Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Văn Giang, Hưng Yên), trong dịp đầu năm mới, người dân thường uống rượu nhiều khiến cơ thể mệt mỏi, khó tiêu hóa, gây tình trạng say rượu.

Y học cổ truyền lý giải uống rượu với lượng vừa phải có tác dụng thông huyết mạch, nhuận tràng, trừ hàn khí. Bên trong giúp cho trung khí (khí ở tỳ vị) khống chế được ngoại tà xâm nhập vào cơ thể. Nếu uống nhiều vô độ, nhẹ làm tổn hại tỳ vị, nặng làm kiệt thần k

hí. Rượu làm cho cơ thể choáng váng, phiền loạn, buồn nôn, nôn khan, có khi lên cơn co giật, tâm thần hoảng loạn.

Từ xa xưa, người dân giữ lại lá dong gói bánh chưng còn thừa để dùng giải rượu. Lá dong có tác dụng lợi niệu, chỉ huyết, giải độc, lương huyết, làm se và thanh nhiệt. Do đó, loại lá này thường được dùng để trị ngộ độc rượu, lở loét miệng.

Công dụng của lá dong bao gồm có khả năng chữa say rượu nhanh chóng, làm mát gan, giải độc, hạ men gan. 

Bạn lấy một ít lá dong, khoảng 100-200g, rửa sạch để ráo nước, sau đó đem giã, vắt lấy nước cốt cho người đang trong tình trạng say xỉn uống sẽ giải cơn say trong vòng 20 phút. Hoặc cho lá dong vào nấu nước liu riu lửa rồi uống lúc còn ấm. 

Lương y Trung lưu ý, rượu có thể làm kích ứng dạ dày, hạ đường huyết nên bạn cần ăn đầy đủ để tránh kích ứng và giảm tốc độ hấp thu rượu vào cơ thể. Để giảm nguy cơ ngộ độc và say rượu, nên uống rượu một cách từ từ, chậm rãi để giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời có thời gian để gan kịp oxy hóa.

Không sử dụng đồng thời cả rượu và caffeine có trong cà phê, trà. Rượu làm giảm hoạt động của não, huyết áp, khả năng phán đoán. Cafeine kích thích tăng huyết áp, nhịp tim. Khi kết hợp cả hai, không có sự trung hòa giữa chất gây ức chế và chất kích thích, có thể làm tăng nguy cơ tử vong do bị ngộ độc. 

Ngoài ra, không nên dùng chung rượu với các loại bánh kẹo ngọt, nước uống có ga và thức ăn cay nóng sẽ khiến bạn nhanh bị mệt và tinh thần không được tỉnh táo.

Theo Vietnamnet