cách đúng nhất giúp đào sai hoa, nảy lộc, tươi tốt suốt 10 ngày Tết-2

Phương pháp điều chỉnh đào nở nhanh hay chậm

Thời tiết nóng ấm khiến đào nở nhanh hơn, để làm chậm lại quá trình này bạn chỉ cần khía nhẹ một vòng quanh thân cách gốc 10-15cm. Cách này sẽ hạn chế chất dinh dưỡng từ thân lên nuôi hoa. Bên cạnh đó dùng nước lạnh để cắm hoa cũng là một giải pháp.

Đối với đào cây, rải một lớp sỏi quanh gốc sẽ có tác dụng làm mát gốc. Đặt đào ra ban công thoáng gió cũng giúp hạn chế hoa nở.

Ngược lại, cách để làm đào nở nhanh hơn là dùng nước ấm để cắm hoa. Kích thích đào cây bằng việc đắp vôi quanh gốc, hoa sẽ nở chỉ sau vài ngày.

Theo Khỏe và Đẹp

Xem link gốc Ẩn link gốc https://saigonthethao.thethaovanhoa.vn/phu-nu-today/dung-dot-goc-dao-nua-day-moi-la-cach-giup-dao-sai-hoa-nay-loc-tuoi-tot-suot-10-ngay-tet.html

Tết Nguyên Đán mẹo vặt

Tin tức mới nhất